Khoảng 33% doanh nghiệp Đức dự kiến Brexit "không thỏa thuận" sẽ xảy ra

08:00' - 28/06/2020
BNEWS Khoảng 33% số doanh nghiệp Đức dự kiến Vương quốc Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit.
Theo một cuộc khảo sát do Liên hiệp các ngành nghề Đức (BDI) và công ty kiểm toán Deloitte vừa công bố, khoảng 33% số doanh nghiệp Đức dự kiến Vương quốc Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit.

Trong cuộc khảo sát Brexit lần thứ năm nói trên, BDI và Deloitte đã đề nghị 248 công ty Đức có các hoạt động sản xuất-kinh doanh liên quan tới Anh đưa ra dự báo về các cuộc đàm phán hiện đang diễn ra giữa EU và Anh về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit và cách thức họ chuẩn bị cho Brexit.

Theo nhà kinh tế trưởng Alexander Boersch của Deloitte, nếu không có sự gia hạn đối với thời gian đàm phán thì giai đoạn chuyển tiếp Brexit chỉ còn khoảng 180 ngày. Ông Boersch cho rằng nhìn chung nền kinh tế Đức cũng đã có sự chuẩn bị tốt cho một kịch bản xấu nhất về Brexit và nhiều doanh nghiệp Đức dự kiến sẽ đối mặt với những thiệt hại lớn.

Cũng theo ông Boersch, châu Âu “rất quan  trọng” đối với các doanh nghiệp Đức và phần lớn trong số này quan ngại EU sẽ “chia rẽ” do Brexit.

Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Anh không quan tâm tới việc gia hạn thời gian chuyển tiếp Brexit, theo kế hoạch kết thúc vào ngày 31/12/2020. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về Brexit giữa EU và Anh sẽ diễn ra tập trung trong tháng 7/2020, các bên tham gia đàm phán cho rằng các cuộc đàm phán này cần có động lực mới để có thể đạt kết quả tích cực.

Nếu các cuộc đàm phán trên không đạt được kết quả khả quan, 30% số doanh nghiệp Đức dự kiến tình trạng cắt giảm việc làm sẽ diễn ra ở Đức. Ngành ngân hàng Đức sẽ chịu thiệt hại lớn nhất nếu kịch bản trên xảy ra trong khi ngành công nghiệp ô tô của nước này có sự chuẩn bị tốt hơn nên mức độ thiệt hại sẽ giảm bớt.

Đối với hơn 50% số doanh nghiệp Đức, Brexit cũng là cơ hội để củng cố vị thế môi trường kinh doanh và đầu tư tốt của Đức. 44% số doanh nghiệp Đức được hỏi ý kiến cho rằng Đức sẽ trở nên “hấp dẫn” hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Joachim Lang, một quan chức của BDI, các doanh nghiệp Đức đang dõi theo sát sao diễn biến của các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit và "các cuộc đàm phán tiến triển chậm sẽ khiến việc đưa ra các quyết định đầu tư gặp nhiều khó khăn hơn”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục