Keidanren: Tăng lương cơ bản trên diện rộng là “không thực tế" trong bối cảnh COVID-19

07:00' - 20/01/2021
BNEWS Theo Tổ chức Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren), việc tăng lương cơ bản trên tất cả các lĩnh vực là “không thực tế” giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 gây thiệt hại lớn với một số lĩnh vực.

Tổ chức Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) ngày 19/1 cho biết việc tăng mức lương cơ bản trên tất cả các lĩnh vực là “không thực tế” giữa bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây thiệt hại lớn đối với một số lĩnh vực.

Trong bản hướng dẫn cho các nhà quản lý doanh nghiệp, Keidanren, một trong những tổ chức vận động hành lang kinh doanh có tầm ảnh hưởng lớn của Nhật Bản, cho hay các công ty sẽ mất nhiều thời gian trong năm nay đối với việc có tăng lương hay không, với lý do môi trường kinh doanh ngày càng xấu đi do bùng phát đại dịch COVID-19.

Liên hiệp Nghiệp đoàn Nhật Bản (Rengo) đưa ra yêu cầu tăng khoảng 2% lương cơ bản trong các cuộc đàm phán về tiền lương giữa người lao động và quản lý nhưng đại dịch COVID-19 khiến triển vọng của các doanh nghiệp trở nên không chắc chắn.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu các công ty tăng lương để hỗ trợ các hộ gia đình và thúc đẩy tiêu dùng. Chính phủ của Thủ tướng Yoshihide Suga cũng kêu gọi tăng lương trong năm nay, mặc dù tỷ lệ tăng dự kiến sẽ chậm.

Nhấn mạnh tác động xấu của đại dịch COVID-19 đối với mỗi công ty hay lĩnh vực là khác nhau, Keidanren lưu ý rằng rất khó để các công ty kinh doanh sa sút có thể tăng lương cơ bản và ưu tiên hàng đầu của các công ty này sẽ là tiếp tục duy trì hoạt động và giữ nguyên việc làm.

Theo hướng dẫn của Keidanren, đối với những công ty hưởng lợi từ việc tăng thu nhập, tăng lương cơ bản nên là “một lựa chọn”.

Các cuộc đàm phán tiền lương hàng năm sẽ bắt đầu vào cuối tháng 1/2021, giữa lúc Nhật Bản đang vật lộn khó khăn để chống lại số ca mắc COVID-19 tăng mạnh dẫn đến việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và khu vực phụ cận khác.

Các quán ăn và các nhà cung cấp dịch vụ khác đang đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng bởi đại dịch khi người dân hạn chế đi lại và tăng nhu cầu giảm tiếp xúc.

Nhật Bản phải đối mặt với thách thức thúc đẩy nhu cầu thị trường trong nước trong nhiều năm và tăng trưởng chi trả vốn là yếu tố quan trọng đối với các hộ gia đình để chi tiêu nhiều hơn và nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục