Khi dữ liệu cũng cần tới "hộ chiếu"

17:56' - 16/09/2021
BNEWS Bảo mật dữ liệu là một trong những vấn đề quan trọng nhất của hoạt động kinh doanh của thời hiện đại - và cũng là một trong những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp phải giải quyết.

Theo một khảo sát của công ty bảo mật kỹ thuật số quốc tế Gemalto, khoảng 60% doanh nghiệp bị xâm phạm dữ liệu do lỗi của nhà cung cấp hoặc bên thứ ba gây ra vào năm 2018. Ngoài ra, hơn 6 triệu bản ghi dữ liệu bị mất hoặc bị đánh cắp mỗi ngày.

Chính phủ các nước cũng đang bắt đầu chú ý hơn tới vấn đề bảo mật dữ liệu. Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác đã đưa ra các chính sách mới, yêu cầu các doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn khi xảy ra các vụ xâm phạm dữ liệu và chủ động hơn trong việc bảo mật chúng.

Đó là lý do tại sao một số công ty đã sử dụng "hộ chiếu dữ liệu" như một cách để bảo vệ dữ liệu trên các nền tảng điện toán đám mây và khi chuyển tiếp giữa các trung tâm lưu trữ.

"Hộ chiếu dữ liệu" là gì?

Công nghệ "hộ chiếu dữ liệu" dựa trên công nghệ máy tính vật lý lớn cổ điển. Ngày nay, công nghệ này có thể mã hóa toàn bộ dữ liệu của người dùng để đảm bảo rằng mọi phần dữ liệu đều được bảo mật.

Khi mỗi phần dữ liệu được mã hóa, ngay cả khi bị đánh cắp, chúng cũng không thể bị tin tặc lợi dụng khai thác.

"Hộ chiếu dữ liệu" cho phép mở rộng công nghệ mã hóa trước đây vốn chỉ khả dụng trên mainframe sang nền tảng điện toán đám mây. Mỗi phần dữ liệu trong kho lưu trữ đám mây đều được "dán" một "hộ chiếu".

Dựa vào "hộ chiếu" này, người dùng có thể xác minh xem dữ liệu có bị sử dụng sai mục đích hay hay thời hạn sử dụng thông tin vẫn còn giá trị hay không.

Những "hộ chiếu dữ liệu" này cũng cung cấp cho các công ty khả năng bảo vệ và thu hồi quyền truy cập vào dữ liệu bất kỳ lúc nào trên môi trường đa đám mây.

Khi dữ liệu mang "hộ chiếu" cùng mã hóa của riêng mình, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể giữ quyền kiểm soát chúng một cách dễ dàng tại khu quản lý dữ liệu trung tâm, dù dữ liệu được lưu trữ tại bất cứ địa điểm thực tế nào.

Và đó là bước phát triển quan trọng nhất giúp "hộ chiếu dữ liệu" trở nên độc đáo và quan trọng: khả năng bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cho doanh nghiệp cả trong và ngoài bất kỳ nền tảng nào khi dữ liệu của họ di chuyển.

Tại sao dữ liệu cần "hộ chiếu"?

Một trong những vấn đề lớn nhất với bảo mật dữ liệu là phần lớn hoạt động điện toán của doanh nghiệp ngày nay không diễn ra trong những máy tính có kích thước vật lý lớn, mà trên môi trường đám mây.

Hãy tưởng tượng một mẩu thông tin phải được truyền từ Công ty A đến Công ty B. Công ty A tin rằng máy chủ của mình được bảo mật cẩn thận, trong khi Công ty B cũng cảm thấy dữ liệu của họ được lưu trữ an toàn. Nhưng còn "khoảng trống" khi lưu truyền dữ liệu giữa hai bên thì sao?

Trước đây, những kẻ tin tặc có thể phải đột nhập vào một khu vực vật lý cụ thể để đánh cắp ổ cứng hoặc máy tính chủ nhằm lấy cắp dữ liệu. Giờ câu chuyện này không còn nữa.

Với ngày càng nhiều hoạt động điện toán thuộc mọi thể loại diễn ra trên nền tảng đám mây, các khối dữ liệu càng trở thành những đối tượng dễ bị tấn công.

Trên thực tế, việc di chuyển dữ liệu giữa các bên thông qua nền tảng đám mây là điểm dễ bị tấn công nhất.

Và tình hình càng trở nên trầm trọng hơn, khi doanh nghiệp có xu hướng sử dụng ngày nhiều nền tảng đám mây khác nhau cho việc lưu trữ và điện toán hoạt động kinh doanh.

"Hộ chiếu dữ liệu" cho phép dữ liệu mang mã hóa riêng của mình, vì vậy ngay cả khi nó bị xâm phạm trong quá trình chuyển giao và đánh cắp, những dữ liệu này cũng vô dụng.

Điều này cực kỳ có giá trị đối với các công ty và ngành cần truyền tải nhiều dữ liệu trong môi trường đa đám mây. Yếu tố đó cũng sẽ đặc biệt hữu ích trong các ngành bị quản lý gắt gao như ngân hàng và bảo hiểm.

Xu hướng bảo vệ dữ liệu tất yếu

Đối với các chuyên gia và nhà phân tích trong ngành công nghệ, mã hóa ở mọi nơi là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất, đặt biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng số hóa và ứng dụng nhiều hơn các dịch vụ điện toán đám mây, khiến nhu cầu bảo mật dữ liệu đa nền tảng tăng cao. "Hộ chiếu dữ liệu" chính là công nghệ sẽ giúp thúc đẩy quá trình mã hóa và bảo mật đó.

Công nghệ này còn khá mới mẻ, nhưng giới chuyên gia tin rằng nó sẽ trở thành một tiêu chuẩn mới cho quyền riêng tư và bảo mật trong bất kỳ ngành nào có hoạt động thu thập, sử dụng và truyền tải dữ liệu - thực tế là gần như mọi ngành nghề trên thế giới hiện nay.

Loại mã hóa tổng thể có sẵn trong "hộ chiếu dữ liệu" này cũng sẽ làm tăng lòng tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp, đồng thời giúp các công ty khắc phục bất kỳ thiệt hại nào có thể đã gây ra cho danh tiếng của họ trong quá khứ do các vụ xâm phạm và đánh cắp dữ liệu khách hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục