Kết nối để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh

18:52' - 28/02/2024
BNEWS Đã tới lúc các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập trung vào việc tối đa hóa nguồn lực sẵn có, đổi mới sáng tạo trong cách tiếp cận thị trường và xây dựng kỹ năng kết nối.

 

Trong thời đại công nghệ và với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cùng các công cụ truyền thông, vấn đề kết nối được coi là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng; nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc phát triển mối quan hệ và kết nối có thể tạo ra không ít cơ hội mới và giúp mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Song đó cũng lại là 1 thành thức đối với nhiều doanh nghiệp khi đa phần trong số họ nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của kết nối. Họ cũng thường không có nguồn lực, ít có khả năng xây dựng mạng lưới quan hệ rộng lớn nên bị hạn chế khả năng tiếp cận thị trường và tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho bản thân và cộng đồng.

Theo các chuyên gia, việc tăng cường kết nối chính là cách hiệu quả và cũng là công cụ để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt kết quả kỳ vọng. 

 

Đề cập tới lợi ích của kết nối đối với sự phát triển của doanh nghiệp, ông Lê Minh Tuấn, Chuyên gia đào tạo, huấn luyện chủ doanh nghiệp thuộc ActionCOACH cho hay, khi nói tới kết nối trong kinh doanh, không thể phủ nhận rằng kỹ năng này mang lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Một kết nối tốt có thể mở ra cơ hội mới, tạo dựng lòng tin từ khách hàng và đối tác, cũng như giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin - những tài nguyên quan trọng.

Khi một doanh nghiệp có mối quan hệ tốt với các đối tác, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác mới, phát triển sản phẩm và dịch vụ cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ. Một mối quan hệ vững chãi cũng giúp doanh nghiệp đạt được tính cạnh tranh cao hơn trong ngành và tạo ra lợi thế chiến lược.

Không chỉ vậy, kết nối tốt còn giúp doanh nghiệp tạo dựng uy tín và hình ảnh tốt trong mắt khách hàng. Họ sẽ cảm thấy tin tưởng hơn khi giao dịch và sử dụng sản phẩm hay dịch vụ từ doanh nghiệp mà mình có mối quan hệ tốt. Điều này cũng tác động lớn đến việc thúc đẩy doanh số và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ngoài ra, thông qua kết nối, doanh nghiệp còn có cơ hội tiếp cận thông tin và tài nguyên mới từ các nguồn bên ngoài, từ đó tạo nên sự đa dạng và sáng tạo trong quá trình kinh doanh và phát triển sản phẩm. Kết nối tốt còn đem lại niềm vui và sự hài lòng trong công việc doanh nghiệp, tạo dựng môi trường làm việc tích cực và động viên sự sáng tạo và phát triển cá nhân của nhân viên, ông Tuấn gợi ý.

Phản ánh thực tiễn từ doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Kasama cho hay, những năm trước đây, khi doanh nghiệp chưa tham gia bất kỳ tổ chức, hội nhóm hay hiệp hội kinh doanh nên hoạt động luôn gặp nhiều thách thức. Khó khăn nhất luôn là vấn đề khách hàng và thị trường. Do hạn chế về mối quan hệ và năng lực kết nối nên công ty thường xuyên phải tuyển nhân sự về sale, marketing dẫn tới chi phí nhân sự luôn cao, thiếu sự ổn định về bộ máy nhưng cũng rất bấp bênh vì khó giữ chân lao động.

Cũng như nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng cảnh ngộ, khó khăn trong kết nối của công ty xuất phát từ việc ngân sách eo hẹp, nên việc đầu tư vào các chiến dịch marketing lớn hay việc mở rộng mạng lưới kinh doanh cũng thường bị gián đoạn; lại thêm thiếu nguồn lực về nhân sự nhất là các chuyên gia trong lĩnh vực kết nối và truyền thông.

Theo ông Cường, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng thường thiếu hụt kinh nghiệm về thị trường và kỹ năng kết nối cần thiết để xây dựng và duy trì mối quan hệ với các đối tác và khách hàng tiềm năng, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh cao. Gần đây, khi công nghệ bùng nổ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gặp hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới như Big data hay trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhưng quan trọng nhất, là các doanh nghiệp luôn đối mặt với thách thức về xây dựng một mạng lưới rộng lớn do giới hạn về nguồn lực cũng như ảnh hưởng và sự nhận biết thương hiệu chưa cao; cũng như việc xây dựng niềm tin và uy tín với khách hàng, vốn dĩ có thể do nhận thức rằng các doanh nghiệp lớn thường đáng tin cậy hơn.

Để giải quyết những hạn chế này, ông Cường bày tỏ, đã tới lúc các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập trung vào việc tối đa hóa nguồn lực sẵn có, đổi mới sáng tạo trong cách tiếp cận thị trường và xây dựng kỹ năng kết nối thông qua việc học hỏi, đào tạo và hợp tác.

Trước thực trạng doanh nghiệp nhỏ và vừa còn ngần ngại trong kết nối, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Triệu phú - chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu cá nhân cho nhiều chủ doanh nghiệp chia sẻ, để kết nối tốt hơn và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, điều đầu tiên cần làm là hiểu rõ giá trị cốt lõi của mình. Doanh nghiệp cần xác định được đâu là thế mạnh, đâu là giá trị đích thực mà họ muốn gửi gắm đến khách hàng và đối tác của mình.

Giống như muốn trồng một cây cần một hạt giống tốt, một doanh nghiệp muốn thành công cần một giá trị nền tảng vững chắc. Xây dựng một chiến lược kết nối thông minh và có chọn lọc cũng quan trọng không kém. Đó không chỉ là việc lựa chọn đúng thời điểm để gửi một thông điệp qua email, mà còn là cách doanh nghiệp thể hiện mình trên các phương tiện truyền thông xã hội, hay cách mà họ tham gia vào các sự kiện và hội chợ để mở rộng mối.

Cụ thể hơn, doanh nghiệp cần biết xây dựng chiến lược truyền thông đa kênh như sử dụng linh hoạt các công cụ truyền thông từ truyền thống đến số, từ mạng xã hội, website, đến những buổi hội thảo trực tiếp để tăng cường tương tác với khách hàng và đối tác; phải nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng bằng cách chăm sóc khách hàng không chỉ qua việc giải đáp thắc mắc mà còn phải xây dựng những chương trình chăm sóc sau bán hàng, cũng như tìm ra cách thức tạo ra trải nghiệm độc đáo cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ hoặc sản phẩm.

Song song với đó, doanh nghiệp cần phát triển các kỹ năng mềm cho nhân viên như kỹ năng giao tiếp, đàm phán hay giải quyết vấn đề.... qua đó, biết cách tạo ấn tượng đầu tiên với khách hàng và đối tác. Doanh nghiệp phải biết xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác và phản hồi một cách chuyên nghiệp để thể hiện sự tôn trọng và hiểu biết với khách hàng. Cùng với đó, cần mở rộng và duy trì mạng lưới kết nối với các đối tác, thậm chí cả đối thủ trong ngành cũng là một cách để học hỏi lẫn nhau và tìm kiếm cơ hội hợp tác có lợi cả hai bên.

Theo ông Hùng, một điều rất quan trọng khác nữa, đó là chủ doanh nghiệp cần trau dồi kỹ năng lắng nghe. Lắng nghe không chỉ là tiếp thu thông tin, mà còn là cách thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến đối phương, đến khách hàng và đối tác. Hãy tưởng tượng cảm giác khi ai đó chia sẻ một câu chuyện và được lắng nghe một cách chân thành, đó chính là cảm giác gắn kết mà các bên đối tác cùng hướng tới trong mỗi mối quan hệ kinh doanh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục