Kịch bản nào cho cuộc bầu cử hạ viện Nhật Bản?

10:37' - 30/10/2021
BNEWS Chiến dịch tranh cử vào hạ viện Nhật Bản kết thúc ngày 30/10, chỉ 1 ngày trước khi các cử tri nước này đi bỏ phiếu để chọn ra những gương mặt mới trong cơ quan lập pháp.

Đây là phép thử lớn đầu tiên đối với Thủ tướng Fumio Kishida trong vai trò người đứng đầu đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.

Độ khó của phép thử đã tăng lên đáng kể so với 3 cuộc bầu cử hạ viện trước đây, khi 5 đảng đối lập đang "bắt tay nhau" nhằm đánh bại LDP. Tuy nhiên, theo giới phân tích, nhiều khả năng liên minh cầm quyền vẫn sẽ duy trì thế đa số ở hạ viện, bất chấp việc LDP có thể mất một số lượng ghế đáng kể trong cuộc bầu cử này.

Hạ viện Nhật Bản có 465 ghế, trong đó 289 ghế được bầu trực tiếp ở các khu vực bầu cử một ghế và 176 ghế được bầu theo hình thức đại diện tỷ lệ.

Trước khi Thủ tướng Kishida giải tán hạ viện, liên minh cầm quyền đang nắm giữ 305 ghế ở cơ quan lập pháp này, trong đó LDP có 276 ghế và đảng Công minh có 29 ghế. Tuy nhiên, theo giới phân tích, LDP khó có thể duy trì số ghế đó do sự liên kết của phe đối lập.

Ngày 13/10, một ngày trước khi hạ viện bị giải tán, đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) đã thông báo rút các ứng cử viên ở 21 khu vực bầu cử. Thay vào đó, JCP và 4 đảng đối lập khác, gồm đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ), đảng Dân chủ Xã hội (SDP), đảng Dân chủ vì nhân dân (DPFP) và Reiwa Shinsengumi, đã nhất trí chỉ hậu thuẫn cho một ứng cử viên duy nhất ở 213 khu vực bầu cử để tránh tình trạng phân tán phiếu bầu dành cho phe đối lập.

Kết quả là có tới 142 trong số 289 khu vực bầu cử chứng kiến cuộc đua tay đôi giữa một ứng cử viên của liên minh cầm quyền và một ứng cử viên duy nhất do 5 đảng đối lập hậu thuẫn, còn 71 khu vực bầu cử khác chứng kiến cuộc đua tay ba giữa liên minh cầm quyền, đảng Duy tân Nhật Bản (JIP) và 5 đảng đối lập. Điều này khiến liên minh cầm quyền không khỏi lo lắng.

Mặt khác, một vấn đề nữa khiến liên minh cầm quyền khá bất an là sau khi Thủ tướng Kishida nhậm chức, tỷ lệ ủng hộ đối với chính quyền mới của LDP vẫn khá thấp.

Kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Kyodo tiến hành trong các ngày 4 và 5/10 cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Kishida chỉ là 55,7%, thấp hơn so với con số 66,4% của người tiền nhiệm Suga Yoshihide vào thời điểm mới nhậm chức.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư Yu Uchiyama, một chuyên gia về chính trị Nhật Bản của Đại học Tokyo, nhận định: “Thông thường, sau khi có sự thay đổi trong chính quyền, tỷ lệ ủng hộ nội các mới thường tăng cao. Tuy nhiên, so với con số trung bình trong quá khứ, tỷ lệ ủng hộ nội các của tân Thủ tướng Kishida tương đối thấp. Bên cạnh đó, các đảng đối lập đã hợp tác và giới thiệu các ứng cử viên duy nhất ở hàng loạt khu vực bầu cử một ghế. Vì vậy, tôi cho rằng LDP có thể sẽ mất một số ghế nhất định ở hạ viện sau cuộc bầu cử này”.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây đã củng cố thêm nhận định này của Giáo sư Yu. Kết quả cuộc thăm dò dư luận do Kyodo thực hiện từ ngày 23 đến 26/10 cho thấy LDP đang có lợi thế ở khoảng 200 khu vực bầu cử, nhưng đang vất vả cạnh tranh ở khoảng 70 khu vực bầu cử khác.

Trong hình thức đại diện tỷ lệ, LDP có thể sẽ giành được 66 ghế, gần tương đương so với số ghế mà đảng này có được trong cuộc bầu cử hạ viện năm 2017.

Trong khi đó, đảng Công minh, vốn được tổ chức Phật giáo Soka Gakkai hậu thuẫn, có thể giành nhiều hơn số ghế mà đảng này có trước cuộc bầu cử ngày 31/10. Nếu kết quả bỏ phiếu trên thực tế cũng giống như vậy, liên minh cầm quyền sẽ giành ít nhất 261 ghế, đủ để duy trì thế đa số “ổn định tuyệt đối” ở hạ viện, kiểm soát tất cả các ủy ban thường trực ở cơ quan lập pháp này và thúc đẩy chương trình nghị sự pháp luật.

Trên thực tế, nhà phân tích chính trị Tetsuo Suzuki cho biết dựa trên một cuộc khảo sát nội bộ do LDP thực hiện ngay trước khi hạ viện bị giải tán, đảng này dự đoán sẽ chỉ mất khoảng 40 ghế ở các khu vực bầu cử một ghế.

Ông Suzuki cho rằng: “Miễn là các ứng cử viên LDP, đặc biệt là các nhà lãnh đạo cao nhất, không có những lời nói hớ hênh trong chiến dịch tranh cử gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc bỏ phiếu, LDP sẽ rất khó mất thế đa số”.

Về phía phe đối lập, theo hãng tin Kyodo, CDPJ đang có lợi thế ở hơn 50 khu vực bầu cử một ghế nhưng vẫn cần giành chiến thắng ở các khu vực bầu cử chiến trường để có thêm ghế. Trong khi đó, JCP cũng có thể sẽ nhận thêm một số ghế ngoài 11 ghế mà đảng đã nắm giữ trước bầu cử.

DPFP, vốn đang nắm giữ 8 ghế hạ viện, có thể giành được 6 ghế ở các khu vực bầu cử một ghế và có thêm một vài ghế thông qua hình thức đại diện tỷ lệ. Reiwa Shinsengumi có thể giành ít nhất một ghế theo hình thức đại diện tỷ lệ, trong khi SDP có thể giữ nguyên một ghế ở khu vực bầu cử một ghế.

Riêng JIP, một đảng đối lập thiên hữu và đã từng đứng về phía LDP trong một số vấn đề như sửa đổi Hiến pháp, có thể tăng gấp ba số ghế hạ viện so với con số 11 ghế trước thời điểm bỏ phiếu, nhất là nếu JIP có thể giành được chiến thắng ở các khu vực bầu cử ngoài khu vực Kansai.

Tuy nhiên, theo Kyodo, khoảng 40% người tham gia thăm dò vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào ở các khu vực bầu cử một ghế. Điều này có thể sẽ làm thay đổi kết quả bầu cử trên thực tế.

Mặc dù vậy, Giáo sư Yu cho biết ông vẫn tin rằng liên minh cầm quyền sẽ giữ được đa số ghế ở hạ viện. Lý giải về nhận định này, ông nói: “Mục tiêu của Thủ tướng Kishida trong cuộc bầu cử hạ viện là liên minh cầm quyền giành được đa số ghế, tức là tối thiểu 233 ghế. Mặc dù tỷ lệ ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Kishida khá thấp và phe đối lập đã nhất trí hợp tác với nhau, nhưng tỷ lệ ủng hộ CDPJ cũng không cao lắm. Trong cuộc thăm dò dư luận của nhật báo Asahi, tỷ lệ ủng hộ đối với LDP là 38%, trong khi tỷ lệ ủng hộ CDPJ chỉ là 13%”.

Theo Giáo sư Yu, do 5 đảng đối lập đã nhất trí chỉ giới thiệu các ứng cử viên duy nhất ở 213 khu vực bầu cử nên CDPJ có thể giành thêm một số ghế theo hình thức bầu cử trực tiếp ở các khu vực bầu cử một ghế.

Tuy nhiên, do tỷ lệ ủng hộ đối với CDPJ trong các cuộc thăm dò dư luận khá thấp, đảng này có thể mất một số ghế được bầu theo hình thức đại diện tỷ lệ. Do vậy, CDPJ có thể sẽ giữ nguyên số ghế có trước khi hạ viện bị giải tán.

Về kịch bản thành lập chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử, theo giới phân tích, trong trường hợp LDP giành được tối thiểu 233 ghế, tức là giữ được thế đa số ở hạ viện, điều này sẽ có lợi cho Thủ tướng Kishida trong các cuộc đàm phán với đảng Công minh về việc thành lập chính phủ liên minh.

Khi đó, đảng Công minh vẫn sẽ là đối tác trong liên minh cầm quyền của LDP, nhưng sẽ ít có khả năng ngăn cản LDP thông qua các chính sách của riêng mình.

Tuy nhiên, nếu LDP không giành được số ghế tối thiểu đó và cần có sự tham gia của đảng Công minh để duy trì thế đa số ở hạ viện, LDP sẽ phải tính tới các ý kiến của phía đối tác khi muốn thông qua bất kỳ dự luật nào. Điều đó có thể sẽ đẩy Nhật Bản rơi vào tình trạng bất ổn về chính trị.

Nhà phân Suzuki dự báo “nếu LDP để mất 50 hoặc 60 ghế, điều đó có nghĩa là đảng này cần đảng Công minh để có thể thông qua bất cứ chính sách nào tại quốc hội". Điều đó có thể châm ngòi cho một cuộc tranh giành quyền lực, thậm chí "có thể chứng kiến sự khởi đầu của một số phong trào phản đối ông Kishida trong nội bộ LDP".

Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, hai vấn đề trọng tâm được các đảng tập trung đề cập tới là cách thức ứng phó với đại dịch COVID-19 và khôi phục nền kinh tế đất nước.

Đó sẽ là cơ sở để các cử tri Nhật Bản quyết định bỏ phiếu cho ai trong số hơn 1.000 ứng cử viên trong ngày bầu cử 31/10./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục