Kinh nghiệm đắt giá từ thành phố "ma"

09:20' - 19/05/2025
BNEWS Trung Quốc xác định đô thị hóa là con đường tất yếu để hiện đại hóa đất nước và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế trong tương lai.

Trong quá trình này, Trung Quốc cũng phải đối mặt với bài toán nan giải là chống lãng phí cho nền kinh tế.

Trung Quốc là một trong những nước đang phát triển lớn có tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh nhất trên thế giới, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 17,92% năm 1978 lên 67% năm 2024. Cùng với quá trình đô thị hóa là sự ra đời của các khu đô thị, khu công nghiệp, thành phố mới, khu mới và cũng không tránh khỏi sự xuất hiện của những tòa nhà “ma”, những công trình “bộ mặt”, “hình tượng”, mà người dân Trung Quốc dùng để nói về những tòa nhà, công trình xây xong nhưng không được sử dụng.

Một số dự án xây dựng đô thị đầu tư rất lớn nhưng không được đưa vào sử dụng đã gây lãng phí lớn về tài chính, sức người, tài nguyên đất đai, thậm chí là ảnh hưởng tới sự tín nhiệm của chính quyền các cấp. Điều này đặt ra vấn đề về quy hoạch trong xây dựng đô thị. Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhấn mạnh: "Khảo sát một thành phố đầu tiên phải xem quy hoạch, khoa học trong quy hoạch là hiệu quả lớn nhất, sai lầm quy hoạch là lãng phí lớn nhất”.

Trên thực tế, quy hoạch sai lầm, quyết sách sai lầm trong phát triển đô thị đã xảy ra ở nhiều nơi ở Trung Quốc. Các nhà quản lý đô thị nước này nhận thấy quy hoạch đô thị cần vừa phải thể hiện tính khoa học và vừa phải xuất phát từ tình hình thực tế. Sức sống của thành phố không phải thể hiện trong phong trào xây dựng thành phố đầu tư lớn, mà là thể hiện trong sự tiếp nối văn hóa lịch sử của thành phố; không phải thể hiện trong ánh đèn neon rực rỡ, mà thể hiện trong quy hoạch khoa học để “trời mưa không ngập”, “tan tầm không tắc”.

Chính vì thế, tháng 2/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Một số ý kiến về việc tăng cường hơn nữa công tác quản lý, xây dựng, quy hoạch thành phố”. Văn bản này nhấn mạnh, kể từ khi Trung Quốc mới thành lập, đặc biệt là cải cách mở cửa đến nay, thành tựu đạt được trong quản lý, xây dựng, quy hoạch đô thị của Trung Quốc rất rõ rệt, pháp luật quy hoạch đô thị và cơ chế thực thi cơ bản được hình thành, đã phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tuy nhiên, trong quản lý, xây dựng, quy hoạch đô thị ở Trung Quốc còn tồn tại một số vấn đề nổi cộm như quy hoạch đô thị thiếu tính công khai, kiến trúc đô thị tham lớn, thiếu đặc sắc, xây dựng đô thị mù quáng theo đuổi mở rộng quy mô, vi phạm pháp luật trong xây dựng …

Để cải thiện công tác quản lý, xây dựng, quy hoạch đô thị, giải quyết những mâu thuẫn, văn bản trên yêu cầu các địa phương, bộ ngành… tăng cường công tác quy hoạch đô thị. Một là, xây dựng quy hoạch đô thị phải theo quy định của pháp luật.

Cải tiến phương pháp quy hoạch, tích hợp các quan niệm lấy con người làm gốc, tôn trọng tự nhiên, kế thừa lịch sử, carbon thấp, xanh hóa toàn bộ quá trình quy hoạch đô thị; tăng cường tính tiến lên, tính liên tục của quy hoạch; lên kế hoạch phát triển đô thị theo hướng điều phối tổng thể khu vực, thành thị và nông thôn; cải cách hoàn thiện thể chế quản lý quy hoạch đô thị, tăng cường kết nối quy hoạch tổng thể đô thị và quy hoạch tổng thể sử dụng đất.

Hai là, thực hiện nghiêm quy hoạch theo quy định của pháp luật, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy hoạch; hoàn thiện cơ chế tham gia xã hội, tăng cường giám sát xã hội đối với việc thực hiện quy hoạch; kiểm soát nghiêm ngặt việc thành lập các khu phát triển và khu đô thị mới, bất cứ khu nào không phù hợp với quy hoạch tổng thể đô thị và quy hoạch tổng thể sử dụng đất đai đều bị xử lý theo pháp luật.

Trung Quốc cũng kiên quyết ngăn chặn tình trạng đầu tư không hiệu quả. Ảnh minh họa: BNEWS
Ngoài vấn đề quy hoạch, để chống lãng phí trong quá trình phát triển và đô thị hóa, Trung Quốc cũng kiên quyết ngăn chặn tình trạng đầu tư không hiệu quả. Trong nhiều năm qua, ở Trung Quốc, đầu tư hiệu quả thấp, không hiệu quả đã gây ra những tác hại không nhỏ. Có địa phương vì theo đuổi thành tích ngắn hạn, tham gia vào các công trình “hình tượng”, khiến một lượng lớn vốn chảy vào các dự án hiệu quả kinh tế, xã hội thấp.

Dữ liệu cho thấy, tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm (ICOR)- thước đo chính về hiệu quả đầu tư của Trung Quốc năm 2008 là 2,84. Đến năm 2023 con số này đã tăng lên 9,44, cho thấy hiệu quả đầu tư của nước này đang giảm. Điều này cũng một phần liên quan đến việc xây dựng ồ ạt, phát triển bừa bãi ở một số khu vực của Trung Quốc trong những năm gần đây. Chính vì vậy, Báo cáo Công tác của Chính phủ Trung Quốc năm 2025 đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên quyết ngăn chặn đầu tư hiệu quả thấp và không hiệu quả.

Nhật báo kinh tế của Trung Quốc cho rằng để đầu tư hiệu quả trước hết cần phải có quyết sách khoa học. Trước khi đầu tư vào dự án, cần tiến hành nghiên cứu và luận chứng khả thi toàn diện, sâu sắc, nghiêm ngặt. Xem xét tổng hợp các yếu tố đa diện như nhu cầu thị trường, điều kiện tài nguyên, trình độ kỹ thuật, tác động môi trường, sử dụng các phương pháp và công cụ đánh giá khoa học để dự đoán và phân tích toàn diện lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội, lợi ích sinh thái của dự án. Tiếp đến là phải tăng cường giám sát.

Để thiết lập một hệ thống giám sát bao quát toàn bộ quá trình của dự án đầu tư, phải có các biện pháp giám sát nghiêm ngặt từ quy hoạch, phê duyệt, xây dựng đến vận hành dự án. Cơ quan phê duyệt, đơn vị thực hiện dự án phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của quá trình phê duyệt, thực hiện dự án; cơ quan giám sát phải thực hiện tốt trách nhiệm giám sát. 

Kế hoạch hành động 5 năm thực hiện chiến lược đô thị hóa kiểu mới được nước này ban hành năm 2024 nhằm thúc đẩy đổi mới đô thị một cách vững chắc đã yêu cầu phải tăng cường việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất đai. Đây cũng chính là một trong những biện pháp chính sách nhằm đưa đô thị hóa của Trung Quốc đang chuyển sang giai đoạn mới nâng cao chất lượng và hiệu quả toàn diện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục