Khí đốt có là "món quà độc hại" đối với châu Phi?

05:30' - 21/11/2022
BNEWS Báo La Tribune ngày 16/11 có bài viết "Khí đốt: của trời cho hay món quà độc hại đối với châu Phi?".
Theo bài viết, nhiều quốc gia châu Phi coi nhu cầu đột biến về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở châu Âu là cơ hội để phát triển kinh tế và an ninh năng lượng của mình. Tuy nhiên, tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập, đã có nhiều ý kiến cảnh báo về nguy cơ kinh tế và xã hội từ việc mở rộng khai thác khí đốt ở châu lục này. Nội dung cụ thể như sau: 
Ngày 13/11 là một ngày lịch sử đối với Mozambique, khi chuyến tàu chở khi thiên nhiên hoá lỏng (LNG) đầu tiên rời bờ biển của quốc gia miền Nam châu Phi này để đến với châu Âu. Với sự kiện này, Tổng thống Filipe Nyusi tuyên bố rằng đất nước của ông đang "bước vào biên niên sử thế giới". 
Thông báo rùm beng của Tổng thống Mozambique được xem là một minh họa cho sự hồ hởi thái quá của một số quốc gia châu Phi đối với triển vọng sản xuất và xuất khẩu LNG sang châu Âu, nơi đang ráo riết tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp để đoạn tuyệt với khí đốt của Nga. 
Thực ra, việc tăng tốc khai thác khí đốt tại châu Phi chỉ mới diễn ra gần đây, nhưng sự khởi sắc đã diễn ra từ rất lâu trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo báo cáo của Quỹ Mo Ibrahim do tỷ phú cùng tên người Anh gốc Sudan thành lập, trong giai đoạn 2011-2018, riêng châu Phi đã chiếm đến 41% các phát hiện mỏ khí đốt mới trên thế giới. 
Tuy nhiên, theo Thibaud Voïta, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm năng lượng và khí hậu của Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), không phải tất cả các nước châu Phi đều được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên quý giá này. Trên thực tế, chỉ có hơn 10 quốc gia là có trữ lượng tiềm năng, trong đó phải kể đến Ai Cập, Nigeria, Algeria, Mauritania, Tanzania, Mozambique, Nam Phi, Namibia và Guinea Xích Đạo. 
Mozambique đặt nhiều hy vọng vào các mỏ khí đốt tự nhiên khổng lồ được phát hiện ở phía Bắc tỉnh Cabo Delgado (thuộc phía Nam sa mạc Sahara) vào năm 2010. Với trữ lượng được ước tính lớn gần gấp đôi trữ lượng của Na Uy, Mozambique tuyên bố đứng ở vị trí thứ 8 thế giới về sản xuất khí đốt bất chấp việc một số dự án bị đình chỉ do các vấn đề mất an ninh liên quan đến khủng bố. 
Senegal cũng không che giấu khát vọng với mục tiêu bắt đầu sản xuất khí đốt từ tháng 12/2023, với sản lượng ban đầu là 2,5 triệu tấn LNG mỗi năm và sẽ nâng lên 10 triệu tấn LNG vào năm 2030. 
Khí đốt cũng được xem là một trụ cột trong phát triển kinh tế và ngoại giao của Ai Cập. Nước chủ nhà của COP27 dự định "cùng nhau phát triển năng lượng tái tạo và năng lực khí đốt, đồng thời đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực điện năng bằng các kết nối với các nước châu Phi, Trung Đông và châu Âu". 
Nhưng cũng chính tại COP27 đang có nhiều tiếng nói của người châu Phi phản đối tình trạng "đổ xô vào khí đốt" hiện nay. Mohamed Adow, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Power Shift Africa, cảnh báo: "Chúng ta phải hướng đến năng lượng tái tạo. Đừng bao giờ chấp nhận ý tưởng rằng cần phát triển nhiên liệu hóa thạch để có một quá trình chuyển đổi. Cần phải nắm bắt cơ hội đạt được thỏa thuận về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch để chấm dứt việc mở rộng các nguồn năng lượng này". 
Theo nhà hoạt động khí hậu người Kenya, châu Âu đang muốn "biến châu Phi thành một "trạm phục vụ của họ" và châu Phi "không cần phải đi theo vết chân của các nước giàu chịu trách nhiệm hàng đầu về biến đổi khí hậu". 
Trước khi diễn ra COP27, đã có hàng chục tổ chức phi chính phủ (NGO), trong đó có 350Africa.org, Mạng lưới than châu Phi, Mạng lưới hành động vì khí hậu châu Phi…, hợp sức khởi động một chiến dịch truyền thông có tên "Không sử dụng khí đốt ở châu Phi". Các NGO này cho rằng "nếu không hành động ngay bây giờ, châu Phi sẽ tự khóa mình trong việc sản xuất các nhiên liệu hóa thạch mới, bẩn và nguy hiểm, đe dọa con người, thiên nhiên và khí hậu toàn cầu". 
Trong báo cáo "Sai lầm của các nhiên liệu hóa thạch" làm nền cho chiến dịch nêu trên, các NGO này đã liệt kê một loạt nguy cơ tiềm ẩn về kinh tế, môi trường và xã hội mà việc phát triển và sản xuất khí đốt tại châu Phi có thể gây ra. 
Tuy nhiên, quan ngại của các nhà hoạt động khí hậu không được chia sẻ bởi tất cả. Một số nhà lãnh đạo và quan chức châu Phi vẫn muốn được hưởng lợi từ việc đầu tư khai thác nhiên liệu hóa thạch. Đối với họ, việc dừng hoạt động sẽ tạo thành "một sự bất công về kinh tế bên cạnh sự bất công về khí hậu". 
Ông Macky Sall, Tổng thống Senegal, quốc gia có trữ lượng được "khao khát" bởi một nước Đức có nền kinh tế từng phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi ủng hộ một quá trình chuyển đổi xanh công bằng và hợp lý thay vì các quyết định gây hại cho quá trình phát triển của chình mình". 
Quan điểm của Tổng thống Senegal đã nhận được sự tán thành của Quỹ Mo Ibrahim. Trong báo cáo mới nhất, tổ chức này cho rằng khí đốt có vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng của châu Phi bên cạnh năng lượng tái tạo. Chỉ riêng năng lượng sạch không thể đảm bảo cung cấp điện chi phí thấp mà châu Phi đang rất cần cho quá trình công nghiệp hóa và cung cấp các dịch vụ công đáng tin cậy.
Quỹ Mo Ibrahim cũng khẳng định "khí đốt tự nhiên, nhiên liệu hóa thạch sạch nhất, sẽ đóng vai trò quan trọng đối với châu Phi trong thời gian ngắn và trung hạn, và là nhiên liệu cơ bản chuyển tiếp cùng với năng lượng tái tạo, cung cấp đầu vào cho ngành công nghiệp, nguồn nhiên liệu nấu ăn sạch cũng như điện năng khi năng lượng tái tạo không có sẵn". 
Báo cáo của Mo Ibrahim cũng bác bỏ những lo ngại về tác động tiêu cực của việc sử dụng khí đốt ngày càng tăng ở châu Phi đối với khí hậu. Thực tế, châu Phi tiêu thụ rất ít năng lượng so với các khu vực khác, vì họ chiếm 17% dân số thế giới nhưng chỉ chiếm 5,9% mức tiêu thụ khí đốt toàn cầu. 
Tuy nhiên, Omar Farouk Ibrahim, Tổng thư ký Tổ chức các nhà sản xuất dầu mỏ châu Phi (APPO), cho rằng lượng khí thải tăng nhẹ ở châu Phi "sẽ tạo ra khác biệt cơ bản đối với cuộc sống của người dân nơi đây". Hiện tại, ở châu Phi có hơn 600 triệu người hoàn toàn không được sử dụng điện và hơn 900 triệu người không được tiếp cận với các năng lượng hiện đại để nấu ăn hoặc sưởi ấm. 
Chuyên gia Thibaud Voïta của IFRI khẳng định "khí đốt là một giải pháp có thể tạo ra lợi nhuận đáng kể cho một số quốc gia châu Phi trong ngắn hạn. Nó có thể giúp các nước này đẩy nhanh quá trình phát triển và giải quyết nhiều vấn đề về khả năng tiếp cận điện và năng lượng nói chung". 
Tuy nhiên cho đến nay, ngành công nghiệp khí đốt ở châu Phi chủ yếu hướng đến xuất khẩu. Năm 2019, chỉ có 8,2% lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của các nước vẫn ở lại lục địa, trong khi hơn một nửa (53,6%) được chuyển đến châu Âu. Tỷ lệ này có thể sẽ tăng vọt trong một thời gian rất ngắn do nhu cầu cấp bách của "Lục địa Già". 
Khí đốt là một loại năng lượng buộc phải biến mất, hoặc gần như vậy, vào năm 2050 nếu các nước thực sự muốn đạt được các mục tiêu khí hậu đã cam kết. Do đó, châu Phi sẽ đứng trước các nguy cơ kinh tế rất cao do hiện tại, các nước liên quan phải đổ rất nhiều tiền của để đầu tư cho hạ tầng vốn đang rất nghèo nàn và điều này sẽ trở thành "tài sản mắc kẹt" hay gánh nặng cho chính họ. 
Trong khi đó, nhu cầu về khí đốt của châu Âu cũng như nhu cầu của các nền kinh tế lớn khác sẽ giảm dần bởi tham vọng trung hòa carbon vào năm 2050, hoặc chậm hơn là năm 2060 đối với Trung Quốc. 
Điều gì sẽ xảy ra với các nước châu Phi có nền kinh tế hoàn toàn tập trung vào khí đốt? Họ sẽ phải đối mặt với những thách thức kinh tế và xã hội đặc biệt nhạy cảm, giống như trường hợp các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào than đá đang phải nỗ lực giải quyết hậu quả như Nam Phi và Indonesia. 
Thách thức đối với quá trình chuyển đổi năng lượng của châu Phi vẫn còn rất lớn và lục địa này sẽ phải thu hút nhiều đầu tư hơn so với hiện nay, đặc biệt là trong năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu khác biệt với các châu lục khác, tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của châu Phi là rất lớn. 
Theo đánh giá của Carbon Tracker, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, việc lắp đặt năng lượng Mặt Trời có thể giúp giải quyết phần nào vấn đề này.  
Các chuyên gia của công ty dịch vụ bảo hiểm toàn cầu Allianz Trade ước tính hệ thống năng lượng của châu Phi cần được đầu tư khoảng 7.000 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2050 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục