Kinh nghiệm rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á

05:30' - 09/08/2017
BNEWS Các nền kinh tế khu vực Đông Á đã củng cố khả năng chống lại những tác động từ bên ngoài và thúc đẩy sự ổn định thông qua tăng cường hợp tác tài chính và tiền tệ.
Kinh nghiệm rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Ảnh: Reuters

Tháng 7/1997, cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở Thái Lan, sau đó nhanh chóng lan rộng ra các nền kinh tế châu Á như Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Trung Quốc v.v.

Về nguyên nhân nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, các học giả Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng mô hình tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế Đông Á không bền vững, vận dụng chính sách công nghiệp không phù hợp dẫn đến cơ cấu sản phẩm, doanh nghiệp và công nghiệp không hợp lý.

Năm 1994, nhà kinh tế Mỹ Paul Krugman cho đăng bài báo “Huyền thoại về sự thần kỳ của Đông Á” đã nêu ra nghi ngờ về mô hình tăng trưởng của bốn “con rồng châu Á”.

Các nước Đông Nam Á khác cũng đối mặt với vấn đề tương tự, tức nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào tích lũy vốn và đầu tư lao động thâm dụng, thiếu tiến bộ kiến thức và đổi mới công nghệ thực sự, cũng thiếu sự hỗ trợ của thể chế có hiệu quả.

Trong 20 năm qua, mô hình tăng trưởng này ở khu vực Đông Á mặc dù không có thay đổi cơ bản, nhưng các nước đã rút bài học, thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng hơn, không còn tiến bừa theo đuổi tăng trưởng cao tốc kinh tế, nhờ vậy mà tránh được khủng hoảng.

Một nguyên nhân khác là các nền kinh tế Đông Á quá phụ thuộc vào xuất khẩu, dễ bị tác động bởi nhu cầu bên ngoài. Trong 20 năm qua, các nền kinh tế Đông Á đã giảm sự phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài từ các nước châu Âu và Mỹ, vai trò của Trung Quốc là thị trường quan trọng của các nước châu Á đang tăng lên.

Bên cạnh đó, xung đột của “lý thuyết bộ ba bất khả khi”, tức là trong điều kiện nền kinh tế mở, chính sách tiền tệ độc lập, tỷ giá hối đoái cố định và tự do dòng vốn không thể thực hiện được đồng thời. Nhiều nhất chỉ có thể đồng thời thực hiện được hai mục tiêu, mà từ bỏ một mục tiêu khác để thực hiện mục đích điều tiết.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các nền kinh tế Đông Á đã phổ biến tăng cường quản lý dòng vốn quốc tế, điều chỉnh tác động tiêu cực của dòng vốn quốc tế đối với khu vực.

Mặt khác, vào thời điểm đó, khu vực này thiếu cơ chế điều phối kinh tế và cứu trợ khủng hoảng. Việc thi hành tỷ giá hối đoái chiếu theo đồng USD thiếu sự điều phối có hiệu quả tỷ giá hối đoái trong khu vực, làm trầm trọng thêm tác động của khủng hoảng đối với các nước trong khu vực.

Sau khi xảy ra khủng hoảng, các nước trong khu vực lần lượt phá giá đồng tiền, hình thành vòng tuần hoàn luẩn quẩn, khiến cuộc khủng hoảng tài chính càng lan rộng.

Sau cuộc khủng hoảng, cộng đồng quốc tế đã xuất hiện lời kêu gọi cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời khu vực Đông Á cũng đã khởi động tiến trình hợp tác tài chính trong khu vực.

Bên trong trụ sở của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters

Về vấn đề trên, trang mạng của trường nghiên cứu quốc tế RSIS thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore), mới đây đăng bài bình luận về việc ASEAN+3 (cơ chế hợp tác giữa 10 quốc gia Đông Nam Á và 3 quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) của tác giả Pradumna B. Rana, Phó giáo sư kiêm điều phối viên của Chương trình Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Đại học Công nghệ Nam Dương.

Sau cuộc khủng hoảng ASEAN+3 đã thiết lập Mạng lưới An toàn Tài chính Khu vực (RFSN), với hạt nhân là Sáng kiến Chiang Mai cho phép việc hoán đổi song phương giữa các Ngân hàng nhà nước của các quốc gia thành viên.

Một mạng lưới bao gồm 6 thoả thuận hoán đổi song phương trị giá 84 tỷ USD đã được thiết lập. Việc hoán đổi này nhằm bổ sung các thể chế quốc tế hiện có và được đưa ra với yêu cầu 90% số vốn vay phải được liên kết với một chương trình của IMF.

Sáng kiến hoán đổi song phương Chiang Mai không được các nước Đông Á sử dụng vào năm 2009, khi khu vực rơi vào cuộc khủng hoảng thắt chặt tín dụng do tài chính thế giới lao dốc.

Trên thực tế, Hàn Quốc và Singapore đã chọn tham gia việc hoán đổi với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này là do việc hoán đổi trong phạm vi Sáng kiến Chiang Mai là rất hạn chế, và không có một cơ chế giám sát quy mô khu vực để thúc đẩy.

Sau đó, ASEAN+3 đã thực hiện một số bước để tăng cường khả năng của RFSN bằng việc đa phương hoá các thoả thuận, cho phép việc rút vốn được thực hiện chỉ bằng một hợp đồng. Quy mô của quỹ khủng hoảng, với cái tên là Sáng kiến Đa phương Chiang Mai (CMIM), cũng đã được tăng lên tới 240 tỷ USD, trong đó 30% số vốn vay được phép không liên quan tới các chương trình của IMF.

Hai tổ chức này nên thống nhất phạm vi hoạt động của mình trước khi cuộc khủng hoảng ập tới. Phạm vi hợp tác giữa RFSN và IMF nên được xem xét lại. Trước hết, các nước ASEAN +3 muốn có hỗ trợ tài chính cần nộp hồ sơ cho cả IMF và CMIM. IMF và Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nên cùng phân tích và đánh giá.

Những năm trở lại đây, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, IMF đã ít bị mang tiếng xấu là đối xử không công bằng với các nước châu Á. IMF đã được tham gia các cuộc giám sát với ASEAN+3, cũng như các cuộc thảo luận của AMRO, mặc dù chưa có một cơ chế hỗ trợ kỹ thuật chính thức nào.

Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu những hoạt động hợp tác trên được đồng bộ hoá thông qua một biên bản ghi nhớ và một cơ chế hợp tác đồng bộ giữa ASEAN+3 và IMF. Việc này sẽ có lợi cho cả đôi bên. IMF không nên từ chối lời đề nghị này vì như vậy sẽ tạo ấn tượng về một tổ chức thiên về châu Âu, và làm dấy lên những nghi ngờ sẵn có về việc IMF từng không "mặn mà" lắm với châu Á.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục