Khôi phục sản xuất nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh: Chuyển đổi mô hình gắn với xây dựng thương hiệu

17:32' - 16/03/2022
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh định hướng phát triển nông nghiệp đô thị gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tập trung phát triển nhóm sản phẩm chủ lực.

Diện tích canh tác nông nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh ngày càng thu hẹp còn nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao ngày càng tăng là động lực để các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp chuyển đổi sang các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và xây dựng thương hiệu cho nông sản.

 

Tuy nhiên, để thu hút đầu tư vào nông nghiệp và phát huy hết tiềm năng các sản phẩm chủ lực của Thành phố, cần sớm tháo gỡ các "điểm nghẽn" về nguồn giống, vốn cũng như cơ chế quản lý đất đai.

Giải quyết các bất cập
Dù xác định rõ chuyển đổi cơ cấu và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là yêu cầu tất yếu, song các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp cũng như các xã, huyện vẫn đang gặp không ít trở ngại về nguồn giống, vốn, hạ tầng sản xuất và cả cơ chế quản lý cần được tháo gỡ.
Ông Nguyễn Thiện Nhu, Tổng quản lý trang trại hoa lan Ngọc Đan Vy chia sẻ, nhu cầu sử dụng hoa lan ngày càng tăng, không chỉ trong nước mà còn có thể xuất khẩu.

Tuy nhiên, chủng loại hoa lan của Việt Nam từ trước tới nay rất hạn chế, hầu hết giống lan được khách hàng ưa chuộng đều phải nhập khẩu từ Thái Lan, không đáp ứng được quy tắc xuất xứ để xuất khẩu.
"Tp. Hồ Chí Minh định hướng trở thành trung tâm sản xuất cây, con giống chất lượng cao, đã có các trung tâm công nghệ sinh học, khu nông nghiệp công nghệ cao nhưng hầu hết vẫn đang sử dụng giống nhập khẩu nhân bản mà chưa lai tạo được các giống mới mang thương hiệu trong nước. Đây là "nút thắt" cần được tháo gỡ sớm nếu muốn phát triển các sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu nông sản phục vụ xuất khẩu.", ông Nguyễn Thiện Nhu nhấn mạnh.
Một bất cập khác hiện nay trong đầu tư phát triển nông nghiệp là cơ chế quản lý các công trình trên đất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi phân tích, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và quy mô lớn luôn gắn với việc đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất.

Tuy nhiên quy định hiện nay chỉ cho phép diện tích tối đa của công trình phụ trợ là 15m2, không đáp ứng được nhu cầu cơ bản về nơi ăn uống, vệ sinh cho người trông coi vườn.

Ngoài ra, các khu đất nông nghiệp không tiếp giáp với đường giao thông công cộng không được phép xây dựng công trình phụ trợ .
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, trên thực tế rất nhiều diện tích đất nông nghiệp không tiếp giáp với đường giao thông công cộng nhưng người dân vẫn có lối đi.

Do đó Thành phố và các đơn vị chức năng cần xem xét điều chỉnh các quy định trên cho phù hợp với nhu cầu thực tế như tăng diện tích và cho phép xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp ở những khu vực không có tiếp giáp với đường giao thông công cộng.

Về nguồn vốn đầu tư, ông Hồ Ngọc Thiện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho biết, trở ngại lớn nhất trong việc chuyển đổi mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là vốn ban đầu rất lớn.

Theo đó, chi phí đầu tư bạt, hệ thống điện và sục oxy cho 1ha ao nuôi ước tính lên đến 2 tỷ đồng, đây là chi phí rất lớn đối với các hộ nuôi và hợp tác xã nhỏ. Theo chính sách hiện hành của Thành phố, người dân, các hợp tác xã được hỗ trợ một phần lãi suất vay đầu tư ban đầu và vốn thường xuyên.

Tuy nhiên với khoản đầu tư lớn như nuôi tôm công nghệ cao, phần lãi suất người vay phải trả vẫn còn cao, chưa đủ khuyến khích để các hộ nuôi chuyển đổi.
"Để đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, Thành phố cần có chính sách riêng cho các đơn vị đầu tư vào lĩnh vực này như nâng mức hỗ trợ lãi suất lên 100% đối với đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ 60-80% lãi suất vốn vay thường xuyên. Đồng thời sớm triển khai đề án phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và diêm nghiệp.", ông Hồ Ngọc Thiện kiến nghị.
Trong khi đó, ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tuấn Ngọc cho rằng, cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và các hợp tác xã để kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn cho sản xuất; song song đó tiếp tục hỗ trợ chính sách ưu đãi về lãi vay.

Các chính sách ưu tiên phát triển hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao cần cụ thể, chi tiết, rõ ràng hơn, giúp cho các hợp tác xã tận dụng một cách triệt để và hiệu quả, tránh việc "chính sách thì có mà áp dụng thì quá khó".

Chuyển đổi cơ cấu gắn với xây dựng thương hiệu

Tp. Hồ Chí Minh định hướng phát triển nông nghiệp đô thị gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tập trung phát triển nhóm sản phẩm chủ lực.

Theo đó, các địa phương sản xuất nông nghiệp tập trung như Củ Chi, Cần Giờ...đều xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây, con theo hướng nâng cao chất lượng.
Ông Hồ Ngọc Thiện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho biết, với lợi thế là huyện ven biển, có nhiều mảng rừng ngập mặn, Cần Giờ xác định phát triển nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế chủ lực.

Trước đây các hộ chủ yếu nuôi tôm trực tiếp trên ao. Thời gian gần đây nhiều khu vực đã chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn hẳn.

Cần Giờ hiện có trên 5.000 ha nuôi tôm nhưng chỉ với 180 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã cho sản lượng bằng 1/4 tổng sản lượng tôm của huyện. Lợi nhuận từ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao gấp 2 -2,5 lần so với mô hình nuôi truyền thống.
Theo ông Hồ Ngọc Thiện, mục tiêu của Cần Giờ trong năm 2022 là nâng cao hàm lượng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao lên 220 ha. Phấn đấu đến năm 2025 đưa sản lượng tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao lên 40% tổng sản lượng tôm cả huyện.
Cần Giờ cũng đầu tư duy trì, bảo tồn nguồn gen, phát triển sản xuất giống các loại thủy sản có tiềm năng như cá dứa, cá chim vây vàng và nhuyễn thể (nghêu, sò) phục vụ nuôi trồng tại chỗ và cung cấp cho các địa phương khác. Chỉ tính riêng việc cung cấp giống nghêu, sò cho các tỉnh phía Bắc và miền Tây mỗi năm đã giúp Cần Giờ thu về khoảng 300 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thúa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi cho biết: Là vùng chăn nuôi, trồng trọt trọng điểm của Tp. Hồ Chí Minh, huyện Củ Chi đang tập trung tái cơ cấu lại các loại vật nuôi trên địa bàn huyện; trong đó, tăng tỷ lệ phát triển đàn lợn nái, khuyến khích nông dân cải tạo chất lượng đàn bò sữa.

Phát triển các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, an toàn sinh học.
Thời gian tới, Củ Chi cũng đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang  các loại cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với xu hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị như sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP; các loại hoa, cây cảnh đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tăng xuất khẩu, đồng thời tạo cảnh quan gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Tiếp tục nhân rộng mô hình doanh nghiệp xuất khẩu cá cảnh liên kết với các hộ sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản phẩm tiềm năng của địa phương.
Về phía các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông trại cũng chủ động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản.

Bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thuận Yến cho biết: Bên cạnh việc thay đổi mô hình sản xuất từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, hợp tác xã sẽ tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.

Cụ thể, sẽ xây dựng thương hiệu sản phẩm khô cá dứa một nắng huyện Cần Giờ, gia tăng giá trị hàng hóa mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ thành viên, giúp họ mạnh dạn đầu tư và phát triển lâu dài cho nghề nuôi cá dứa.

Với sản phẩm tổ yến tiếp tục xây dựng thương hiệu nhãn hàng yến sào Thuận Yến trên cơ sở tổ chức gia công, chế biến cho sản phẩm là tổ yến thô của các thành viên trong hợp tác xã và tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Với vườn lan Ngọc Đan Vy, ông Nguyễn Thiện Nhu thông tin, dù đã phát triển chuỗi vườn lan nhưng từ trước đến nay nhà vườn vẫn bán hoa "vô danh" hoặc thông qua tên thương hiệu của nhà phân phối.

Tuy nhiên, thời gian tới khi đa dạng hóa được chủng loại hoa và đạt được sự ổn định về chất lượng, Ngọc Đan Vy sẽ đẩy mạnh phân phối, bán lẻ bằng thương hiệu của mình.

Do đó, nhà vườn đang xúc tiến việc thiết kế bao bì/giỏ đựng, bộ nhận diện thương hiệu và chiến lược marketing đồng bộ.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chủ trương chung của hành phố là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", từ đầu năm 2022 ngành nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đang tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Sở cũng thường xuyên rà soát các vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp đô thị để đề xuất lên UBND thành phố và bộ, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ kịp thời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục