Kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời mái nhà

14:10' - 24/11/2020
BNEWS Trung bình bức xạ năng lượng mặt trời vào 4,3-4,9 kWh/m2/ngày, với số giờ nắng bình quân từ 2.200 - 2.500 giờ/năm nên Hậu Giang có lượng bức xạ tốt, thích hợp cho việc phát triển điện mặt trời.

Ngày 24/11, tại Hậu Giang đã diễn ra hội thảo chuyên đề: Kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nhằm đề cập các thông tin về xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới cơ hội và thách thức cho Việt Nam, lợi ích và cơ hội phát triển năng lượng sạch.

Ngoài ra, hội thảo cũng hướng đến những công cụ tính toán đầu tư điện mặt trời mái nhà, phát triển điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp, mô hình - tiềm năng phát triển; đặc biệt là những thông tin về thực trạng, tiềm năng và giải pháp trong việc phát triển điện mặt trời mái nhà tại Hậu Giang.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã trình bày tham luận xoay quanh các vấn đề chính như cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tại Hậu Giang; quy trình, thủ tục đấu nối, ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); kế hoạch tổng thể phát triển, mô hình kinh doanh; tình hình triển khai và các giải pháp thúc đẩy, phát triển điện mặt trời mái nhà tại Hậu Giang.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, sau hội thảo các ban ngành đơn vị liên quan của tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời của Nhà nước; tích cực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp và các hộ gia đình nhanh chóng thực hiện các dự án điện mặt trời nói chung, đặc biệt là các dự án điện mặt trời mái nhà.
Cùng với đó, các đơn vị thực hiện theo tinh thần trách nhiệm, không né tránh đùn đẩy trách nhiệm, nhất là đối với các dự án hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phải thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án. Đồng thời, triển khai chặt chẽ, đúng pháp luật, chống tham nhũng tiêu cực, chống lợi ích nhóm, công khai, minh bạch trong các thủ tục pháp lý đầu tư.
Riêng với các nhà tài trợ, các ngân hàng, các nhà đầu tư, nhà sản xuất kinh doanh, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia đầu tư vào thị trường điện mặt trời tại Hậu Giang, đề nghị cung cấp các giải pháp, các gói dịch vụ hấp dẫn, khuyến khích khách hàng đầu tư và sử dụng điện mặt trời áp mái trong thời gian tới nhiều hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, trung bình bức xạ năng lượng mặt trời tại Hậu Giang vào khoảng 4,3-4,9 kWh/m2/ngày, với số giờ nắng bình quân từ 2.200 - 2.500 giờ/năm nên Hậu Giang có lượng bức xạ tốt, số giờ nắng cao thích hợp cho việc phát triển điện mặt trời.
Hơn nữa, điện mặt trời là loại năng lượng sạch, giá thành sản xuất điện năng không biến động theo sự thay đổi của giá nhiên liệu đầu vào như các dạng năng lượng truyền thống khác và chi phí đầu tư luôn được giảm theo thời gian nhờ sự phát triển của công nghệ sản xuất pin quang điện.
Đến nay, tỉnh đang thu hút đầu tư 9 dự án điện mặt trời lớn; trong đó có 3 dự án được Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch điện VII gồm Nhà máy điện mặt trời Hậu Giang; Nhà máy điện Rác Hòa An và Nhà máy điện sinh khối; 3 dự án đang trình Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia là Nhà máy điện mặt trời Vị Tân 2 - 3, xã Vị Tân và Dự án điện gió Long Mỹ I, xã Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm, Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ; còn 3 dự án đang tiếp cận đầu tư.
Riêng về điện mặt trời áp mái trên các trang trại nông nghiệp đến nay có 96 nhà đầu tư đến tìm hiểu và xin chủ trương đầu tư với tổng công suất đăng ký 212MW.
Đến nay, Công ty Điện lực Hậu Giang đã cho phép 50 nhà đầu tư đấu nối lên lưới điện 22 kV với tổng công suất 45MW. Điện mặt trời trên mái nhà hộ gia đình, nhà xưởng có 563 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, tổng công suất 13.599 kWp.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục