Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới?

18:46' - 11/01/2021
BNEWS Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thế giới vẫn chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, Việt Nam đã sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.

Chiều 11/1, tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Định hình chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times phối hợp với Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thế giới vẫn đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chủ động và sẵn sàng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 5 năm 2021-2025.

*Nhận diện trụ cột

Năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.

Đồng thời, là năm triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2025, hướng đến năm 2030.

 Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021-2030 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm.

Bên cạnh đó, năm 2025 có GDP/người giá thực tế đạt 4.700 - 5.000 USD (năm 2020 là 3.521 USD) và đến năm 2030 có GDP/người giá thực tế đạt khoảng 7.500 USD.

Theo ông Trần Hồng Quang, Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới. 

Hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước và tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia.

Để đạt được những mục tiêu trên, Việt Nam sẽ tiếp huy động và sử dụng những nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hóa của con người Việt Nam.

Cùng với đó, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, phát triển mạnh hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số... cũng đang là yêu cầu cấp thiết phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Một số chuyên gia khác cho rằng, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững... thực sự trở thành những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.

Qua đó, từng bước xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực.

Đặc biệt, Việt Nam nên khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất.

Bởi hợp tác đầu tư nước ngoài có trọng điểm, có chọn lọc sẽ giúp Việt Nam ưu tiên thu hút dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu...

*Ứng phó với biến động

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã chỉ ra rằng, bối cảnh thế giới 2021 vẫn tiềm ẩn rất nhiều bất trắc từ COVID-19 đến những mối căng thẳng thương mại quốc tế song phương.

Động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ đến từ phục hồi sức mua thị trường nội địa, đầu tư tư nhân và xuất khẩu sang EU và ASEAN.

Mặt khác, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ động đàm phán với đối tác thương mại lớn cần phải là ưu tiên chính sách trong năm nay để hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam vẫn phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đi lại quốc tế, tuân thủ nghiêm túc quy định phòng chống dịch COVID-19.

Còn theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, trên cơ sở những kết quả tích cực của điều hành chính sách tiền tệ năm 2020, trong năm 2021 Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt hơn; trong đó, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với nhiều Bộ, ngành khác trong hoạt động quản lý, thanh tra, giám sát, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng.

"Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho hoạt động Fintech, nhằm tận dụng tốt cơ hội để phát triển kinh tế số tại Việt Nam nói chung và trong ngành ngân hàng nói riêng. Ngân hàng Nhà nước sẽ không ngừng thúc đẩy cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả", ông Phạm Thanh Hà chia sẻ thêm.

Liên quan đến thu hút dòng vốn ngoại, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư – VinaCapital nhận định, với hiệu quả trong việc chủ động kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, ổn định về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, uy tín của Việt Nam được củng cố và nâng cao trên trường quốc tế là cơ sở để thu hút dòng vốn ngoại sớm quay lại Việt Nam.

Khi môi trường lãi suất ở Mỹ và hầu hết quốc gia trên thế giới đang ở mức rất thấp, quỹ đầu tư tại các nước này sẽ xem xét chuyển hướng đầu tư vào những thị trường mới nổi, cận biên, trong đó có Việt Nam để tăng hiệu quả về lợi nhuận.

Với bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, các chuyên gia nhận định, sức khỏe của doanh nghiệp, nhận thức và tư duy của doanh nghiệp về một thế giới mới, phù hợp với mô hình quản trị và tổ chức sản xuất mới, phương thức kinh doanh mới... được xem là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thích ứng trước biến động thị trường và nền kinh tế toàn cầu để duy trì sự ổn định mục tiêu tăng trưởng.

Riêng ở góc độ những nhà làm chính sách, nắm bắt và đánh giá đúng thực trạng năng lực của doanh nghiệp nhằm hoạch định chương chính sách và giải pháp sẽ thúc đẩy tốt hơn và đạt hiệu quả cao hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục