Malaysia và kế hoạch tái thiết nền kinh tế thông qua Ngân sách 2022

06:30' - 27/10/2021
BNEWS Vấn đề ngân sách năm 2022 của Malaysia đang là tâm điểm chú ý của dư luận. Nếu được thông qua với số phiếu cao, dự thảo ngân sách sẽ thể hiện sự tín nhiệm đối với chính phủ liên minh.
Tháp đôi Petronas tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Trong các cuộc họp Quốc hội của Malaysia, vấn đề ngân sách năm 2022 luôn là tâm điểm chú ý của dư luận. Nếu được thông qua với số phiếu cao, dự thảo ngân sách sẽ thể hiện sự tín nhiệm đối với chính phủ liên minh. 

Dự kiến vào ngày 29/10, Ngân sách năm 2022 sẽ được Bộ trưởng Tài chính Malaysia Tengku Zafrul Aziz trình lên Quốc hội.

Dự thảo ngân sách sẽ bao gồm các khoản phân bổ lớn hơn cho chi tiêu phát triển cũng như hỗ trợ trực tiếp cho người dân và các ngành công nghiệp, để từ đó thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong các ngành du lịch, khách sạn và lưu trú, hàng không, vốn đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa biên giới. Ngân sách năm 2022 dự kiến sẽ hỗ trợ và thúc đẩy nhiều hơn các hoạt động du lịch trong nước. 

Bài viết trên trang The Edge Markets nhận định tính đến thời điểm hiện tại, Malaysia đã phải chống trọi với đại dịch COVID-19 trong gần hai năm, chứng kiến nền kinh tế bị tàn phá do các doanh nghiệp phải đóng cửa trong thời gian dài. Dự kiến, những tác động tiêu cực sẽ kéo dài trong một vài năm. 

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của Malaysia tính theo USD hiện tại là 10.580 USD/người vào năm 2020, thấp hơn so với năm 2018, khi GNI bình quân đầu người đạt 10.650 USD/người. GNI bình quân cao nhất của Malaysia là vào năm 2019 khi ở mức 11.230 USD/người.

Khi đất nước thoát khỏi đại dịch và nền kinh tế dần mở cửa trở lại, Ngân sách năm 2022 sẽ được tập trung vào ba chủ đề chính là phục hồi kinh tế, thích ứng và cải cách. Đây sẽ là nền tảng để xây dựng lại nền kinh tế Malaysia sau gần hai năm khủng hoảng về kinh tế và y tế.

Ngân sách năm 2022 dự kiến sẽ nới lỏng một chút do chính phủ sẽ phải cân bằng giữa nhu cầu thúc đẩy phục hồi kinh tế với nguyên tắc tài chính. Tháng 7/2021, Bộ trưởng Tengku Zafrul cho biết, thâm hụt tài chính của Malaysia sẽ tăng lên ngưỡng 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. Con số này cao hơn mức ước tính 6% trong Ngân sách năm 2021, vì chính phủ đã phải tăng chi tiêu cho các biện pháp quản lý và ngăn chặn COVID-19

Chính phủ muốn tăng ngân sách phân bổ cho các cơ quan ứng phó đại dịch COVID-19 từ 65 tỷ ringgit (RM) lên 110 tỷ RM (khoảng 27,5 tỷ USD). Để làm được điều này, Malaysia sẽ phải tăng mức trần nợ công theo luật định từ 60 lên 65% GDP, vốn đã được Quốc hội thông qua vào năm 2020. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa được trình lên Quốc hội để thông qua. Trong khi đó, các khoản nợ công của chính phủ vẫn đang tăng đều đặn. 

Theo dữ liệu của Ngân hàng trung ương Malaysia (Negara Malaysia), tính đến quý II/2021, tổng nợ chính phủ là 958,4 tỷ RM, trong đó có 34 tỷ RM là nợ ngắn hạn. Cũng kể từ quý II/2020, các khoản nợ ngắn hạn của chính phủ đã tăng lên nhanh chóng từ mức 6 tỷ RM trong quý I/2020. Điều này cho thấy chính phủ đã dựa nhiều hơn vào các điều kiện ngắn hạn để tài trợ cho các chương trình và trách nhiệm khác trong thời kỳ này.

Trong khi nhu cầu chi tiêu nhiều hơn để phục hồi nền kinh tế và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là rõ ràng, chính phủ đã cam kết giảm thâm hụt tài chính đến năm 2025, như được nêu trong Kế hoạch Malaysia lần thứ 12. Điều này có nghĩa là chính phủ sẽ phải tăng thêm nguồn thu để bù đắp hoạt động chi tiêu ngày càng tăng, dưới hình thức đánh thuế mới hoặc tăng thuế suất của các mức thuế hiện hành. 

Tuy nhiên, việc này được cho là sẽ thực hiện từng bước một, xét đến những khó khăn mà người dân và doanh nghiệp phải đối mặt.

Các nhà phân tích và kinh tế học không kỳ vọng chính phủ sẽ đưa ra những thay đổi lớn về thuế suất, mà sẽ tập trung nhiều hơn vào các biện pháp khác để tăng doanh thu như tối ưu hóa ưu đãi thuế trong đầu tư, bên cạnh việc làm giảm sự thất thoát. 

Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ đưa ra Đạo luật trách nhiệm tài khóa như một phần của nỗ lực liên tục nhằm xem xét và cải tiến việc quản lý tài khóa tổng thể. Điều này bao gồm tăng cường tạo thu nhập tài chính của chính phủ, giảm thiểu thất thoát và chi tiêu tài chính có tác động thấp cũng như quản lý nợ của chính phủ thận trọng hơn.

Đối với Ngân sách năm 2022, chính phủ dự kiến sẽ phân bổ tổng số tiền là 488,3 tỷ RM. Ngân sách dự kiến sẽ chi tiêu 83 tỷ RM cho chi tiêu phát triển, cao hơn nhiều so với mức 68,2 tỷ RM trong năm 2021, để thúc đẩy các hoạt động phục hồi kinh tế xã hội và chương trình phát triển của quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục