Khả năng OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng ngày càng tăng

11:36' - 30/05/2024
BNEWS Tại cuộc họp sắp tới, OPEC+ sẽ thảo luận về chính sách sản lượng và việc có tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện hay không.
Theo các đại diện Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia liên minh, còn gọi là nhóm OPEC+, và các nhà phân tích, việc dự trữ dầu mỏ toàn cầu gia tăng do nhu cầu nhiên liệu thấp có thể làm tăng khả năng OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp vào ngày 2/6.

Tại cuộc họp sắp tới, OPEC+ sẽ thảo luận về chính sách sản lượng và việc có tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện hay không.

Theo số liệu sơ bộ được nêu trong báo cáo về thị trường dầu mỏ hồi tháng 5/2024 của OPEC, dự trữ dầu của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ở mức 2,79 tỷ thùng vào tháng 3/2024, tăng 20 triệu thùng so với tháng trước đó và tăng 34 triệu thùng so với cùng kỳ năm ngoái, dù OPEC+ cắt giảm sản lượng.

 
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo cũng công bố tháng 5/2024 cho biết tổng dự trữ dầu của toàn cầu trong tháng 3/2024 tăng 34,6 triệu thùng so với tháng 2/2024, do sự gia tăng mạnh lượng dầu trên các tàu đang trong quá trình vận chuyển.

Nhiều tàu chở dầu đang thực hiện hành trình dài hơn nhằm tránh Biển Đỏ, nơi Lực lượng Houthi tấn công các tàu thương mại.

IEA cho rằng có các dấu hiệu cho thấy dự trữ dầu tăng trong tháng 4/2024, khi dầu thô và nhiên liệu được dỡ từ các tàu và xuất khẩu từ Nga và châu Mỹ giảm.

Theo một đại diện của OPEC+, nguồn cung trên thị trường lớn, trong khi nhu cầu chậm lại.

IEA cho biết, dự trữ của các nước ngoài OECD trong tháng 3/2024 tăng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2023, với mức tăng 2 triệu thùng so với tháng 2/2024 và tăng 48,5 triệu thùng trong tháng 4/2024.

Theo OPEC, dự trữ của các nước OECD ở mức thấp nhất trong 20 năm, thấp hơn mức trung bình 5 năm 38 triệu thùng.

OPEC nhận định nhu cầu đối với dầu của các nước trong nhóm OPEC+ sẽ ở mức trung bình 43,65 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm, vượt nguồn cung 2,63 triệu thùng/ngày nếu nhóm này duy trì sản lượng ở mức 41,02 triệu thùng/ngày như tháng 4/2024.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Saudi Arabia (GASTAT), hoạt động khai thác dầu thô của Saudi Arabia (A-rập Xê-út) đã ghi nhận mức giảm 10,6% trong quý I/2024. Trong khi đó, các hoạt động phi dầu mỏ của nước này trong quý vừa qua tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab, đã và đang tập trung vào các nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ như một phần của chương trình nghị sự "Tầm nhìn 2030".

Với GDP giảm 0,8% trong năm ngoái chủ yếu do ngành dầu mỏ sụt giảm mạnh, Saudi Arabia đã tiến hành cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện cùng với những thành viên khác của OPEC+, như một phần trong nỗ lực nhằm cân bằng thị trường năng lượng toàn cầu.

Giá dầu Brent đã giảm khoảng 10% trong năm 2023 do nguồn cung cao hơn dự kiến từ các nhà sản xuất ngoài OPEC cũng như những lo ngại về triển vọng suy yếu của nhu cầu dầu toàn cầu.

Những lo ngại về căng thẳng địa chính trị cùng với các kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện của các thành viên OPEC+ đã giúp giá dầu thế giới tăng hơn 10% kể từ đầu năm 2024 tới nay.

Trong báo cáo hàng tháng công bố giữa tháng 5/2024, OPEC đã giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024, đồng thời đánh giá nền kinh tế thế giới có thể sẽ khởi sắc hơn dự kiến trong năm nay.

Báo cáo của OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và 1,85 triệu thùng/ngày trong năm 2025. Cả hai mức dự báo này đều không thay đổi so với báo cáo tháng trước.

Nhu cầu dầu mỏ trong năm nay của các nền kinh tế thành viên OECD được dự báo sẽ tăng gần 0,3 triệu thùng/ngày, trong khi các nước ngoài OECD sẽ ghi nhận mức tăng trưởng nhu cầu khoảng 2 triệu thùng/ngày.

Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang cắt giảm tốc độ hoạt động do công suất của các nhà máy giảm sút và cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản làm giảm nhu cầu đối với nhựa và nhiên liệu được sử dụng trong xây dựng.

Ông Henning Gloystein, Giám đốc khí hậu và tài nguyên tại công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết: “Trung Quốc là trung tâm của sự suy yếu nhu cầu năng lượng. Nếu những chỉ số ban đầu về sự mất cân bằng ở Trung Quốc kéo dài, OPEC+ sẽ chịu áp lực phải duy trì việc cắt giảm nguồn cung”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục