Khai thác vàng ở Ghana đe dọa ngành công nghiệp socola của Thụy Sỹ

05:30' - 28/09/2022
BNEWS Ngành công nghiệp socola của Thụy Sỹ đang ngày càng lo ngại về những thiệt hại của việc khai thác vàng bất hợp pháp tại Ghana, quốc gia sản xuất cacao lớn thứ hai thế giới.

Thụy Sỹ nhập khẩu hơn một nửa lượng hạt cacao từ Ghana. Điều này khiến ngành công nghiệp socola của nước này đang ngày càng lo ngại về những thiệt hại của việc khai thác vàng bất hợp pháp ở quốc gia sản xuất cacao lớn thứ hai thế giới này.

Ghana tiếp tục mất nhiều diện tích đất canh tác do việc khai thác vàng bất hợp pháp đang tăng ở các cộng đồng địa phương, khiến các nhà sản xuất socola của Thụy Sỹ phải cảnh giác về mối đe dọa nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng này.

Trong thập kỷ qua, thị phần cacao từ Ghana vẫn ổn định, chiếm hơn 50% tổng số hạt cacao nhập khẩu của Thụy Sỹ. Tuy nhiên, nguồn cung cấp hạt cacao chất lượng ổn định của Ghana có thể gặp nguy hiểm.

Lượng đất được sử dụng để canh tác cacao ở Ghana đã giảm 21% so với mức đỉnh vào năm 2017. Khai thác vàng trái phép là một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này. Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố khác bao gồm hạn hán, bệnh tật và năng suất thấp hơn từ những cây cacao già cỗi.

Ông Yakubu Ousmane, 60 tuổi, hoạt động trong khu vực truyền thống Kunsu ở trung tâm Ghana từng trồng cây cacao, dầu cọ và cam. Nhưng trong 4 năm qua, vùng đất này đã bị tàn phá do cuộc săn lùng của một trong những tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất của Ghana; đó là vàng.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp màu mỡ nuôi dưỡng cây trồng chính của đất nước đã bị biến thành đất hoang cằn cỗi, với những đống đất sét mềm bị nhiễm thủy ngân và những hố sâu nguy hiểm vẫn chưa được che đậy.

Ông Ousmane hồi tưởng về những ngày làm nông nghiệp trồng cây ca cao mang lại cuộc sống ổn định. Đó là thời điểm trước năm 2018, khi hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp (được biết đến ở địa phương là galamsey) chưa thực sự diễn ra ở Kunsu.

Những thay đổi nhanh chóng sau đó khiến ông Ousmane lo sợ về tương lai. Cựu nông dân trồng cacao này cho biết: “Những cây con chúng tôi ươm đang chết dần. Những trái cacao trên cây cũng vậy. Việc khai thác bất hợp pháp đang phá hủy đất đai của chúng tôi, khiến mọi thứ trở nên thực sự khó khăn”.

* Sức hấp dẫn của vàng

Kunsu có tất cả các biểu hiện của hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp. Công dân nước ngoài đã bắt tay làm việc với người dân địa phương - những nam thanh niên được trang bị máy dò kim loại tìm vàng và máy xúc tại Kunsu - để di chuyển đất cát và nhổ cỏ.

Theo báo cáo của phương tiện truyền thông Ghana, những người khai thác bất hợp pháp đã trả từ 6.000 Cedi Ghana (GHS) đến 40.000 GHS (tương đương từ 640 USD đến 1.064 USD) cho mỗi mẫu đất nông nghiệp.

Giá cả phụ thuộc vào giá trị của cây trồng trên đất nhưng cũng phụ thuộc vào mức độ gần của đất nông nghiệp với những mỏ vàng hiện có. Con số này gấp từ 10 đến 50 lần lợi nhuận mà một nông dân trồng cacao kiếm được hàng năm trên mỗi mẫu đất từ việc bán hạt cacao (từ 548 GHS đến 837 GHS trên mỗi mẫu theo ước tính của Viện Nghiên cứu Cây trồng ở Kumasi).

Trong bối cảnh địa phương không có cơ hội việc làm, khai thác khoáng sản trái phép đã trở thành một nghề hấp dẫn đối với thanh niên và phụ nữ nông thôn. Tiền kiếm được từ vàng đã “chảy” sang những người khác trong cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ, những người bị hạn chế cơ hội tạo thu nhập ở các vùng nông thôn. Họ rửa sạch đất còn sót lại để lấy ra những thứ vàng ít ỏi còn sót lại (một tập tục được người dân địa phương gọi là kolikoli).

“Nếu tôi nói rằng việc khai thác bất hợp pháp không giúp được gì cho tôi, thì sẽ là nói dối”, Hawa Yakubu, một bà mẹ đơn thân 5 con và là người đã tìm vàng khoảng 5 năm ở Kunsu nói. Giờ đây, bà dùng thời gian rảnh rỗi để nhặt vàng thay vì kiếm sống bằng nghề buôn bán đồ lặt vặt từ một ki-ốt.

Vào tháng 4/2022, cuộc khảo sát quy mô lớn đầu tiên của Hội đồng quản trị cacao của Ghana (COCOBOD) cho thấy khoảng 19.000 hecta đồn điền cacao đã bị chiếm đoạt hoặc bị hư hại do khai thác vàng trái phép từ năm 2019 đến năm 2020, một diện tích gấp đôi diện tích của Zurich, Thụy Sỹ.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy vào năm 2013, tổng số 27.839 hecta (đến năm 2015 lên tới 43.879 hecta) đất trồng cacao chính đã bị chiếm đoạt hoàn toàn bởi hiện tượng khai thác vàng trái phép, theo phân tích năm 2017 của Đại học Cranfield.

Do đó, ước tính của COCOBOD và dữ liệu vệ tinh cho thấy Ghana đã mất từ 0,8% đến 2% diện tích đất canh tác ca cao do hoạt động khai thác vàng trái phép kể từ năm 2013, với khoảng 23% diện tích canh tác bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm liên quan đến khai thác mỏ.

Chi phí đối với Ghana là khá lớn. Theo Trung tâm Tăng trưởng Quốc tế-một trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại London nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sẽ mất khoảng 250 triệu USD để cải tạo đất và nước bị ô nhiễm do khai thác vàng ở miền Tây Ghana. Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Ghana ước tính con số này cao hơn cả khoản thất thu thuế đáng kể của đất nước (vào khoảng 2,2 tỷ USD năm 2016).

Ngành công nghiệp cacao Ghana không thể có đủ khả năng. Trong hai năm qua, COCOBOD đã chi 230 triệu USD trong khoản vay 600 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) để phục hồi 156.400 hecta đồn điền ca cao. Những cây ca cao trên những vùng đất này đã quá già cỗi hoặc bị nhiễm virus gây bệnh sưng phồng cacao, phải nhổ bỏ và trồng cây mới.

* Mối quan tâm của Thụy Sỹ

Các nhà sản xuất socola Thụy Sỹ, phụ thuộc nhiều vào ca cao từ Ghana, đã cố gắng thuyết phục nông dân trồng cacao bằng cách đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích khác nhau nhằm đảm bảo nguồn cung cacao chất lượng ổn định.

Bốn năm trước, tập đoàn thực phẩm khổng lồ Nestlé của Thụy Sỹ đã trả cho nông dân trồng cacao ở Kunsu một khoản phí bảo hiểm 14% trên giá bán thị trường để đổi lấy việc tham gia vào Kế hoạch Cacao của công ty. Mục tiêu của Kế hoạch này là nâng cao năng suất và chất lượng cây cacao thông qua việc cung cấp cho người nông dân những cây có chất lượng tốt hơn và đào tạo các phương pháp canh tác cải tiến.

Tuy nhiên, sự can thiệp của Nestlé đã không thể làm thay đổi hoạt động khai thác vàng. Chuyến đi báo cáo đến Kunsu cho thấy rằng nhiều cây cacao trong khu vực do công ty đầu tư đã bị tàn phá do khai thác vàng.

Báo cáo của công ty cho thấy hơn 18.000 nông dân Ghana đã được hưởng lợi từ khóa đào tạo của Nestlé về thực hành nông nghiệp tốt. Các đối thủ nặng ký trong ngành sản xuất socola Thụy Sỹ khác cũng có các chương trình tương tự, như chương trình Socola Mãi mãi của Barry Callebaut đã mang lại lợi ích cho 17.000 nông dân và Chương trình Nông nghiệp của Lindt & Sprüngli đã có được sự tham gia của 69.000 nông dân vào năm ngoái. Do đó, các công ty Thụy Sỹ đã đầu tư khoảng 7% trong số 1,5 triệu nông dân trồng cacao của Ghana để đảm bảo họ sản xuất ra nguyên liệu chất lượng.

Người phát ngôn của Barry Callebaut xác nhận rằng khai thác vàng bất hợp pháp đang ảnh hưởng xấu đến cộng đồng trong việc canh tác cacao.  Người phát ngôn hãng socola Thụy Sỹ Lindt & Sprüngli cũng cho rằng cho đến nay, tác động của việc khai thác vàng bất hợp pháp đối với chuỗi cung ứng của hãng không thể được đánh giá chi tiết.

Tuy nhiên, tác động là khó định lượng bởi các yếu tố khác bao gồm thời tiết, dịch bệnh và giá cả cũng ảnh hưởng đến sản lượng cacao.

Nhu cầu giảm do đóng cửa các nhà bán lẻ và nhà hàng do đại dịch COVID-19 có nghĩa là cacao dư thừa trên thị trường toàn cầu vào niên vụ 2020/2021. Tuy nhiên, Tổ chức Cacao Quốc tế đã dự báo khả năng về thâm hụt trong niên vụ 2021/2022 khi nhu cầu tăng lên và điều này sẽ làm căng thẳng nguồn cung cacao chất lượng cho các nhà sản xuất socola Thụy Sỹ.

* Lựa chọn thay thế

Chính phủ Ghana cũng đang cố gắng loại bỏ nạn khai thác vàng trái phép. Vấn đề này đã được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính trị vào năm 2017, khi Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo cho biết, cuộc chiến chống lại vấn nạn khai thác vàng trái phép là rất quan trọng và ông sẵn sàng coi đây là vấn đề ưu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình.

Một lệnh cấm tạm thời đã được áp dụng đối với các hoạt động khai thác quy mô nhỏ (cả hợp pháp và bất hợp pháp) vào năm 2017 và 2018, trong khi các hoạt động huy động quân đội được phát động nhằm vào những người khai thác bất hợp pháp và thậm chí cả những công dân Trung Quốc tham gia vào hoạt động kinh doanh này đã bị bắt giữ.

Luật khai thác đã được sửa đổi vào năm 2019, áp dụng án tù tối thiểu 15 năm đối với những người bị kết tội khai thác bất hợp pháp.

Bất chấp các biện pháp này, hoạt động khai thác bất hợp pháp vẫn tiếp tục phát triển mạnh do tham nhũng và thiếu sự thực thi pháp luật.

Thực tế phũ phàng là cacao không thể cạnh tranh với vàng. Bà Hawa Yakubu thường đi nhặt vàng ở rìa các mỏ bất hợp pháp ở Kunsu cho biết, trong khoảng hai giờ tìm kiếm bà tìm được một khối vàng nhỏ có thể trị giá 300 GHS (37 USD). Với mức lương trung bình hàng ngày hơn 1 USD một ngày, một nông dân trồng cacao ở Ghana sẽ mất một tháng để kiếm được số tiền này.

Đứng trước thực tế đó, Chính phủ Ghana đã thay đổi chiến lược để đối phó với tình hình. Vào năm 2019, Ủy ban Khoáng sản Ghana, cơ quan quản lý lĩnh vực khai thác, đã giới thiệu Chương trình khai thác cộng đồng (CMS).

Điều này được thiết kế để biến những người khai thác bất hợp pháp thành những người khai thác quy mô nhỏ chính thức bằng cách cho phép họ khai thác tại các khu vực được chỉ định cụ thể dưới sự giám sát của chính phủ với điều kiện họ phải đáp ứng các tiêu chí an toàn và môi trường nhất định.

Kunsu sẽ là một trong những nơi được hưởng lợi từ kế hoạch này. Vào tháng Hai vừa qua, chính phủ thông báo rằng sẽ nhượng quyền 5 khu khai thác trong khu vực trao cho CMS mà các nhà chức trách tuyên bố sẽ tạo ra 5.000 việc làm. Chính phủ đặt mục tiêu phê duyệt 100 dự án CMS như vậy trên khắp Ghana vào cuối năm 2022, với mục tiêu tạo ra 220.000 việc làm mới.

Để đảm bảo rằng các Kế hoạch khai thác cộng đồng không làm tăng thêm vấn đề đất canh tác biến mất thành các mỏ vàng, Ủy ban Khoáng sản của Ghana cũng đã nhất trí tại một cuộc họp với COCOBOD hồi tháng Tư để chia sẻ dữ liệu về vị trí của các vùng đất trồng cacao. Điều này sẽ cho phép Ủy ban ngăn chặn việc cấp phép cho hoạt động khai thác tại các khu vực đất trồng cacao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục