Khi trí tuệ nhân tạo tiếp sức cho ngành bán lẻ

06:26' - 03/09/2024
BNEWS Trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức, người mua sắm ngày càng tìm kiếm trải nghiệm bán lẻ thuận tiện, phù hợp và liền mạch trên nhiều môi trường khác nhau từ đời thực đến Internet.
Họ đang tích cực điều chỉnh thói quen tiêu dùng, thử các phương pháp mua sắm kỹ thuật số mới và lựa chọn các thương hiệu tư nhân hơn là đại chúng.

Thách thức lớn nhất đối với các nhà bán lẻ trong bối cảnh mới này là gì? Đó là phải học cách chủ động thích ứng với những thay đổi này, đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về giá cả và sự lựa chọn lớn hơn.

Vậy giải pháp là gì? Tận dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có trách nhiệm.

 
Một số cuộc khảo sát gần đây nhấn mạnh cam kết của ngành bán lẻ đối với việc áp dụng AI và tác động của nó khi chúng tiếp tục cho thấy những lợi ích to lớn đối với kết quả kinh doanh - gồm tối ưu hóa kho hàng, dự đoán xu hướng hoặc cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm. Nhưng trong khi AI giúp các nhà bán lẻ đạt được lợi thế cạnh tranh, vẫn còn những thách thức cản trở việc áp dụng công nghệ này rộng rãi.

Các nhà bán lẻ vẫn chưa chắc chắn về lợi ích khi thực hiện các cuộc cải cách quy mô lớn trên toàn bộ doanh nghiệp của họ. Do đó, việc thử nghiệm và tiến hành các bước nhỏ có sự can thiệp của AI, bên cạnh tìm ra đối tác và công nghệ phù hợp để giải quyết các vấn đề cụ thể có thể giúp nhà bán lẻ đạt được kết quả như kỳ vọng.

Ví dụ, việc tích hợp trợ lý mua sắm cá nhân tích hợp AI đã được chứng minh là mang lại kết quả khả quan. Từ những “gã khổng lồ” thương mại điện tử đến các thương hiệu xa xỉ, các nhà bán lẻ này đều phân tích lịch sử mua sắm để cung cấp cho khách hàng những đề xuất và ưu đãi sản phẩm được cá nhân hóa, giúp họ chọn được các trang phục vừa vặn hoàn hảo và tái tạo trải nghiệm mua sắm trực tiếp trên các cửa hàng ảo.

Tương tự, dịch vụ khách hàng tích hợp AI đang cho phép các thương hiệu giải quyết vô số thắc mắc trong thời gian ngắn, trực tiếp nâng cao hiệu quả, đồng thời đưa ra giải pháp nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng. Trải nghiệm khách hàng nâng cao này kết hợp với sự hài lòng của người mua sắm chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu kinh doanh.

Dữ liệu do AI xử lý có thể tối ưu hóa các chương trình khuyến mãi, phân bổ nguồn lực và giúp các nhà bán lẻ thích ứng nhanh chóng với bối cảnh thị trường và kỳ vọng của người tiêu dùng luôn thay đổi. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cần cung cấp dữ liệu chất lượng cao để đảm bảo AI có thể hoạt động với tiêu chuẩn cao. Đây là điều kiện tiên quyết để khai thác tiềm năng của AI nhằm thúc đẩy đổi mới, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và giúp doanh nghiệp giành được lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong khi AI phát triển mạnh nhờ dữ liệu, các nhà bán lẻ lại lo ngại về rò rỉ thông tin và các vụ tấn công mạng. Quyền riêng tư dữ liệu cũng là mối quan tâm của người mua sắm. Hơn nữa, các giải pháp AI được triển khai ở quy mô lớn vẫn thiếu tính ổn định và có thể tạo ra kết quả đầu ra gây hiểu lầm, hoặc không chính xác.

Sự thiếu tin tưởng và thiếu ổn định này đặt ra thách thức cho các nhà bán lẻ muốn hoàn toàn ứng dụng AI như một trợ lý đáng tin cậy. Do đó, việc tạo ra các rào cản có trách nhiệm và minh bạch xung quanh ứng dụng AI - bên cạnh triển khai các biện pháp bảo mật mạnh mẽ như đường truyền dữ liệu an toàn, mã hóa và kiểm soát truy cập - là điều cần thiết. Doanh nghiệp cũng cần minh bạch với người tiêu dùng về việc sử dụng dữ liệu của họ.

Bên cạnh đó, việc nâng cao hiểu biết và kỹ năng công nghệ liên quan tới AI cho người lao động cũng rất quan trọng. Đây cũng là một động thái giúp phá vỡ niềm tin rằng “AI sẽ thay thế con người”. Việc tự động hóa các nhiệm vụ thường xuyên lặp lại sẽ giải phóng con người, giúp họ tập trung vào các khía cạnh quan trọng hơn trong công việc đồng thời cho phép người sử dụng lao động phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Các công ty nên ưu tiên phát triển các công cụ tìm kiếm dành riêng cho nơi làm việc và tích hợp các giải pháp AI thế hệ mới để hỗ trợ nhân viên thực hiện vai trò của mình hiệu quả hơn, trực tiếp thúc đẩy năng suất.

AI đại diện cho một sự thay đổi, đòi hỏi phải các doanh nghiệp phải có sự tự điều chỉnh. Các hạn chế về chi phí và ngân sách, cùng với việc không muốn mạo hiểm đối với quá trình chuyển đổi tổ chức quy mô lớn - bao gồm cải cách các hệ thống cũ, thay đổi lực lượng lao động hoặc yêu cầu về kỹ năng - có thể cản trở đáng kể việc áp dụng và triển khai các công nghệ AI trong một công ty.

Khi chiến trường bán lẻ không còn giới hạn ở các cửa hàng truyền thống hay nền tảng thương mại điện tử, và khi người mua sắm thận trọng nhưng háo hức đón nhận các trải nghiệm do AI thúc đẩy, các nhà bán lẻ phải coi AI là đồng minh quan trọng trong chiến lược kinh doanh của họ. Khi được khai thác một cách có trách nhiệm và minh bạch, AI có thể giúp các nhà bán lẻ định hình lại các chiến lược, giành được lòng trung thành của người tiêu dùng và tạo nên nền tảng cho thành công trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục