Kinh doanh taxi xe điện có hiệu quả hơn xe xăng?

14:20' - 24/05/2024
BNEWS Sáng 24/5 tại Hà Nội, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm với chủ đề "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam".

Tại tọa đàm, các chuyên gia và doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận về những lợi ích và tiềm năng của việc áp dụng xe điện trong hoạt động kinh doanh vận tải. Đồng thời đề cập đến các chính sách hỗ trợ cũng như giải pháp hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của ngành giao thông này.

 

Chi phí vận hành taxi điện giảm đến 30% so với xe xăng

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Ô tô thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, đã đánh giá cao tiềm năng của xe điện trong lĩnh vực này. Những chi tiết cấu thành lên ô tô giảm đi rất nhiều so với xe xăng nên chi phí chăm sóc bảo dưỡng giảm nhiều, không cần phải thay dầu mỡ, thay lọc gió, thay lọc dầu.

Bên cạnh đó, vì ít chi tiết cấu thành nên rủi ro của xe cũng ít hơn. Từ đó, tổng chi phí để nuôi một xe taxi cũng giảm hơn so với xe xăng truyền thống. Ngoài ra, ông Phúc cũng đưa ra ví dụ, trung bình một chiếc ô tô chạy xăng tiêu thụ 7 lít/100km sẽ phát thải khoảng 14,7kg CO2 trong khi xe điện tiêu thụ hơn 9kWh sẽ chạy được 100km. Như vậy, một chiếc xe xăng phải chạy chỉ 4 lít/100km thì mới đảm bảo lượng phát thải ngang với xe điện VF8.

Ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch HĐQT của Công ty Taxi Én Vàng, khẳng định rằng việc sử dụng xe điện không chỉ giúp giảm chi phí vận hành mà còn mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Chi phí cho 1km xe xăng từ 1.200 - 1.600 đồng trong khi xe điện chỉ tốn chỉ 400 -  600 đồng. Ngoài ra, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp dẫn đến tổng chi phí vận hành giảm từ 20 - 30% so với xe xăng. Chi phí thấp như vậy là sẽ mang lại hiệu quả cho người đầu tư, những người vận hành là lái xe và khách hàng cũng được hưởng lợi.

Ông Định nhấn mạnh rằng mặc dù mức đầu tư ban đầu của xe điện cao hơn so với xe xăng cùng phân khúc, trong khi giá cước taxi điện bằng taxi xăng, thời gian thu hồi vốn của taxi điện cũng sẽ dài hơn xe xăng, mất khoảng 6 năm thay vì 5 năm. Tuy nhiên, về lâu dài, sự tiết kiệm và hiệu quả mà xe điện mang lại sẽ là yếu tố quyết định.

Đồng quan điểm trên, ông Hồ Quang Hiếu, đại diện taxi MaiLove cho hay, giá xe điện hiện vẫn cao so với xe xăng cùng phân khúc và ảnh hưởng đến vấn đề thu hồi vốn. Doanh thu hiện tại của xe điện chưa đủ bù đắp chi phí đầu tư. MaiLove hiện kinh doanh song song cả xe điện và xe xăng, tuy nhiên hãng mới chỉ đang thuê chứ chưa mua xe điện vì đang cân nhắc về giá bán.

Ông Hiếu nêu ví dụ: "Tại Hà Tĩnh, lượng khách chủ yếu từ địa phương còn ở tỉnh khác rất ít. Ở đây cước taxi xăng thấp còn chi phí đầu tư xe điện lại cao nên rất khó để đặt giá cước xe điện bằng xe xăng". Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý rằng từ khi đưa taxi điện vào hoạt động, họ đã ghi nhận được sự quan tâm tích cực từ phía khách hàng.

Chia sẻ phương án đầu tư kinh doanh hiệu quả

Đối với các doanh nghiệp, việc lựa chọn phương tiện phù hợp và chiến lược đầu tư là điều quan trọng. Là doanh nghiệp tiên phong đưa taxi điện vào hoạt động, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty GSM cho hay, 33 đơn vị hợp tác với Xanh SM đều hoàn vốn nhanh hơn so với xe xăng, thậm chí, đã có đơn vị sử dụng xe điện hạ giá cước xuống 10.000 đồng/km, đây là mức giá cước chưa đơn vị taxi xăng nào có được. “Nếu không có doanh thu, không có lợi nhuận, thì các đơn vị sao có thể hạ giá cước ở mức như thế”, ông Thanh nói.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phương án đầu tư kinh doanh taxi điện, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, đầu tiên phải xác định được khu vực địa lý sử dụng, tệp khách là gì? Tại các khu du lịch, Xanh SM sẽ dùng xe lớn, cốp rộng vì có hành lý. Còn người dân địa phương có thể sẽ dùng xe nhỏ hơn. Còn tính chi phí đầu tư ban đầu của chiếc xe phải tính chi phí lăn bánh, quy đổi ngang với xe xăng cùng phân khúc mới ra giá trị đầu tư. Sau đó tính thêm chi phí vận hành của vòng đời xe thì mới thấy giá trị ở đâu hợp lý.

Hiện tại, có hai hình thức mua xe và thuê pin, hình thức thứ hai là mua cả xe lẫn pin. Tùy vào các đơn vị sẽ có những tính toán để phù hợp với chi phí đầu tư, ban đầu có đơn vị mua xe thuê pin, có những đơn vị thuê xe lẫn pin và sau đó chuyển sang mua luôn. Thậm chí có đơn vị như Lado đang tiến đến mua cả xe lẫn pin. Họ sẽ tính ra cái nào phù hợp hơn. Đặc biệt, các đối tác gần đây cũng đang lựa chọn mua cả xe lẫn pin chứ không thuê pin.

Còn về kinh nghiệm quản lý, Xanh SM tổ chức đào tạo và tái đào tạo cho lái xe để họ hiểu được giá trị của chiếc xe chứ không phải nhận xe là chạy luôn. Để giảm chi phí quản lý điều hành trực tiếp đến từng xế, hãng đã đầu tư vào công nghệ để kiểm soát mọi thứ bằng hệ thống, dữ liệu. Hiện các đơn hàng của Xanh SM đến từ ứng dụng chiếm hơn 70%, giúp giảm bớt rất nhiều các khâu như trực tổng đài, điều hành, lưu thông tin.

Tăng sự hấp dẫn của xe điện taxi

Ông Phan Thanh Uy, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, đã nhiều doanh nghiệp taxi chủ động đến văn phòng Hiệp hội để tham vấn, chủ động tiếp cận các công nghệ mới về xe điện. Thậm chí, có đơn vị đã lên kế hoạch đưa về cả xe công-ten-nơ chạy điện.

Tuy nhiên, theo ông Uy, với một doanh nghiệp vận tải, để tối ưu cho hoạt động vận tải có rất nhiều yếu tố, phương tiện là một trong số đó. Doanh nghiệp cần lựa chọn loại phương tiện phù hợp với đối tượng kinh doanh, có nơi đầu tư xe 4 chỗ mới hiệu quả nhưng có nơi phải đầu tư xe 7 chỗ. Ngoài ra, chi phí đầu tư phương tiện cũng cần hợp lý, tính toán sao cho sau 5-7 năm có thể thu hồi vốn. Chi phí tiêu thụ năng lượng trên mỗi km cũng được cân nhắc, so với xe xăng, chi phí tiêu thụ năng lượng của xe điện chỉ chiếm từ 25-30%, đây cũng là tính ưu việt của ô tô điện.

Để lựa chọn phương tiện, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc đến chi phí bảo dưỡng phương tiện, hiện nay, chi phí xe điện thấp hơn xe xăng do xe điện không cần phải thay dầu động cơ, dầu máy. Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe điện cũng cần lưu ý quan tâm đến nguồn phụ tùng thay thế cho phương tiện sao cho phổ biến với giá thành hợp lý mới có thể thu hút doanh nghiệp lựa chọn. "Khi có đầy đủ cơ sở hạ tầng, khung pháp lý và nguồn tài chính thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ đồng loạt thực hiện chuyển đổi", ông Uy nhận định.

Trong khi đó, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho rằng, khi doanh nghiệp là những người tiên phong chuyển đổi sang taxi điện, họ sẽ quan tâm về mặt tài chính có lợi hay không, còn phía Nhà nước sẽ thực hiện được cam kết giảm phát thải khí CO2. Do đó, bài toán chính sách đưa ra cần đảm bảo được sự cân bằng hài hoà giữa hai vấn đề này, Chính phủ cần có những chính sách để tạo đòn bẩy mạnh hơn thu hút doanh nghiệp tham gia chuyển đổi phương tiện xanh.

Tại tọa đàm, bên cạnh vệc mở rộng hệ thống trạm sạc, các doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ và khuyến khích từ Chính phủ thông qua các chính sách cụ thể và rõ ràng. Điều này sẽ giúp tăng cường sự hấp dẫn của xe điện trong thị trường taxi và thúc đẩy sự chuyển đổi sang phương tiện sạch và thân thiện với môi trường hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục