Kế hoạch phục hồi kinh tế mới có thể giúp kinh tế EU tăng trưởng?

21:25' - 21/07/2020
BNEWS Kế hoạch phục hồi mới mà Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được tại hội nghị thượng đỉnh kết thúc ngày 20/7 sẽ giúp kinh tế "Lục địa già" thoát suy thoái do COVID-19 và tăng trưởng trở lại vào năm 2021.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã nhận định như vậy tại cuộc họp báo diễn ra một ngày sau hội nghị kéo dài nhất từ trước đến nay của các nước thành viên EU.

Ông Peter Altmaier đã gọi thỏa thuận phục hồi sau đại dịch trị giá 750 tỷ euro (858 tỷ USD) là thông tin tốt đối với hàng triệu người dân Đức cũng như trên khắp châu Âu. Ông  Peter Altmaier nói: "Thỏa thuận trên đảm bảo rằng sẽ thuận lợi hơn đối với nhiều người vốn phải vật lộn để vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng như sự phục hồi sẽ diễn ra sớm hơn".

Ông Almaier nhấn mạnh rằng "bước đột phá" vừa đạt được tại Brussels (Bỉ) đã làm gia tăng đáng kể cơ hội để Đức, nền kinh tế và cũng là nước xuất khẩu hàng đầu châu Âu có thể bắt đầu cảm nhận được sự "phục hồi thận trọng" và chậm vào cuối tháng 10 tới.

Sự phục hồi tương tự cũng sẽ diễn ra tại một số nước thành viên EU, trong khi các nước châu Âu còn lại mới có thể mới bước vào "đỉnh dịch" trong 6 tháng cuối năm.

Các chuyên gia Đức dự báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ giảm tới 6% GDP trong năm nay, nhưng sau đó sẽ tăng hơn 5% trong năm 2021. Trong khi đó Ủy ban châu Âu cho rằng kinh tế EU sẽ giảm tới 8,3% trong năm 2020 trước khi bật trở lại và có thể tăng trưởng 5,8% vào năm 2021.

Trước đó, ngày 20/7, các nhà lãnh đạo EU đã vượt qua những khác biệt để cùng đồng thuận về đề xuất ngân sách lớn chưa từng thấy lên tới hơn 1.000 tỷ euro (gần 1.200 tỷ USD) cho 7 năm tới và quỹ phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, trị giá 750 tỷ euro.

Để đối phó với đợt suy thoái lớn nhất trong lịch sử, các quan chức EU đã thông qua gói phục hồi 750 tỷ euro, nhằm trao các khoản vay và hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, theo đó, mức hỗ trợ đã được giảm từ 500 tỷ euro xuống còn 390 tỷ trong tổng số 750 tỷ.

Đề xuất liên quan tới gói phục hồi 750 tỷ euro trước đây từng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch.

Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 135.000 người ở châu Âu và nhấn chìm nền kinh tế châu lục vào một cuộc suy thoái. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh việc thông qua một kế hoạch đầy tham vọng là cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng y tế đang tiếp tục đe dọa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục