Kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản

12:10' - 19/11/2022
BNEWS Thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, các chương trình của Hiệp hội đã kết nối doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam tham gia hợp tác phát triển sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho biết, các chương trình của Hiệp hội đã kết nối hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam tham gia hợp tác phát triển sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (khu công nghiệp chuyên sâu cho ngành công nghiệp hỗ trợ), cụ thể hợp tác uỷ quyền chứng chỉ sản xuất Nhật Bản, đào tạo lao động kỹ thuật cao, quản trị công nghệ mới, quy trình sản xuất… cho các doanh nghiệp trong nước có thể đủ điều kiện tham gia chuỗi sản xuất của Nhật Bản và toàn cầu.

 

Đại diện HANSIBA cho hay, hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo tại Việt Nam cùng các Công ty thành viên của Hiệp hội đang cần được hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp ngành Trung ương và địa phương.

Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện cần và đủ thúc đẩy mạnh mẽ để vươn lên chiếm lĩnh thị phần bỏ ngỏ rất lớn lên tới hàng tỷ USD tại Việt Nam đang phải nhập khẩu hàng năm.

Hiệp hội HANSIBA được thành lập thời gian qua đã giúp doanh nghiệp hội viên kết nối kinh doanh, chủ động hơn về lao động và kế hoạch - giải pháp trong sản xuất, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất ngay trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và trong những tháng đầu năm 2022.

Cụ thể các doanh nghiệp hội viên đã được tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư với các đối tác đến từ Nhật Bản.

Điển hình là việc ngay sau khi Việt Nam gỡ bỏ quy định về giãn cách xã hội, mở cửa quốc tế sau đại dịch COVID-19 được kiểm soát đầu năm 2022.

Công  ty Onaga - nhà sản xuất cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các tập đoàn như Boeing, AirBus… có tuổi đời trên 50 tại Nhật Bản, đồng thời là đại diện nhóm các doanh nghiệp vùng Kobe - Nhật Bản đã tổ chức thực hiện đầu tư và xây dựng ngay chuỗi nhà xưởng sản xuất linh kiện máy bay, hàng không, tàu shinkansen, ô tô, tàu biển, nông ngư nghiệp, robot tự động hoá … tại KCN hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) với sự hỗ trợ của Công ty N&G (thành viên Tập đoàn N&G Group) và Hiệp hội HANSIBA cùng Lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Hiệp hội HANSIBA với Tập đoàn N&G và đối tác các nhà sản xuất Kobe Nhật Bản cũng đã thành lập Công ty Tư vấn-Đầu tư-Phát triển Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản. Bước đầu thực hiện hợp tác chuyển giao, tư vấn công nghệ và quản trị, cung ứng linh kiện xuất khẩu đến các doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc … cho hàng chục doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thủ đô.

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch HANSIBA cho biết, việc Công ty Onaga chính thức triển khai đầu tư tại KCN Hanssip nhằm cụ thể hoá thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn N&G - Việt Nam và Công ty Onaga - Nhật Bản (đại diện nhóm doanh nghiệp vùng Kobe).

Theo đó, Tập đoàn N&G sẽ hỗ trợ toàn bộ các thủ tục liên quan tới giấy phép đầu tư, xây dựng; nhập khẩu máy móc thiết bị đã đang sử dụng tại Nhật Bản để dịch chuyển sang Việt Nam; hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động theo tiêu chuẩn của Nhật Bản ngay tại Học viện hướng nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSI) – đã được Tập đoàn N&G đầu tư và phối hợp cùng Hiệp hội HANSIBA quản lý -

vận hành theo hình thức "phi lợi nhuận" ngay tại KCN Hanssip.

Học viện VSI được ra đời là minh chứng cho việc cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và Hà Nội chủ động sáng tạo vươn lên hội nhập kinh tế quốc tế.

Tất cả đều hướng đến cụ thể hoá chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam và cụ thể sự hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước Việt Nam - Nhật Bản với sự trợ giúp và hợp tác từ Chính phủ Nhật Bản.

Mới đây, đoàn doanh nghiệp Kobe Nhật Bản cũng đã đến Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) để khảo sát lên kế hoạch cùng với các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội HANSIBA triển khai thực hiện đầu tư và cùng nhau gấp rút hoàn thành chuỗi nhà máy đầu tiên vào quý II/2023, sản xuất kịp thời tham gia chuỗi sản xuất của Nhật Bản và toàn cầu và hướng đến hình thành Tổ hợp công nghieelj hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản ngay tại KCN Hanssip.

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu về ODA, chiếm 30% tổng số vốn của các nhà tài trợ nước ngoài dành cho Việt Nam, khoảng 29,3 tỉ USD; trong đó viện trợ không hoàn lại là 1,8 tỉ USD.

Đây cũng là đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại năm 2021 khoảng 43 tỷ USD. Nhật Bản là nhà đầu tư thứ 2 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 4.300 dự án có tổng số vốn đăng ký gần 60 tỷ USD. Các dự án đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp Nhật Bản đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động.

Để phát triển quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản tầm nhìn đến 2030. Chiến lược Công nghiệp hóa được xây dựng và thực hiện với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nhiều cơ quan Nhật Bản khác trên cơ sở tham vấn doanh nghiệp và các nhà khoa học.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế, có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến trên thị trường cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Nhật Bản và Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục hợp tác giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội trên nhiều lĩnh vực thông qua chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục