Kết nối hợp tác xã tạo đà tiêu thụ nông sản

14:07' - 08/04/2022
BNEWS Trước nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới ngày càng cao, thúc đẩy kết nối sản xuất, tiêu thụ mà điển hình là kết nối hợp tác xã giúp cho chuỗi này được dễ dàng hơn.

Sản xuất và tiêu thụ nông sản luôn là vấn đề đi đôi trong nông nghiệp từ trước đến nay. Từ nông dân, hợp tác xã đến doanh nghiệp đều luôn nỗ lực làm thật tốt để vòng xoay nông sản được nhịp nhàng, hàng hóa không ứ đọng, gia tăng lợi nhuận và tái sản xuất thuận lợi. Trước nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới ngày càng cao, thúc đẩy kết nối sản xuất, tiêu thụ mà điển hình là kết nối hợp tác xã giúp cho chuỗi này được dễ dàng hơn.

*Chuyển đổi số cho hợp tác xã

Trải qua 1 năm với nhiều diễn biến phức tạp trong nước, từ ứng phó dịch bệnh COVID-19, phí logistics tăng cao, giá nhiên liệu phục vụ cho các hoạt động trong xã hội biến động mạnh… đã tác động rất lớn đến toàn bộ đời sống, kinh tế, xã hội của người dân, doanh nghiệp. Từ đây, nhiều loại nông sản đã rơi vào tình trạng khó tiêu thụ, nhiều nông dân khó tái sản xuất, doanh nghiệp chỉ sản xuất, xuất khẩu cầm chừng.

Trong khoảng thời gian biến động này, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các địa phương đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho nông dân giải phóng nguồn hàng, doanh nghiệp có nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, yếu tố mạnh mẽ và thuận lợi nhất vẫn là giúp người sản xuất tham gia vào tiến trình chuyển đổi số để thay đổi phương thức sản xuất, tiêu thụ hiệu quả nhất.

Thực hiện điều này, hiện các lãnh đạo lĩnh vực nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam cũng đã đồng loạt lên kế hoạch kết nối với các đơn vị có hệ thống thương mại điện tử trong nước, cũng như nước ngoài để nông dân thuật lợi trong việc quảng bá, cũng như tiêu thụ nông sản.

Theo ông Lý Trung Đông, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Tây Ninh, hồi giữa tháng 3/2022, UBND tỉnh Tây Ninh đã tạo điều kiện cho Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh và Bưu điện tỉnh Tây Ninh ký kết kế hoạch phối hợp tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử năm 2022.

Qua đó, tỉnh Tây Ninh tập trung lựa chọn những hợp tác xã  có nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi, sản xuất quy mô trang trại, nhóm hộ nông dân sản xuất hàng hóa, bao gồm hộ sản xuất nông nghiệp thuần túy, dịch vụ kỹ thuật cho nông nghiệp, hộ vừa làm nông nghiệp, vừa làm nghề tiểu thủ công nghiệp nhưng nguồn thu nhập từ nông nghiệp là chính. Các loại hàng nông sản giới thiệu phải bảo đảm an toàn, chất lượng, ưu tiên những sản phẩm có giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…

Ông Trần Văn Hận, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh cho biết, Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh và Bưu điện tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm xây dựng, hướng dẫn Hội Nông dân huyện, thị, thành phố thực hiện tối thiểu một chương trình phối hợp kết nối, tiêu thụ nông sản trên phạm vi toàn tỉnh. Mỗi xã phát triển tối thiểu 1 cộng tác viên, đại lý bán hàng sản phẩm dịch vụ của Vietnam Post. Chương trình bắt đầu áp dụng vào tháng 10/2022.

Tính đến nay, tỉnh Tây Ninh bắt đầu thu thập thông tin của tối thiểu 9.000 hộ hội viên sản xuất nông nghiệp thuộc các hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh, cập nhật giới thiệu sản phẩm và bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, Agri-postmat.vn, tạo điều kiện cho nông dân Tây Ninh tiêu thụ hàng hoá dễ dàng hơn.

Bình Thuận hiện cũng là một điển hình nỗ lực giúp các hợp tác xã nông nghiệp kết nối chuyển đổi số trong kinh doanh tiêu thụ nông sản. Theo ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, Hội Nông Bình Thuận đã ký kết thỏa thuận với Bưu điện tỉnh Bình Thuận phối hợp rà soát, đưa thông tin của 12.000 hộ sản xuất nông nghiệp thuộc các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để giới thiệu và bán sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, Agri-postmart.vn.

Theo đó, tỉnh ưu tiên các loại nông sản an toàn, chất lượng do người nông dân sản xuất ra đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP, sản phẩm có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Song song đó, phối hợp kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, Agri-postmart.vn và hệ thống các điểm bán hàng của hai bên; phối hợp phát triển cộng tác viên, đại lý bán hàng, mục tiêu tối thiểu mỗi xã phát triển một cộng tác viên, đại lý bán hàng sản phẩm, dịch vụ Vietnam Post.

Hội Nông dân và Bưu Điện tỉnh Bình Thuận cũng xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ với chính sách ưu đãi cho các cấp hội, cán bộ, hội viên, các chi/tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã. Đồng thời, triển khai các chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn lồng ghép vào các hội nghị, tập huấn, đào tạo...

*Cấp mã vùng trồng thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các hộ nông dân chuyển đổi số đê dễ đang tiêu thụ hàng hóa, việc xác định vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản, là cách để tăng niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế đối với nông sản Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều chính sách để nhanh chóng cấp mã vùng trồng cho nông sản cả nước.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, vấn đề cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi cần thực hiện nhanh không chỉ đối với các hàng hóa xuất khẩu mà còn cả tiêu thụ nội địa. Đây là vấn đề quan trọng trong việc triển khai chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.

Các địa phương chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương để phục vụ mở cửa thị trường, giải quyết các rào cản kỹ thuật và xử lý các thông báo không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm.

Tại các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, các Sở Nông nghiệp tại các địa phương chú trọng vào tập huấn nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Nói đến cấp mã số vùng trồng cho nông sản, giúp nông dân, hợp tác xã dễ dàng tiêu thụ nông sản, tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực rất lớn để cấp mã vùng trồng, cũng như thu hồi, tiêu hủy đối với những vùng trồng vi phạm các quy định về sản xuất.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, từ 2018 – 2020, tỉnh Tiền Giang có 281 mã số vùng trồng đã được cấp, với tổng diện tích trên 19.000ha. Trong đó, có 127 mã số vùng trồng được cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích trên 17.200ha cho 6 loại trái cây gồm mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chuối và chôm chôm. Còn lại, các mã số vùng trồng được cấp sang các thị trường khó tính khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia và New Zealand với diện tích trên 1.800ha, gồm 4 loại trái cây là thanh long, xoài, chôm chôm và vú sữa.

Về mã số cơ sở đóng gói, từ năm 2018 – 2020, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 728 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Trong số đó, nhiều nhất là thị trường Trung Quốc với 721 mã số, còn lại là Mỹ, Australia và New Zealand. Riêng năm 2021, Tiền Giang đã cấp mới 1 mã số cơ sở đóng gói, đồng thời gửi 7 hồ sơ cho Cục Bảo vệ thực vật gồm 6 hồ sơ sầu riêng và 1 hồ sơ ớt đề nghị cấp mã số cơ sở đóng gói và đang chờ quyết định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật cho rằng, các địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện đánh giá thiết lập và giám sát mã số vùng tròng theo từng tháng. Đồng thời tuyên truyền để nông dân, hợp tác xã hiểu được vai trò và tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong sản xuất bền vững trong thời gian tới, nhất là tuyên truyền qua các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân, hợp tác xã qua các chương trình khuyến nông để nông dân dễ dàng nắm bắt, thực hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục