Kinh doanh tốt giúp Vietjet Air lọt vào top thương hiệu giá trị nhất

13:53' - 24/08/2018
BNEWS Kể từ khi cất cánh năm 2011, thương hiệu Vietjet đã mang đến sự thay đổi tích cực cho thị trường vận tải hàng không, đạt những tăng trưởng đột phá về cả doanh thu, lợi nhuận và lượng khách chuyên chở.
Ông Jay L. Lingeswara, Phó Giám đốc Thương mại Vietjet Air- nhận giải thưởng năm trong Top 40 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018. Ảnh:Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Đại diện Hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air) cho biết, Tạp chí Forbes vừa vinh danh 40 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018, bên cạnh những tên tuổi hàng đầu như Vinamilk, Viettel, Vingroup…, hãng hàng không thế hệ mới là Vietjet Air cũng vinh dự năm trong danh sách này.

Các doanh nghiệp được Forbes tôn vinh năm nay có tổng giá trị thương hiệu hơn 8 tỷ USD, tăng hơn 50% so với danh sách công bố năm 2017, một phần nhờ thị trường chứng khoán có sự tăng trưởng khá mạnh khiến cho PE trung bình (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của phần lớn các ngành đều tăng. Một số gương mặt mới xuất hiện là HDBank, Vinhomes, VNPT, Trung Nguyên…

Giá trị của các thương hiệu được đo lường theo phương pháp toàn cầu của Forbes, dựa trên sự minh bạch, công khai các số liệu tài chính. Theo Forbes, những thương hiệu giá trị nhất đều đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.

Thương hiệu Việt trẻ tuổi hơn cả là Vietjet Air. Kể từ khi cất cánh năm 2011, thương hiệu Vietjet đã mang đến sự thay đổi tích cực cho thị trường vận tải hàng không, đạt những tăng trưởng đột phá về cả doanh thu, lợi nhuận và lượng khách chuyên chở.

Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018 do Forbes bình chọn. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Theo báo cáo mới nhất về kết quả kinh của Vietjet Air, doanh thu vận tải hàng không quý 2 của Hãng đạt 8.588 tỷ đồng so với 5.648 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017 (tăng 52,05%); lợi nhuận vận tải hàng không trước thuế quý 2 của Vietjet Air đạt hơn 950 tỷ đồng so với 661 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017 (tăng 43,7%).

Trong đó tỷ trọng doanh thu phụ trợ đạt tới 24%, xấp xỉ 16 USD/khách, cao nhất từ trước tới nay. Trong khi tải cung ứng quý 2 của Hãng chỉ tăng 28% so với cùng kỳ do các hãng đều chủ động điều tiết tải khi giá xăng dầu tăng.

Cũng theo báo cáo kinh doanh của Hãng, trong quý 2/2018, Vietjet Air đã vận chuyển hơn 5,8 triệu hành khách tăng 28%; trong đó, 4,2 triệu khách nội địa tăng 12,7%, và hơn 1,6 triệu khách quốc tế tăng 96% so với cùng kỳ năm 2017.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu vận tải hàng không của Hãng đạt 16.478 tỷ đồng, tăng 52,6%. Lợi nhuận vận tải hàng không đạt 1.686 tỷ đồng, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2017, hoàn thành 56,2% kế hoạch năm 2018.

Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của đội bay, bao gồm cả máy bay hiện đại Airbus A321neo và việc mở rộng các đường bay dài hơn tới các nước Đông Bắc Á, các chuyến bay quốc tế thúc đẩy hoạt động bán suất ăn, đồ lưu niệm, hành lý… trên các chuyến bay, khiến doanh thu hoạt động phụ trợ trong nửa đầu năm 2018 đạt 3.807 tỷ đồng, tăng 50% so với nửa đầu năm 2017.

Điều đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2018, Vietjet Air tiếp tục dẫn đầu về lượng khách vận chuyển nội địa và là hãng hàng không có tổng số chuyến bay khai thác tăng trưởng tốt nhất với 59.944 chuyến bay, tăng gần 22%.

Theo kế hoạch, trong năm 2018, Vietjet Air sẽ nhận 17 tàu bay Airbus. Sáu tháng đầu năm 2018, Vietjet Air đã nhận 4 tàu bay Airbus A321. Dự kiến thời gian còn lại cả năm 2018, Hãng sẽ nhận tiếp 13 tàu bay. Từ đó, sáu tháng cuối năm dự báo Vietjet Air sẽ ghi nhận thêm doanh thu từ hoạt động chuyển giao tàu bay này.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, với kết quả hoạt động kinh doanh khả quan 6 tháng đầu năm và những bước chuẩn bị cho kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018, triển vọng Vietjet Air sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch 2018 là hoàn toàn có cơ sở./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục