Khối ngoại bán ròng 1,4 tỷ USD trên thị trường chứng khoán

10:39' - 02/06/2024
BNEWS Chỉ trong 5 tháng 2024, khối ngoại đã bán ròng gần 36.000 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD), lớn hơn giá trị bán ròng của cả năm 2023.

Việc khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ đồng trong các phiên giao dịch đã ảnh hưởng một phần tới tâm lý nhà đầu tư trong nước và đà phục hồi của chỉ số chứng khoán. Thực tế, nhà đầu tư nội giao dịch thận trọng trong tuần cuối cùng của tháng 5 khiến thanh khoản sụt giảm.

*Khối ngoại bán ròng 4 tháng liên tiếp

Khối ngoại đã có 4 tháng bán ròng liên tiếp và xu hướng này đặc biệt mạnh trong tháng 5, giá trị bán ròng gần 18.200 tỷ đồng. Cũng trong tháng này, khối ngoại có tới 10 phiên bán ròng nghìn tỷ đồng.

Chỉ trong 5 tháng 2024, khối ngoại đã bán ròng gần 36.000 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD), lớn hơn giá trị bán ròng của cả năm 2023.

Tuần cuối cùng của tháng 5, khối ngoại bán ròng 7.783 tỷ đồng trên cả 3 sàn; trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 6.085 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng 33 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 1.732 tỷ đồng trên UPCOM.

Cùng đó, tuần qua nhà đầu tư trong nước cũng giao dịch thận trọng, khiến thanh khoản giảm hơn 24% so với tuần trước đó, xuống 20.971 tỷ đồng/phiên.

Tuần qua, VN-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm điểm. Thị trường diễn biến tương đối ảm đạm trong phiên đầu tuần (27/5) với thanh khoản giảm sâu còn hơn 17.000 tỷ đồng sau phiên bán mạnh cuối tuần trước đó dù kết phiên tăng gần 6 điểm.

POW tăng kịch trần, đóng góp gần 0,5 điểm vào đà tăng của VN-Index khi nhà đầu tư đón nhận thông tin các công ty bảo hiểm sẽ bồi thường 1.000 tỷ đồng cho nhà máy điện Vũng Áng 1, và Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 dự kiến phát điện thử vào ngày 15/10/2024 và Nhơn Trạch 4 chạy thử 6 tháng sau.

Tâm lý tích cực đã kéo VN-Index lấy lại mốc 1.280 điểm vào phiên 28/5, thanh khoản tăng mạnh lên hơn 22.000 tỷ đồng, với lực cầu tiếp tục tập trung vào FPT tăng 3,16% khi nhà đầu tư kỳ vọng vào triển vọng của cổ phiếu ngành bán dẫn.

VN-Index chịu áp lực bán mạnh trong phiên 29/5, khi giảm hơn 9 điểm với khối ngoại bán ròng gần 1.600 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu trụ như CTG và HDB.

Tâm lý tiêu cực tiếp diễn khiến VN-Index có thời điểm giảm sâu hơn 20 điểm vào phiên sáng 30/5, trước khi hồi phục một phần vào cuối phiên trước khi đóng cửa giảm 6 điểm. Trong khi VCB, BID ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số, MWG và MSN tích cực kéo điểm cho VN-Index khi nhà đầu tư kỳ vọng vào đà phục hồi của ngành bán lẻ (với tổng mức bán lẻ tăng 9,5% so với cùng kỳ trong tháng 5) và việc gia hạn giảm 2% thuế VAT đến cuối năm giúp hỗ trợ tiêu dùng.

Trong phiên cuối tuần, VN-Index “giằng co” trước khi áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến VN-Index giảm gần 5 điểm, với khối ngoại bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng.

Kết thúc tuần giao dịch từ 27 - 31/5, VN-Index gần như đi ngang ở mốc 1.261,7 điểm; HNX-Index tăng 0,6% lên 243,1 điểm và  UPCOM tăng 1,2% lên 95,9 điểm.

Tuần qua, VCB giảm 3,3%, BID giảm 4,3% và VIC giảm 3,1% gây áp lực lên chỉ số chung. Chiều ngược lại, HVN tăng 14,9%; LPB tăng 9,8% và MWG tăng 5,1% là các cổ phiếu hỗ trợ tích cực nhất cho thị trường.

Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) thị trường chứng khoán tuần qua bắt đầu đón nhận một số thông tin hỗ trợ.

Theo đó, trong ngày 31/5, Mỹ đã công bố dữ liệu mới nhất về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). PCE lõi trong tháng 4 tăng 0,2% so với tháng 3, đánh dấu mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 12/2023 và phù hợp với ước tính của Dow Jones.

So với cùng kỳ năm trước, PCE lõi tăng 2,8%, thấp hơn so với dự báo là 2,9%. Chỉ số CPE toàn phần trong tháng 4 tăng mức 2,7% so với cùng kỳ năm trước và 0,3% so với một tháng trước, đều khớp với dự báo.

Như vậy, cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và PCE trong tháng 4 đều cho thấy hướng đi tích cực hơn của lạm phát tại Mỹ sau khi các chỉ số này cao hơn dự báo trong quý đầu tiên của năm nay.

Sau diễn biến trên, chỉ số Dollar Index (DXY) và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ điều chỉnh giảm, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực đối với tỷ giá tiền đồng. Trong nước cũng chứng kiến một số diễn biến tích cực trên thị trường vàng và tiền tệ.

Cụ thể, sau khi tăng nóng thời gian gần đây, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã có xu hướng hạ nhiệt sau động thái hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước. Lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng quay đầu giảm.

Giá vàng trong nước cũng hạ nhiệt sau thông tin 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước sẽ bán vàng bình ổn giá kể từ ngày 3/6. Những diễn biến này được kỳ vọng sẽ cải thiện tâm lý của nhà đầu tư trong tuần giao dịch tới. Đồng thời, chỉ số VN-Index cũng đã tiến gần tới vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm và khó lùi sâu dưới ngưỡng này.

Theo chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng Khoán Nhất Việt (VFS), sau diễn biến hồi phục về vùng đỉnh cũ trong nửa đầu tháng 5/2024, VN-Index đang phải đối mặt với áp lực chốt lời lớn từ cả trong nước lẫn khối ngoại và đang đi ngang quanh vùng giá này để nỗ lực hấp thụ áp lực bán. Tuy nhiên, dòng tiền trên thực tế vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi thị trường mà luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành có câu chuyện riêng.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường tăng điểm không thành trong phiên cuối tuần qua và lùi trở lại mốc 1.261 điểm. Thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước đó, cho thấy dòng tiền có trạng thái thận trọng khi thị trường hồi phục.

Tín hiệu cầu thấp này có thể sẽ có tác động không tốt đến thị trường trong thời gian gần tới và có khả năng thị trường sẽ cần kiểm tra lại cung cầu tại vùng hỗ trợ 1.250 - 1.255 điểm thêm lần nữa. Tín hiệu thăm dò này sẽ ảnh hưởng đến biến động tiếp theo của thị trường.

Như vậy, tính chung cả tháng 5, các chỉ số chứng khoán Việt Nam vẫn hồi phục tích cực; trong đó, VN-Index tăng hơn 52 điểm. Diễn biến này cũng khá tương đồng với sự đi lên của các thị trường chứng khoán thế giới.

*Chứng khoán Mỹ tăng trong tháng 5

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch 31/5 với sắc xanh trong đó chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận mức tăng tính theo ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2023.

Hầu hết các nhóm ngành chính trong S&P 500 đều đi lên, dẫn đầu là nhóm năng lượng với mức tăng 2,5%. Ngược lại, nhóm công nghệ đóng cửa giảm nhẹ.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,51% lên 38.686,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,80% lên 5.277,51 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,01% xuống 16.735,02 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ đạt 14,60 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 12,56 tỷ cổ phiếu cho toàn phiên trong 20 ngày giao dịch trước đó. Nhà đồng sáng lập kiêm đồng Giám đốc Giao dịch Cổ phiếu tại Themis Trading ở Chatham, New Jersey, ông Joe Saluzzi cho biết khối lượng giao dịch chắc chắn đã tăng đột biến vào cuối phiên, điều này có thể liên quan đến việc điều chỉnh vị thế vào cuối tháng.

Thống kê cho thấy, cả ba chỉ số chính của phố Wall đều tăng ấn tượng trong tháng 5. Tính chung cả tháng, S&P 500 tăng khoảng 4,8%, Nasdaq tăng vọt 6,9% và Dow Jones tăng 2,4%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục