Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn trong hoạt động ngân hàng

22:12' - 25/11/2021
BNEWS Chiều 25/11, Hội nghị sơ kết 5 năm Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước diễn ra tại Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng dự hội nghị.

Theo báo cáo, 5 năm triển khai thực hiện quy chế phối hợp đã giúp cho mỗi cơ quan có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Nổi bật là hai cơ quan đã phối hợp tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ban hành và chỉ đạo ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói chung, lĩnh vực tín dụng và hoạt động ngân hàng nói riêng được kịp thời, phù hợp với thực tiễn.

Công tác phòng, chống tham nhũng trong hệ thông ngân hàng được tăng cường, hiệu quả phòng, chống tham nhũng mang lại rõ rệt. Nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng được phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, có tác dụng phòng ngừa cao, góp phần làm giảm đáng kể các vụ việc, vụ án liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. 

Thông qua việc cảnh báo rủi ro, hai cơ quan đã phối hợp triển khai tích cực các giải pháp phòng ngừa, khắc phục những sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước ngày càng đi vào ổn định, an toàn và có bước phát triển mới.

Tuy nhiên, một số nội dung đề ra trong quy chế phối hợp được thực hiện chưa chủ động, chưa kịp thời, chưa thực sự tốt, thậm chí chưa được thực hiện. Một số nội dung chưa được cụ thể hóa nên chưa có cơ sở thực hiện; một số nhu cầu cần phối hợp đặt ra trong thực tế, nhưng do chưa được quy định trong Quy chế nên chưa có cơ sở để thực hiện việc phối hợp, đã ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ cũng như mong muốn của hai cơ quan.

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước ra nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về tiền tệ và hoạt động.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành và triển khai nhiều biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát của nền kinh tế vĩ mô, độ an toàn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tổ chức tín dụng được phát triển ngày càng đa dạng.

Bên cạnh các kết quả đạt được, cùng với sự phát triển nói chung và hoạt động ngân hàng vẫn còn những vấn đề cần phải quan tâm. Xử lý thực tế hoạt động ngân hàng là lĩnh vực gắn liền với tiền, là lĩnh vực dễ xảy ra rủi ro đạo đức, đặc biệt trong tình hình hiện nay, những vi phạm pháp luật, sai phạm tham nhũng, tiêu cực xuất hiện ngày càng tinh vi và phức tạp. Trong đó có những vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế phát sinh tại một số tổ chức tín dụng gây thất thoát tài sản thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo.

Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa tham nhũng và tham mưu, chỉ đạo, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Kể từ khi phối hợp về Quy chế phối hợp, công tác phối hợp giữa hai cơ quan để thực hiện thường xuyên, liên tục, chất lượng phối hợp cũng như nhận thức của các cán bộ, công chức, của các đơn vị ngày càng nâng cao.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá, trong hơn 5 năm qua, hai cơ quan đã tích cực phối hợp, tăng cường các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng; thanh tra, xử lý sớm các vi phạm nhỏ, hạn chế các vi phạm lớn; hoàn thiện thể chế, khắc phục những sơ hở trong cơ chế pháp luật vừa để phòng ngừa, vừa để xử lý nghiêm những sai phạm; phối hợp xử lý trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án;...

Bên cạnh kết quả đạt được, một số nội dung trong quy chế phối hợp chưa được thực hiện đầy đủ; việc cung cấp, phối hợp thông tin nhiều lúc còn chưa chủ động, kịp thời; sự phối hợp để xử lý các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên; phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, thu hồi tài sản chưa đảm bảo yêu cầu.

Về định hướng phối hợp trong thời gian tới, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng được ví như huyết mạch của nền kinh tế, nên việc đảm bảo hiệu quả, an toàn cho hoạt động ngân hàng, tín dụng có vai trò rất quan trọng với ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan cần tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc về kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

"Giữ nghiêm bên trong, phòng ngừa giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; có bệnh thì phải chữa ngay; không để sai phạm trong một tổ chức tín dụng làm đổ vỡ cả hệ thống" - Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó là cần đặc biệt quan tâm công tác thanh tra, giám sát của cơ quan Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, Cục Chống rửa tiền, cơ quan giám sát nội bộ, cơ quan xử lý nợ xấu và chú trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác thẩm định cho vay, quản lý xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm.

Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Nhất là cần sự phối hợp trong việc phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tín dụng (rửa tiền, thanh toán không dùng tiền mặt, cho vay, cho thuê, thanh toán...) qua tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, góp phần bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”.

Ông Phan Đình Trạc đề nghị hai cơ quan phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá các hành vi vi phạm pháp luật qua xử lý các vụ án, vụ việc vừa qua trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tổ chức tín dụng để rút ra những bài học kinh nghiệm; vừa để tăng cường các biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa các loại tội phạm có thủ đoạn tinh vi, phức tạp, công nghệ cao; vừa kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý an toàn, vững chắc trong lĩnh vực ngân hàng, không để xảy ra các vụ án, vụ việc tương tự trong thời gian tới.

Hai cơ quan cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án và công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Nhất là, cần phối hợp trong việc cung cấp thông tin về tài khoản, tiền gửi, áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản; bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định; phối hợp chỉ đạo xử lý, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt của các tổ chức tín dụng trong các vụ án theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật…

Nhân dịp này, Ban Nội chính Trung ương đã trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Nội chính Đảng, Bằng khen của Trưởng ban Nội chính Trung ương cho lãnh đạo và một số cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam, Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho lãnh đạo và một số cán bộ của Ban Nội chính Trung ương./.

>>>HDBank sẽ cấp tín dụng cho dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục