Đô thị Việt Nam: Bất ổn quy hoạch

05:02' - 07/06/2016
BNEWS Dù đã phát triển khá mạnh song hệ thống các đô thị - trung tâm hiện chưa hình thành đều khắp các vùng miền.
Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Những năm gần đây, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm tại các khu vực đô thị Việt Nam luôn đạt từ 12 -15%, gấp từ 1,5 đến 2 lần tỷ lệ tăng trưởng bình quân kinh tế cả nước. Quá trình này dự báo còn tiếp tục tăng mạnh, đòi hỏi yêu cầu quản lý phát triển đô thị ngày càng tăng cao và điều này đang tạo áp lực lớn cho chính quyền các đô thị.

Đi dọc theo các tuyến phố của Hà Nội không khó khăn gì để nhận ra sự đa dạng của các công trình từ cao - thấp, to - nhỏ cho đến thò ra – tụt vào.

Có du khách nước ngoài lần đầu đến Thủ đô Hà Nội đã thắc mắc, phải chăng sự “bất hòa” đó là có chủ ý để tạo một màu sắc riêng cho đô thị Việt Nam. Câu hỏi này thật khó giải đáp bởi chính nó đang phản ánh bức tranh xác thực và sinh động nhất về thực trạng các đô thị Việt Nam hiện nay.Đó là sự lộn xộn và bất ổn về quy hoạch.

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Minh Vĩ, việc xây dựng “tự phát” vẫn tiếp diễn và không theo quy hoạch đã duyệt. Cùng đó, việc chuẩn bị mặt bằng xây dựng, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật… không thực hiện đồng bộ khiến cho mảng xây dựng vốn đã chắp vá lại càng lộn xộn theo kiểu tùy tiện, mạnh ai nấy làm, bất kể đúng sai.  

Cũng bởi vậy nên dù đã phát triển khá mạnh song hệ thống các đô thị - trung tâm chưa hình thành đều khắp các vùng.

Đa phần dân số đô thị tập trung sống ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh gây ra tình trạng quá tải nhưng lại chưa có biện pháp hữu hiệu điều hòa. Trong khi đó, các đô thị nhỏ và vừa thì kém hấp dẫn, không có khả năng đảm nhiệm vai trò trung tâm của mình trong mạng lưới đô thị quốc gia.

Trong các khu đô thị mới, phần lớn đất đai dành phát triển quỹ nhà ở, xây dựng các công trình dịch vụ để bán và cho thuê. Diện tích cây xanh, khu vui chơi công cộng bị thu hẹp tối đa để giảm bớt suất đầu tư hạ tầng cơ sở.

Sự phát triển của đô thị Hà Nội còn thiếu đồng bộ. Ảnh: TTXVN

Xét về lợi ích kinh tế trước mắt, cách này sẽ giúp chủ đầu tư tăng lợi nhuận nhưng lại ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường, dịch vụ xã hội của khu vực - KTS Nguyễn Minh Vĩ nhận xét.

Chính sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa nhà quản lý, tư vấn quy hoạch, kiến trúc, xây dựng trong quá trình quản lý quy hoạch và kiểm soát phát triển đã làm cho cảnh quan đô thị trở nên xấu xí, hỗn tạp, đe dọa đến yếu tố phát triển bền vững.  

Ông Đào Ngọc Thanh - Tổng Giám đốc Công ty VIHAJICO – chủ đầu tư Khu đô thị Ecopark cảnh báo, Việt Nam đang đứng trước những thách thức về việc đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân, tính cạnh tranh về mặt kinh tế của các trung tâm đô thị cũng như nguồn tài nguyên được sử dụng hiệu quả.

Sự bùng nổ của các thành phố và quá trình đô thị hóa đang diễn ra một cách mạnh mẽ cũng có những tác động tiêu cực cần phải đối phó.

Ở một góc nhìn khác, ông Ajay Suri, cố vấn Vùng liên minh các đô thị nhận xét, khung thể chế, chính sách đô thị nói chung của Việt Nam khá đầy đủ nhưng lại hạn chế trong thực hiện những chính sách đó.

Một số thiếu hụt rõ ràng cần chỉ ra là quy hoạch không phù hợp. Việt Nam có quá trình làm quy hoạch không gian rất tốt, rất rộng và đề cập đến những mục tiêu lớn như phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu... nhưng thực tế thiết kế các đô thị không thích ứng với những tiêu chí lớn nói trên.

Rõ ràng quy hoạch xây dựng chưa phù hợp với thời kỳ mới với nhiều vấn đề lớn, trong bối cảnh hội nhập gia tăng.

Cũng bởi vậy mà Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đang được xác định là một công cụ giúp Chính phủ tăng cường kiểm soát công tác phát triển đô thị.

Đây cũng chính là nền móng cơ sở mang tính nghiên cứu phục vụ các quyết định về phát triển đô thị trong tương lai nhằm thu hẹp khoảng trống hiện tại giữa các mục tiêu phát triển trong Chương trình phát triển đô thị quốc gia và chương trình phát triển đô thị tại các địa phương…

Quy hoạch đô thị cần khung pháp lý chặt chẽ để quản lý phát triển. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhận định, khung pháp lý liên quan đến phát triển đô thị đã có bước phát triển mạnh bao trùm các lĩnh vực từ quy hoạch đô thị, thực hiện quy hoạch đô thị, phân loại đô thị, quản lý đầu tư phát triển đô thị cho đến phát triển đô thị bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; từ phát triển cho đến nâng cấp các khu nghèo trong đô thị; từ cơ sở hạ tầng đô thị đến nhà ở cho người dân, người có thu nhập thấp trong đô thị…

Những bất cập về dự báo, liên kết chưa hiệu quả trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch đô thị hay giới hạn trong huy động nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng đô thị… đòi hỏi phải liên tục chủ động hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, chính sách có liên quan – Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh phân tích.  

Bộ Xây dựng đã đề xuất và triển khai thực hiện xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Đây sẽ là một công cụ giúp Chính phủ tăng cường kiểm soát công tác phát triển đô thị và đặt nền móng cơ sở mang tính nghiên cứu phục vụ các quyết định về phát triển đô thị trong tương lai, thu hẹp khoảng trống hiện tại giữa các mục tiêu phát triển nêu trong Chương trình phát triển đô thị quốc gia và chương trình phát triển đô thị tại các địa phương...  

Tuy nhiên, các chính sách, biện pháp, cơ chế tạo vốn, tạo điều kiện phát huy sức mạnh của cộng đồng vào mục đích xây dựng đô thị được cho rằng vẫn còn thiếu. Trong khi đó, các thủ tục hành chính trong giao đất, cấp phép xây dựng và thẩm định các dự án đầu tư còn nhiều phiền hà.

Cùng đó, việc phân công, phân cấp trong quản lý xây dựng đô thị vẫn chồng chéo, năng lực của chính quyền chưa tốt. Các tồn tại trong quản lý nhà và đất đô thị chậm được giải quyết… vẫn đang là những trở ngại lớn trong việc thiết lập lại trật tự kỷ cương và tạo nguồn lực phát triển đô thị Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục