Khắc phục "thẻ vàng" IUU - Bài 2: Cam kết bằng hành động

17:02' - 29/04/2018
BNEWS Trước “cuộc chiến” khắc phục sự cố "thẻ vàng" IUU, các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam đang nỗ lực từng bước hoàn thiện các chỉ tiêu do EC đưa ra.
Quản lý chặt tàu cá để khắc phục 'thẻ vàng' với thủy sản Việt Nam. Ảnh minh hoạ: Nguyên Lý - TTXVN

Bài 2: Cam kết bằng hành động
Trước “cuộc chiến” khắc phục sự cố "thẻ vàng" chống khai thác đánh bắt bất hợp pháp, các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam đang nỗ lực, từng bước hoàn thiện từng chỉ tiêu do Ủy ban châu Âu đưa ra bằng hành động thực tế để cam kết với thị trường này.

Các tỉnh thành ven biển đã và đang siết chặt quản lý đánh bắt đối với ngư dân với mục tiêu trong kỳ xem xét sắp tới Liên minh châu Âu sẽ dỡ bỏ "thẻ vàng" để cấp "thẻ xanh" trở lại cho Việt Nam
Trong quy định chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp IUU có 9 chỉ tiêu yêu cầu mà phía cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam phải hoàn thiện. Do đó, việc hoàn thành các chỉ tiêu này rất cần sự đoàn kết, chung tay của tất cả các thành phần tham gia trong chuỗi này thực hiện đồng bộ.
Đối với các nghiệp đoàn nghề cá cũng như ngư dân tham gia vào 5 ngư trường lớn của Việt Nam, chính quyền địa phương các tỉnh đã thông báo và hướng dẫn rộng rãi để từng thành viên trong mắt xích phối hợp nhịp nhàng trong vấn đề sử dụng ngư lưới cụ, giấy phép đánh bắt, đăng ký số hiệu tàu, ghi chép nhật ký đánh bắt cụ thể.
Từng thành viên trong cộng đồng 70 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp IUU đang nỗ lực rất nhiều đối với từng chỉ tiêu cụ thể. Để bảo đảm cho hoạt động sản xuất và uy tín của doanh nghiệp, trước khi quyết định mua, mỗi doanh nghiệp đã tìm hiểu, khảo sát cẩn thận nguồn gốc của nguyên liệu thông qua sổ nhật trình đánh bắt, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Đối với nguyên liệu nhập từ nước ngoài, người cung cấp phải bảo đảm các chứng từ C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa do một quốc gia cấp), chứng chỉ, giấy xác nhận chứng nhận xuất xứ... Cho nên việc tham gia cam kết thực hiện IUU chính là bảo đảm uy tín, quyền lợi của doanh nghiệp, ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết.
Các địa phương cũng đã tiến hành quản lý sát sao các tàu cá. Điển hình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang xây dựng Đề án và lộ trình chuyển đổi nghề tàu lưới kéo và tàu khai thác hải sản ven bờ. Dự kiến đề án này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và bắt đầu triển khai từ năm 2019, hướng tới chấm dứt loại hình tàu lưới kéo.
Với đề án này, toàn bộ tàu tham gia khai thác, đánh bắt phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của pháp luật; không cấp giấy phép, gia hạn giấy phép khai thác đối với các tàu cá chưa trang bị hệ thống này; trong đó ghi đầy đủ các thông tin về vùng biển đánh bắt, loại ngư lưới cụ đánh bắt, thời gian bỏ lưới, thời gian kéo lưới, mẻ lưới, tên và trọng lượng loại hải sản đánh bắt.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hải sản sang thị trường châu Âu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đẩy mạnh triển khai 20 hành động cụ thể để thực hiện chương trình khắc phục "thẻ vàng". Trước tiên, đó là việc tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra, xử lý, điều tra các hành vi vi phạm khai thác mà IUU quy định, thậm chí có thể xử phạt vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết.
Trước những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ngư dân và cả hệ thống chính quyền quản lý việc khai thác, đánh bắt hải sản, trong buổi gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường hồi cuối tháng 3/2018 tại Bỉ, Cao ủy Karmenu Vella nhấn mạnh: “Mọi hành động mà phía Việt Nam đã tiến hành để khắc phục những bất cập dẫn đến thẻ vàng sẽ được xem xét một cách kỹ lưỡng. Khả năng thu hồi "thẻ vàng" có thể trở thành hiện thực nếu tất cả các vấn đề đã nêu được khắc phục đầy đủ”.
Đồng thời Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định với Cao ủy châu Âu những việc làm thiết thực của Chính phủ Việt Nam, nhằm chứng minh thành ý hợp tác chống khai thác, đánh bắt hợp pháp với phía châu Âu. Bằng hành cộng cụ thể, trong suốt 6 tháng qua, Chính phủ Việt Nam đã vào cuộc rất quyết liệt và bước đầu đã mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Chính phủ đã đồng ý thành lập tổ công tác liên ngành, trong đó giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, các bên có liên quan thực hiện kế hoạch hành động quốc gia thực thi chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp IUU.

Các cơ quan chức năng đã tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý khai thác hải sản, doanh nghiệp, ngư dân... nhằm thay đổi nhận thức cũng như hành vi khai thác, mua bán và sử dụng hải sản.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng hy vọng trong đợt kiểm tra, đánh giá nỗ lực của Việt Nam trong 6 tháng vào tháng 5/2018 của Cao ủy châu Âu tại Việt Nam, Cao ủy sẽ đưa ra quyết định thu hồi thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam.
Để khẳng định thêm một lần nữa vai trò của hành động thiết thực trong nỗ lực chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, Chuyên gia cao cấp kinh tế quốc gia, Ngân hàng phát triển châu Á, ông Aaron Batten cho rằng, khi châu Âu cũng như Mỹ đã có những động thái tiêu cực đối với hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thì các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn các mặt hàng nông sản, truy xuất nguồn gốc luôn là một thách thức lớn và phải được đặt lên hàng đầu.

Điều này có nghĩa là Việt Nam càng phải chặt chẽ hơn trong hành động để thích hợp với các tiêu chuẩn cao của châu Âu và thị trường Mỹ.
Vì vậy, Việt Nam phải ưu tiên đến việc truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều hơn cũng như vệ sinh những sản phẩm xuất khẩu mới tạo niềm tin và chữ tín để châu Âu thu hồi “thẻ vàng” đối với thủy sản và cấp lại thẻ xanh./.

>>>Khắc phục "thẻ vàng" IUU - Bài 1: Quyết tâm vượt khó

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục