Kết quả kinh doanh quý II/2019: tăng trưởng doanh nghiệp có sự khác biệt rõ nét

16:22' - 02/08/2019
BNEWS Theo giới quan sát, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp giữa các ngành và trong cùng một ngành đang có sự khác biệt lớn về doanh thu và lợi nhuận.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2019 đã đi đến cuối chặng đường. Theo giới quan sát, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp giữa các ngành và trong cùng một ngành đang có sự khác biệt lớn về doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, những doanh nghiệp đầu ngành thuộc nhóm bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, thực phẩm đồ uống... có kết quả kinh doanh ấn tượng. Trong khi các doanh nghiệp còn lại có kết quả kinh doanh giảm sút so với cùng kỳ năm 2018.

* Mặt bằng chung đang chững lại

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS), ông Đỗ Bảo Ngọc nhìn nhận, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II và 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt được ở mức trung bình. Ngoài ngành ngân hàng và bất động sản có kết quả kinh doanh tương đối tích cực thì đa số các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác có sự cải thiện không quá nhiều so với năm ngoái hoặc chững lại. Điều này thể hiện, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã có dấu hiệu chậm lại.

“Tuy nhiên, phải thấy rằng năm 2018 là năm mà các doanh nghiệp đã đạt được kết quả kinh doanh rất cao. Do đó, 6 tháng đầu năm 2019 này, các doanh nghiệp vẫn duy trì được mức như vậy là tích cực, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng rất rõ nét”, Phó Tổng Giám đốc VNCS Đỗ Bảo Ngọc nêu quan điểm.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS), ông Đỗ Bảo Ngọc. Ảnh: BNEWS/TTXVN
Đánh giá về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II/2019, ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, xét đến sự tăng trưởng trong mỗi nhóm ngành có thể thấy, nếu như quý II năm 2018 có đến trên ¾ số doanh nghiệp trong một nhóm ngành tăng trưởng dương thì năm nay đã khác, mức độ tăng trưởng chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành thuộc nhóm ngành ngân hàng, nhóm bảo hiểm và nhóm Vingroup. Phần còn lại đã có mức tăng trưởng chậm lại, thậm chí thua lỗ nhiều.

Cụ thể, tại nhóm ngành ngân hàng có những doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh rất ấn tượng, nhưng cũng có những ngân hàng lợi nhuận giảm mạnh. Đặc biệt, một số ngân hàng đang gặp khó khăn, dù không nhất thiết là lỗ, nhưng nợ xấu tăng vọt, sa thải nhân viên nhiều hơn, doanh thu giảm.

Đơn cử, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã chứng khoán: VCB) là “ngôi sao sáng” trong ngành khi đạt được mức lợi nhuận kỷ lục lên tới 11.045 tỷ đồng trước thuế trong 6 tháng đầu năm, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng này đạt 11.280 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thực hiện 55% kế hoạch năm 2019. Với kết quả này, lần đầu tiên có ngân hàng Việt đạt lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng đầu năm.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí gần đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị VCB Nghiêm Xuân Thành lạc quan cho rằng, VCB hoàn toàn có cơ sở để cán đích lợi nhuận 1 tỷ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên, có những ngân hàng đang phải “ngậm” trái đắng khi có mức tăng trưởng giảm mạnh so với cùng kỳ. Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank công bố lợi nhuận trước thuế quý II giảm hơn 61 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 300,7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt mức 651 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (mã chứng khoán: BID) có lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2019 là 4.772 tỷ đồng, giảm gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý II, ngân hàng này thu lãi hơn 2.251 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 38% so với cùng kỳ năm ngoái, lên gần 5.524 tỷ đồng.

Phó Tổng Giám VNCS Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, ngành ngân hàng đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất. Năm ngoái, ngành đã xử lý tương đối tốt nợ xấu do đó tạo tiền đề để ngành này có kết quả kinh doanh tốt.

Một yếu tố giúp cho ngân hàng tăng mạnh nữa là việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp khá cao, do vậy việc các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng là khả quan.

Ngoài ra, trong các năm trở lại đây, ngành ngân hàng đẩy mạnh và phát triển thị trường bán lẻ thông qua chương trình ngân hàng số. Lợi nhuận của ngân hàng đa dạng thông qua nguồn thu từ các phí dịch vụ ngân hàng, do đó các ngân hàng lớn đều có kết quả kinh doanh rất khả quan.

Theo ông Ngọc, ngành ngân hàng, bất động sản, thực phẩm - đồ uống ... là những ngành có ảnh hưởng lớn lên thị trường chứng khoán vì các doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ vốn hóa rất lớn trên sàn, có ảnh hưởng dẫn dắt thị trường chứng khoán. Tuy vậy, tăng trưởng lại chỉ tập chung tại các doanh nghiệp đầu ngành.

Những doanh nghiệp lớn thuộc ngành bất động sản như: Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần (mã chứng khoán: VIC) có lợi nhuận sau thế quý II tăng tới 218% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế quý II của Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) đạt hơn 11.140 tỷ đồng, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Ngọc cho rằng, đối với ngành bất động sản sẽ không có kết quả đồng đều. Những doanh nghiệp có quy mô lớn, có lợi thế về quỹ đất, năng lực thi công và khả năng hoàn thành dự án... sẽ giúp cải thiện năng lực bán hàng.

Thực tế, thị trường bất động sản trong những năm qua tại Việt Nam có diễn biến rất tích cực. Giá nhà và giá đất trong 2 – 3 năm trở lại đây đều có xu hướng tăng. Đặc biệt là trong 2 năm nay, ngành bất động sản có kết quả kinh doanh cao. Năm ngoái, tăng trưởng của ngành này khoảng 35%. Sáu tháng đầu năm nay, ngành bất động sản tăng trưởng khoảng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số này cho thấy, thị trường bất động sản trong những năm gần đây diễn biến tích cực. Khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, sức mua của nhà đầu tư và người dân có nhu cầu nhà ở cao, do đó khả năng bán hàng được nâng cao giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng, vị chuyên gia đánh giá.

Tuy nhiên, việc ngân hàng “siết” tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản có thể gây ra một số khó khăn trong huy động vốn kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này.

Có diễn biến khá tương đồng với nhóm bất động sản, các doanh nghiệp vốn hóa lớn đầu ngành thực phẩm - đồ uống cũng báo lãi lớn trong quý II vừa qua.

Cụ thể, Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã chứng khoán: VNM) ghi nhận doanh thu thuần 14.698 tỷ đồng, cao hơn 7% so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận gộp tăng 8% lên 7.013 tỷ đồng. Trong khi đó, do ảnh hưởng giá một số nguyên liệu chính tăng cao so với cùng kỳ năm trước nên lợi nhuận gộp của Vinamilk trong quý I/2019 chỉ là  5.487 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần công ty đạt 27.788 tỷ đồng, tăng 8% và tương đương 50% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.892 tỷ đồng, tăng 9%, tương đương 61% chỉ tiêu năm. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 5.689 tỷ đồng, tăng 6%.

Một tên tuổi lớn trong ngành thực phẩm đồ uống là Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (mã chứng khoán: SAB)... cũng công bố báo cáo kết quả kinh doanh với những con số rất ấn tượng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 1.530 tỷ đồng, tăng trưởng 18,51%. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn MaSan (mã chứng khoán: MSN) có lợi nhuận sau thuế quý II đạt 1.192 tỷ đồng, giảm 50,3% so với quý cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm cũng giảm 35,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Như vậy, câu chuyện là tăng trưởng doanh nghiệp tại các ngành đang có sự khác biệt rõ nét khi có những doanh nghiệp báo lãi lớn, nhưng cũng có doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận giảm sút nghiêm trọng.

*Những tác động lên thị trường

Thực tế, thị trường chứng khoán ngoài việc chịu tác động của kết quả kinh doanh của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào rất nhiều vào yếu tố vĩ mô trong nước và thế giới.

Đánh giá về những tác động từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II lên thị trường chứng khoán, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư MBKE cho rằng, những doanh nghiệp có báo cáo kết quả kinh doanh quý II tích cực giúp các mã cổ phiếu này tăng giá và có đóng góp vào việc nâng đỡ thị trường.

Ông Phan Dũng Khánh. Ảnh: BNEWS/TTXVN
Tuy nhiên, thực tế là chưa có sự đồng thuận tăng trưởng giữa các nhóm ngành và cổ phiếu trong cùng một ngành. Đây là nguyên nhân chính khiến diễn biến thị trường "lình xình" và gặp khó khăn tại ngưỡng 1.000 điểm.

Trong 2 tháng gần đây, thị trường đón nhận cả tin tốt và tin xấu đan xen. Thanh khoản thị trường tuy có tăng nhưng so với mức năm 2018 thanh khoản trung bình phiên giao dịch đã giảm tới 30 - 40%. Nghĩa là những tin tốt trong thời gian qua không đủ sức mạnh kích hoạt được dòng tiền lớn.

Thêm vào đó, từ cuối năm 2018 đến nay có rất nhiều công ty niêm yết và công ty phát hành thêm cổ phiếu, nhưng thanh khoản không những không tăng mà còn giảm. Như vậy thị trường có lẽ đang thiếu sự bền vững, ông Khánh nhận định.

Lý giải về việc thị trường chứng khoán "lình xình" trong thời gian qua, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc VNCS cho rằng, từ đầu năm đến hết quý II/2019, chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và biến động kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết ở trạng thái chững lại về mặt hiệu quả là lý do khiến nhà đầu tư khó kiếm lời trên thị trường.

Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng, điểm tích cực là hiện nay Fed đã giảm lãi suất, qua đó có thể giúp dòng vốn đầu tư trên thị trường quốc tế chảy vào thị trường chứng khoán khả quan hơn.

Không phủ nhận những tín hiệu tích cực từ việc Fed hạ lãi suất lên thị trường chứng khán, nhưng theo chuyên gia Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư MBKE cảnh báo, theo Chủ tịch Fed, động thái hạ lãi suất là sự điều chỉnh giữa chu kỳ trong chính sách tiền tệ, không phải là sự khởi đầu cho một chu kỳ nới lỏng mạnh mẽ. Vì vậy việc hạ lãi suất sẽ không phải là việc làm thường xuyên, theo chuỗi của Fed.

Bên cạnh đó, ông Khánh lưu ý, lãi suất của Fed hiện nay là 2,25% vẫn ở mức cao, nhưng lãi suất cao nhất trong lịch sử của Fed lên tới 20%, điều này cho thấy dư địa hạ lãi suất của Fed không còn nhiều.

Ngoài ra, nền kinh tế và thị trường chứng khoán của Mỹ đã tăng trưởng khoảng 10 năm liên tiếp, chưa bao giờ thị trường chứng khoán Mỹ có chu kỳ tăng trưởng tốt như vậy trong quá khứ. Nhưng chính điều này khiến giới đầu tư “e ngại”.

Ông Khánh cho rằng, thị trường đang nằm trong giai đoạn khá bất ổn, chịu tác động đan xen giữa tin xấu và tin tốt. Có nghĩa là trong ngắn hạn thị trường có thể tốt, nhưng về dài hạn thị trường vẫn còn những yếu bất lợi, bởi việc Fed hạ lãi suất sẽ khiến các ngân hàng khác hạ lãi suất theo và có thể xuất hiện “cuộc chiến tiền tệ”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục