Khắc phục tình trạng “nhờn thuốc” trong vi phạm trật tự xây dựng

06:27' - 16/06/2016
BNEWS Trong bối cảnh thành phố siết chặt kỷ cương trật tự văn minh đô thị, vẫn tồn tại những vụ việc vi phạm theo kiểu “xây dựng trước, cấp phép sau” bất chấp quy định của pháp luật.

Dự án FLC Green Home (18A Phạm Phùng, Hà Nội) đã tự ý thi công xong phần móng khi chưa có giấy phép xây dựng. Hiện đang bị đình chỉ thi công. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Vài năm trở lại đây, vi phạm về trật tự xây dựng đang trở thành một trong những hạn chế nổi cộm cần khắc phục trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Doanh nghiệp “nhờn thuốc”

Với tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) xuất hiện nhiều “điểm nóng” về trật tự xây dựng cần phải xử lý triệt để.

Dự án FLC Green Home (18A Phạm Hùng) là một trong những trường hợp vi phạm điển hình với quy mô đầu tư xây dựng lớn. Mặc dù quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng không phép này đã có hiệu lực thi hành hơn 2 tháng qua, nhưng bài toán để lại từ vụ việc vi phạm 18A Phạm Hùng đang đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý kiên quyết.

FLC Green Home do Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Magnus Capital làm chủ đầu tư. Thời điểm lực lượng thanh tra xây dựng làm việc, dù chưa có giấy phép xây dựng nhưng đơn vị đã xây xong phần móng.

Căn cứ các sai phạm, từ tháng 12/2015, UBND quận đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng, yêu cầu chủ đầu tư phải có biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn 60 ngày.

Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành các quyết định xử phạt của quận, vẫn tiếp tục xây dựng. Đến ngày 24/3/2016, quận buộc phải ra Quyết định số 1085/QĐ - CC cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; giao UBND phường lên kế hoạch cưỡng chế, trình quận phê duyệt.

Trước áp lực trên, cuối tháng 3/2016, chủ đầu tư mới dừng hoàn toàn mọi hoạt động thi công. Lấy lý do mất nhiều thời gian hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép xây dựng, chủ đầu tư đề nghị quận hoãn việc thi hành quyết định cưỡng chế và cam kết chỉ thực hiện việc thi công khi có giấy phép.

Lý giải việc chậm xử lý sai phạm tại dự án FLC Green Home, ông Nguyễn Huy Cường, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm cho biết, do đây là dự án có quy mô lớn nên quận đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố; đồng thời đôn đốc phường khẩn trương lập phương án thực hiện cưỡng chế phần sai phạm.

Dư luận không chỉ bức xúc với sai phạm tại dự án trên, dự án FLC Garden City của Công ty cổ phần địa ốc Alaska – một trong những công ty con cũng thuộc Tập đoàn FLC, 2 năm qua vẫn ngang nhiên xây dựng không phép, trong khi quận phải nhiều lần ra quyết định xử phạt vi phạm, đình chỉ thi công.

Hay tại Khu đô thị Mỹ Đình 2, năm 2015, lực lượng chức năng phát hiện công trình xây dựng tại số 12BT6 (do Chủ tịch Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư) xây dựng không đúng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quận đã yêu cầu phường và Đội Thanh tra xây dựng lập hồ sơ đề xuất biện pháp xử lý vi phạm.

Từ những sai phạm quá rõ ràng tại các dự án trên cho thấy sự coi thường pháp luật, vi phạm cố ý của chủ đầu tư. Qua đây dư luận đặt câu hỏi tại sao chủ đầu tư có thể “phớt lờ” các quyết định xử phạt trật tự xây dựng của các cơ quan chức năng, thậm chí khi đã có quyết định cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm?

Cũng trong tình trạng tự ý triển khai xây dựng công trình khi chưa có giấy phép, dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ văn phòng và nhà ở (16 Phạm Hùng) hay dự án Tòa nhà đa năng Đức Phương (99 Trần Bình) trên địa bàn phường Mỹ Đình 2 hiện cũng phải dừng thi công, chờ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được cấp phép xây dựng.

Theo ông Nguyễn Huy Cường, Tổ công tác liên ngành của quận và Đội Thanh tra xây dựng đã làm “tròn vai” trong việc kiểm tra, xử lý đối với 2 dự án này.

Đặc biệt, nhờ áp dụng các biện pháp kiên quyết như cắt điện, cắt nước, không cho công nhân thi công, vận chuyển nguyên vật liệu vào công trường, từ giữa tháng 4/2016 đến nay, cả 2 dự án đã dừng thi công, đang hoàn thiện hồ sơ trình Sở Xây dựng cấp phép xây dựng.

Ngoài các dự án nêu trên, phường Mỹ Đình 2 còn có 6 – 7 công trình nhà dân quy mô lớn cũng sai phạm về trật tự xây dựng bị đình chỉ thi công từ 2 năm.

Tuy nhiên, theo Đội trưởng Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm Chu Minh Đức, nguyên nhân dẫn đến sai phạm của những công trình này một phần do bất cập trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là ở thời điểm giao thoa từ cấp huyện chuyển lên quận.

Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, quận đã vào cuộc quyết liệt. Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản cho phép điều chỉnh chiều cao một số công trình, yêu cầu chủ đầu tư xin cấp phép bổ sung.

Bất cập từ thể chế

Vấn đề đặt ra là có hay không việc chính quyền sở tại cũng như lực lượng chức năng chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động xây dựng nên để xảy ra các vi phạm phổ biến, không xử lý kiên quyết ngay từ khi phát sinh?

Ông Nguyễn Huy Cường khẳng định, quận đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, song quá trình thực hiện vẫn còn những bất cập, vướng mắc. Ngoài yếu tố chủ quan từ phía cơ quan chức năng còn có những lý do đến từ thể chế, nhất là chính sách và quy trình cấp giấy phép xây dựng.

Cũng từ thực tế áp dụng tại địa phương, ông Cường cho biết, trước đây, đội ngũ thanh tra xây dựng do quận quản lý thì công tác chỉ đạo tại các cấp cơ sở rất sát sao, quy được trách nhiệm rõ ràng. Khi đưa về Sở Xây dựng quản lý, mặc dù phân cấp rõ ràng, đảm bảo tính độc lập khi xử lý vi phạm nhưng đôi khi mất nhiều thời gian trong việc báo cáo, xử lý.

Ông Cường cho rằng, Luật khó thay đổi, chỉ mong muốn có cơ chế đặc biệt đưa thanh tra xây dựng về quận quản lý nhằm kiểm tra, giám sát chặt chẽ; đồng thời cần tăng cường thẩm quyền cho lực lượng này để trực tiếp xử lý vi phạm.

Bởi hiện nay, ở cấp phường lực lượng mỏng, không thể kiểm soát hết sai phạm; trong khi đó, 40 - 50 cán bộ thanh tra xây dựng chỉ có chức năng phát hiện, kiểm tra, lập biên bản, chuyển cấp chính quyền xử lý. Do vậy, cần quy hẳn trách nhiệm xử lý, giám sát xử lý đối với thanh tra xây dựng, phối hợp với phường giải quyết thì mới hiệu quả, ông Cường nhấn mạnh. 

Dự án Toà nhà đa năng Đức Phương (99 Trần Bình, Hà Nội) cũng phải dừng mọi hoạt động thi công do chưa được cấp phép xây dựng. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Đề cập đến bất cập trong hoạt động thanh tra xây dựng, Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng quận Chu Minh Đức khẳng định, thanh tra xây dựng có trực thuộc chính quyền hay Sở mà không phân quyền hạn rõ ràng thì không thay đổi được tồn tại hiện nay.

Thanh tra xây dựng hiện không có quyền hành gì cả ngoài việc kiểm tra, lập biên bản, thiết lập hồ sơ vi phạm và kiến nghị chính quyền xử lý.

Để khắc phục tình trạng xây dựng không phép, sai phép cũng như hiệu quả của vấn đề xử lý vi phạm, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận đề nghị các ngành chức năng lồng ghép đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai dự án.

Thực tế, rất nhiều dự án vi phạm chỉ vì chưa có giấy phép xây dựng, trong khi thành phố chấp thuận đầu tư, quy hoạch và phương án thiết kế cũng được phê duyệt.

Dẫn chứng sự “đột phá” về cải cách thủ tục hành chính tại Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Huy Cường cho biết, không còn cách nào khác, quận đã chủ động giảm từ 15 ngày làm việc xuống còn 8 ngày, tránh được thời gian tiếp tay gián tiếp cho sai phạm.

Từ những vụ việc ở phường Mỹ Đình 2 cũng như nhiều địa phương khác, đã đến lúc Hà Nội cần đánh giá tổng thể, chi tiết về hiệu quả áp dụng chính sách, đặc biệt là Nghị định 26/2013/NĐ-CP và Nghị định 180/2007/NĐ-CP để kịp thời có những kiến nghị sửa đổi cho phù hợp, “bịt kín kẽ hở” trong công tác phối hợp giữa thanh tra chuyên ngành và chính quyền theo hướng trao quyền xử lý triệt để cho một đầu mối.

Hiệu quả từ xử lý vi phạm sẽ là sự khởi đầu phù hợp nhất nhằm tạo sự răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ đầu tư và người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục