Kinh nghiệm của Malaysia trong việc kiểm soát giá thịt gà

05:30' - 11/08/2022
BNEWS Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri cho biết, các biện pháp can thiệp của chính phủ nhằm đảm bảo nguồn cung an ninh lương thực đã có kết quả.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri cho biết, các biện pháp can thiệp của chính phủ nhằm đảm bảo nguồn cung an ninh lương thực đã có kết quả. Giá thịt gà bán trên thị trường hiện thấp hơn giá trần mà chính phủ quy định là 9,4 RM (khoảng 2,11 USD)/kg. Các biện pháp can thiệp bao gồm bãi bỏ giấy phép đã được phê duyệt, tạm dừng xuất khẩu thịt gà và tạo nguồn dự trữ cho thịt gà và cá.

Thông qua các biện pháp, ông Ismail cho biết, chính phủ lần đầu tiên cung cấp khoản trợ cấp lên tới 1,1 tỷ RM cho những người chăn nuôi gà để giảm bớt gánh nặng cũng như đảm bảo cung cấp đủ gà và trứng và đảm bảo ổn định giá cả.

Ông Ismail cũng nhấn mạnh rằng, bất chấp sự gián đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm trên thế giới, chính phủ vẫn cam kết quản lý tình trạng thiếu nguồn cung cấp thực phẩm mặc dù phải đối mặt với nhiều ràng buộc khác nhau. Malaysia đang nỗ lực đối phó với sự thao túng của những “bên trung gian” trong lĩnh vực nông nghiệp và chuỗi cung ứng thực phẩm gây ra lạm phát và tăng giá hàng hóa.

Ông Ismail cũng mong muốn Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm (MAFI) tiếp tục kiểm soát chuỗi cung ứng, phối hợp với các cơ quan trực thuộc Bộ như thành lập Trung tâm thu mua gạo và Trung tâm thu mua trái cây thông qua chợ của người nông dân và ngư dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Ismail cho biết, chính phủ đã thành lập Ủy ban chính phủ về Chính sách An ninh Lương thực Quốc gia, đưa ra chính sách an ninh lương thực toàn diện, đồng thời công bố Kế hoạch Hành động chính sách an ninh lương thực Quốc gia 2021-2025, trong đó tính đến các vấn đề và thách thức về an ninh lương thực.

Một số biện pháp và chiến lược định hướng về thương mại, sản xuất và tiêu dùng đã được chính phủ đưa ra nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm, vốn đạt 60 tỷ RM vào năm ngoái.

Các biện pháp này cũng nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án nông nghiệp thực phẩm của đất nước cũng như khuyến khích sự tham gia tích cực của các cơ quan chính phủ, các công ty liên kết với chính phủ (GLC), các công ty đầu tư liên kết với chính phủ (GLIC) và khu vực tư nhân trong chương trình nghị sự để đảm bảo an ninh lương thực của đất nước.

Chính phủ Malaysia cũng đảm bảo rằng vấn đề an ninh lương thực quốc gia luôn được quan tâm thông qua Ủy ban kỹ thuật giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực quốc gia và Lực lượng đặc nhiệm về chống lạm phát. Ông Ismail nói thêm rằng, MAFI với tư cách là nhà lãnh đạo của lĩnh vực nông thực phẩm, cần đảm bảo rằng mọi kế hoạch và chính sách bổ sung cho nhau để thúc đẩy tính bền vững và khả năng phục hồi của hệ thống nông sản thực phẩm.

Trong khi đó, chính phủ thông qua MAFI sẽ giới thiệu Chương trình Bảo hiểm Nông sản liên quan đến toàn bộ ngành nông sản như một phần của các biện pháp tăng cường hệ thống an ninh lương thực của đất nước.

Ngành trồng lúa và sản xuất gạo đã được chọn làm dự án thí điểm sẽ mang lại lợi ích cho 189.500 nông dân trồng lúa trước khi được mở rộng theo từng giai đoạn sang các ngành khác như thủy sản, cây trồng và các ngành khác của lương thực như ngành công nghiệp thực phẩm. 

Ông Ismail nói thêm: “Chương trình này nhằm mục đích giảm bớt các tác động tài chính do mất mùa sau các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt và hạn hán cũng như dịch bệnh bùng phát, đồng thời đảm bảo rằng nông dân trồng lúa sẽ được bồi thường trong trường hợp sản xuất lúa gạo bị gián đoạn do thiên tai hoặc dịch bệnh”.

Để hỗ trợ ngành trồng lúa và sản xuất gạo, thông qua ngân hàng nông nghiệp, Malaysia phân bổ 800 triệu RM cho cộng đồng nông nghiệp trong khuôn khổ Quỹ tài trợ nông lương thực phẩm để tăng sản lượng lương thực cho đất nước.

Từ ngày 1/6 vừa qua, Malaysia đã tạm ngừng xuất khẩu thịt gà và sắc lệnh này dự kiến kéo dài đến khi giá mặt hàng lương thực yêu thích của người Malaysia này và nguồn cung được ổn định trở lại.

Với quyết định này, Malaysia trở thành quốc gia mới nhất áp đặt hạn chế xuất khẩu lương thực, thực phẩm để đối phó với tình trạng giá cả tăng cao. Trước đó, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ, Indonesia tạm dừng xuất khẩu dầu cọ.

Malaysia là một trong những nước tiêu thụ nhiều thịt gà trên thế giới. Theo thống kê của tờ New Straits Times, mỗi người dân Malaysia trung bình 1 năm tiêu thụ khoảng 50 kg thịt gà, và thịt gà cũng chính là nguồn cung protein phổ biến nhất tại quốc gia Đông Nam Á này. Nhu cầu tiêu thụ gà của cả nước từ 1,8-2 triệu con/ngày.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, nguồn cung thiếu hụt đã khiến giá thịt gà tại đây tăng cao và buộc các nhà bán buôn và bán lẻ phải đặt giới hạn số lượng gà bán cho khách hàng. Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ Mydin, ông Ameer Ali Mydin, cho hay công ty của ông đã phải hạn chế bán thịt gà ở mức 2 con/khách hàng tại các cửa hàng của mình. Việc này xảy ra do các đơn đặt hàng thịt gà hàng tuần của Mydin đã giảm từ mức 100 tấn xuống còn 40 tấn.

Theo các chuyên gia, một trong các yếu tố chính ảnh hưởng tới nguồn cung thịt gà tại Malaysia chính là chi phí thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Ông Irwan Samad, chủ trang trại với khoảng 500 con gà ở Kota Tinggi cho biết, giá thức ăn cho gà đã tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm 2022. 

Trong khi đó, người chăn nuôi lại không thể nâng giá thịt gà do chính phủ đã áp mức giá trần 2,04 USD/kg. Vì vậy, nhiều người đã lựa chọn chỉ nuôi số lượng ít để tiết kiệm chi phí, từ đó dẫn tới tình trạng thiếu nguồn cung thịt gà./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục