Thực trạng thiếu hụt lao động nước ngoài sau đại dịch tại Malaysia

06:30' - 29/10/2021
BNEWS Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia (FMM) Soh Thian Lai ngày 24/10 đã hối thúc chính phủ nước này nhanh chóng hành động dựa trên thực trạng thiếu hụt lao động trong ngành sản xuất.

 

Cụ thể là thực hiện các biện pháp ngắn hạn như dỡ bỏ lệnh cấm lao động nước ngoài để bổ sung lực lượng lao động phổ thông không có tay nghề, nhằm phục hồi các ngành công nghiệp.

Ông Lai lo ngại rằng nếu nhu cầu nhân lực cấp bách không được giải quyết nhanh chóng, đà phục hồi của các ngành công nghiệp có thể đi chệch hướng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng cho biết, việc dừng tiếp nhận lao động nước ngoài cũng nên được dỡ bỏ đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Lời kêu gọi của ông Soh Thian Lai được đưa ra sau khi kết quả của hai cuộc khảo sát gần đây cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động nước ngoài trong một số lĩnh vực có thể cản trở sự phục hồi kinh tế của quốc gia.

Trước đó, ngày 22/10, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cho biết, chính phủ đã phê duyệt quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) đối với việc nhập cảnh của lao động nước ngoài để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt lực lượng lao động trong ngành trồng trọt.

Dẫn số liệu khảo sát đối với 252 công ty sản xuất thuộc FMM, ông Lai cho biết, hiện tại Malaysia đang thiếu khoảng 22.000 công nhân lành nghề và phổ thông. Trên thực tế, số thành viên trực tiếp và gián tiếp của FMN là 21.000 công ty. Do vậy, ông Lai cho biết thêm, nếu tiến hành khảo sát trên quy mô rộng hơn, thì số lượng công nhân thiếu hụt có lẽ trầm trọng hơn.

Các ngành điện và điện tử, thực phẩm và đồ uống, hóa chất và sản phẩm hóa chất, kim loại chế tạo và các sản phẩm cao su nằm trong số những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu lao động nước ngoài.

Trong một diễn biến liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Malaysia (NCCIM) cũng tiến hành khảo sát đối với 835 công ty và cho thấy họ đang thiếu 77.721 lao động trong lĩnh vực sản xuất. 

Theo ông Lai, cuộc khảo sát của NCCIM cho thấy các đồn điền có nhu cầu tuyển dụng đến 70.000 lao động nước ngoài, ngành sản xuất găng tay cao su (25.000 lao động), đồ nội thất (30.000 lao động), xây dựng (200.000 lao động), sản xuất (25.000 lao động), dịch vụ (45.000  lao động) và nhựa (6.293 lao động).

Ông Lai cho biết, thông thường, các ngành công nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào lao động nước ngoài vì người dân địa phương không mặn mà với một số công việc nhất định.

Theo ông Lai, sự thiếu hụt lao động nước ngoài cũng sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu vì Malaysia là trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng chủ chốt trong khu vực.

Hiện tại, nhiều ngành công nghiệp của Malaysia đã có hợp đồng vào nửa cuối năm 2021, những hợp đồng này được xem xét lại trong thời gian áp đặt biện pháp phong tỏa do các nhà máy không thể hoàn thành đơn hàng và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, tình trạng “đóng băng” lượng lao động nước ngoài cũng dẫn đến tình trạng “lôi kéo” lao động giữa các ngành khó tìm nhân lực. Chủ tịch Hiệp hội cà phê Malaysia-Singapore, ông Wong Teu Hoon cho biết đã có những trường hợp lao động nước ngoài bị lôi kéo giữa những người sử dụng lao động thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Ông cho hay “hiện tại, các ngành công nghiệp khác đang chèn ép số lao động còn lại của chúng tôi vì họ cũng thiếu nhân lực”, đồng thời dự báo tình hình trong thời gian tới có thể tồi tệ hơn vì tình trạng thiếu hụt nhân lực sẽ dẫn đến việc những người lao động hiện nay chịu áp lực về khối lượng công việc gia tăng.

Ông Wong đề xuất chính phủ nên cho phép một hạn ngạch thuê lao động nước ngoài cho lĩnh vực sản xuất. “Tôi hy vọng, chính phủ sẽ hiểu rằng một số công việc không hấp dẫn người dân địa phương”, ông nói thêm.

Ali Taib Khan, Chủ tịch Hiệp hội chủ nhà hàng Hồi giáo người Ấn Độ tại Malaysia (Presma), cũng có quan điểm tương tự đối với những trường hợp lao động nước ngoài rời khỏi các nhà hàng, nơi vốn đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân công. Ông nói rằng một số chủ nhà hàng và một số đại lý đã dùng đến biện pháp lôi kéo hoặc "săn trộm" việc làm.

Họ thu hút nhân viên từ các nhà hàng khác với mức lương cao hơn, trong bối cảnh những nỗ lực gần đây trong việc tuyển dụng người dân địa phương do Tổ chức An sinh Xã hội (Socso) tổ chức đã không mang lại kết quả.

Ông Ali Taib Khan nhấn mạnh: "Chúng tôi đợi từ 9 giờ 00 đến 15 giờ 00 nhưng không một bóng người xuất hiện. Đây thực sự là một thảm họa mặc dù chúng tôi đưa ra mức lương ban đầu là 1.500 RM (khoảng 8.700.000 VND), so với mức 1.200 RM của chính phủ. Presma có khoảng 4.500 thành viên điều hành khoảng 12.500 nhà hàng trên toàn quốc".

Thứ trưởng Tài chính I Mohd Shahar Abdullah cho biết, chính phủ dự kiến sẽ giải quyết tình trạng thiếu lao động nước ngoài mà các lĩnh vực khác nhau phải đối mặt khi thông qua Ngân sách 2022 vào ngày 29/10 tới, đồng thời thừa nhận rằng nhiều ngành đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc thiếu lao động lên Bộ.

Ngân sách 2022 là bước tiếp nối của Ngân sách 2021 với tám gói kích thích kinh tế đã được công bố trước đó. Chính phủ, thông qua Ngân sách 2022, sẽ tập trung vào các chiến lược 3R; đó là phục hồi, khả năng thích ứng và cải cách, khi đất nước chuyển sang thời kỳ hậu COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục