Thái Nguyên hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

11:16' - 23/03/2022
BNEWS Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm trên nền tảng số và các trang mạng xã hội.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn diễn ra bình thường, các sản phẩm nông sản của tỉnh đảm bảo tiêu thụ tốt, không bị ứ đọng.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, Sở đã phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông, Sở Công Thương cùng các đơn vị: Bưu điện Thái Nguyên, Viettel Thái Nguyên,… hỗ trợ 55.000 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử mở gian hàng với khoảng 1.500 sản phẩm được bán trên sàn.

Cùng với tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại truyền thống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể OCOP đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội (Facebook, fanpage, Zalo, các trang thương mại điện tử), Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở và các đơn vị trực thuộc.

Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đã quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm trên nền tảng số và các trang mạng xã hội. Cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn xây dựng kịch bản và kỹ thuật livestream bán nông sản sản phẩm trên mạng xã hội trực tiếp cho 500 lượt người và hàng nghìn lượt người bằng hình thức trực tuyến.

Cùng đó, hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, catalogue sản phẩm, hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch và website quảng bá sản phẩm cho 132 doanh nghiệp, hợp tác xã. 129 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu, quản bá, thiêu thụ trên các nền tảng số như: C-Thái Nguyên, VnPost, Voso, Sendo, Lazada, Shopee...

Nhờ có sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, bước đầu, các cơ sở sản xuất kinh doanh đã tiếp cận và tích cực sử dụng các công cụ, ứng dụng số trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Một số cơ sở đã đầu tư kinh phí, thời gian để xây dựng nội dung quảng bá, liên kết tiêu thụ, thanh toán qua các ứng dụng, tiện ích trên nền tảng số, doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20-50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%...

Tuy vậy, thực tế hiện nay, sản xuất, chế biến nông sản ở Thái Nguyên chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún theo quy mô nông hộ, một số cây trồng và sản phẩm chủ lực của tỉnh tuy diện tích khá lớn song quy mô vùng sản xuất tập trung, sản xuất sản phẩm an toàn được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ còn thấp; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn yếu.

Việc tiêu thụ nông sản của bà con hiện nay chủ yếu thông qua các hình thức truyền thống như: bán tại chợ, thu gom qua thương lái theo thời vụ, chưa có sự liên kết chặt chẽ bằng hợp đồng giữa nông hộ sản xuất với đơn vị thu mua, chế biến dẫn đến việc tư thương ép giá nông sản, nguy cơ “được mùa mất giá” vẫn hiện hữu.

Trong khi đó, cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và thị trường nông sản còn hạn chế đặc biệt là các kênh thông tin từ nhà sản xuất đến phân phối, tiêu dùng còn thiếu, nhất là đối với các hộ sản xuất. Một số doanh nghiệp, đơn vị chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ hiện đại, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.

Đa số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chưa qua đào tạo, khả năng tiếp cận kiến thức về công nghệ thông tin còn hạn chế...

Giải quyết các bất cập này, theo ông Dương Sơn Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số, cách thức đăng ký tài khoản thanh toán, tài khoản mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử và hoạt động tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ thể OCOP.

Đồng thời, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp có nhu cầu đăng ký đưa sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử; phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, có sản phẩm đạt các chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, hữu cơ, xác nhận theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực...

Từ đó, tập trung hỗ trợ, xây dựng điển hình nhằm dẫn dắt, lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp qua sàn thương mại điện tử và các kênh phân phối của doanh nghiệp bưu chính sở hữu sàn thương mại điện tử (VNPost, ViettelPost) nhằm mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục