Khai thông thị trường cho mặt hàng nông sản

18:34' - 04/04/2017
BNEWS Hiện nay, ngành nông nghiệp đã cố gắng khai thông thị trường phía Trung Quốc và để giữ được thị trường này phải có giải pháp lâu dài.
Khai thông thị trường cho mặt hàng nông sản. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Chiều 4/4, tại buổi họp báo về tình hình quý I/2017 của ngành nông nghiệp, về các giải pháp giảm thiểu tình trạng “được mùa, mất giá” và tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, ngành nông nghiệp chỉ dự báo và khai thông thị trường còn việc thực hiện sẽ tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp và người nông dân.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đã cố gắng khai thông thị trường phía Trung Quốc và để giữ được thị trường này phải có giải pháp lâu dài.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, “hiện chúng ta đã bàn với bên bạn khai thông với từng mặt hàng. Chẳng hạn như gạo (hiện đã có 24 doanh nghiệp thực hiện); còn những mặt hàng khác như lợn, gà hiện vẫn đang đàm phán. Việc đó không phải một sớm một chiều làm được. Khi đàm phán phải có sự hài hòa về lợi ích và chất lượng của hai bên.

Đồng thời, hai bên cũng khuyến khích thương mại biên mậu, nhất là các tỉnh giáp biên giới của nhau; khuyến khích các doanh nghiệp hai nước tham gia tìm hiểu để hợp tác làm ăn với nhau ”.

Đối với việc giá lợn giảm, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng muốn có được sự hỗ trợ để nông dân bớt vất vả. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, điều này cần phải đặt trong tổng thể của nền kinh tế và các cơ chế chính sách của nhà nước.

Bởi, nhà nước đầu tư cho nông nghiệp nông thôn không chỉ có chính sách về giá mà còn có các chương trình như nông thôn mới, hỗ trợ đầu tư, xóa đói giảm nghèo.

Làm rõ hơn về vấn đề đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt lợn, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bày tỏ, sự mất cân bằng giữa cung và cầu là nguyên nhân tạo ra sự dư thừa sản phẩm.

Lúc đầu, bà con xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Sau đó bên phía Trung Quốc đóng cửa đường tiểu ngạch với mặt hàng này dẫn đến tồn nhiều.

Mặc dù hiện nay, gía đã nhích lên nhưng có sự chênh lệch các vùng khác nhau. Ngành nông nghiệp đã có đoàn làm việc với các cơ quan của Trung Quốc và hai bên đã có thống nhất để đi đến xuất khẩu các mặt hàng chính ngạch; trong đó, ưu tiên cho mặt hàng thịt lợn và mặt hàng sữa.

Ngoài ra, để giải quyết được tình trạng dư thừa cần phải hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, vận động nông dân không ồ ạt sản xuất khi gía nông sản cao dẫn đến việc “được mùa, mất gía.”

Liên quan đến vấn đề xử phạt đối với việc bơm tạp chất vào tôm, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hiện nay, việc xử phạt đã có mức xử phạt hành chính theo quy định của luật pháp nhưng vẫn còn hiện tượng vi phạm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang bàn với Bộ Công an để có giải pháp xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe, nếu cần thiết có thể đưa lên thành tội hình sự.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay, quý I/2017 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp quý đầu năm đã tăng trưởng tốt.

Tất cả lĩnh vực trong ngành đều tăng trưởng dương xuất khó khăn nhất là trồng trọt tăng 0,37%, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi tăng trưởng cao... Xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ và đặc biệt xuất khẩu rau quả tăng trưởng rất mạnh, tăng 23,1%.

Tuy nhiên, trong quý I giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp, nhất là thịt gà, thịt lợn và một số mặt hàng nông sản. “Chúng tôi cố gắng tìm giải pháp để người nông dân đỡ vất vả, nhưng trong cơ chế thị trường việc tránh khỏi hoàn toàn là rất khó.

Thường chính sách chỉ mang tính chất định hướng và chính sách phải có độ trễ. Các cơ quan chức năng chỉ dự báo và định hướng, nhưng nhiều khi định hướng chưa kịp thời”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, chỉ đạo nông nghiệp của Chính phủ trong quý I/2017 và trong năm nay tập trung một số số vấn đề. Đó là cơ bản là thực hiện tái cơ cấu và đột phá là công nghệ cao trong nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm tham gia nhiều chương trình để kiến tạo và huy động xã hội tham gia vào lĩnh vực này.

Đồng thời, Chính phủ cũng có gói 100.000 tỷ đồng đầu tư cho các dự án công nghệ cao. Thứ hai là tập trung vào tháo nút thắt trước hết là về đất đai và vốn tín dụng. Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dứt khoát phải làm kiên trì (kể cả thức ăn chăn nuôi và chất lượng vật tư nông nghiệp)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục