Kinh tế Đông Âu trong vòng xoáy giá cả - tiền lương

08:08' - 16/06/2022
BNEWS Việc tăng lương ở mức hai con số vào thời điểm lạm phát cũng ở mức hai con số đang nổi lên như một thách thức chính sách tiếp theo của các ngân hàng trung ương tại Hungary và Ba Lan.
Việc tăng lương ở mức hai con số vào thời điểm lạm phát cũng ở mức hai con số đang nổi lên như một thách thức chính sách tiếp theo của các ngân hàng trung ương tại Hungary và Ba Lan, những nước đã không thể kiềm chế lạm phát dù tiến hành tăng lãi suất.

Tăng trưởng tiền lương tại khu vực tư nhân của Hungary trong quý I/2022 đã vượt trên mức dự báo năm 2022 của ngân hàng trung ương nước này. Tăng trưởng tiền lương doanh nghiệp tại Ba Lan cũng đã vượt trên dự báo của thị trường kể từ đầu năm.
 
Việc tăng lương tối thiểu, cắt giảm thuế đối với những người mới bắt đầu sự nghiệp và khoản tiền thưởng cho khu vực công trong khuôn khổ chi tiêu trước bầu cử đã giúp Thủ tướng Viktor Orban tái đắc cử vào tháng Tư, song lại làm trầm trọng thêm thách thức lạm phát của Hungary.

Với kế hoạch tăng lương tối thiểu gần 15% cho năm bầu cử 2023, Ba Lan dường như đang đứng trước tình trạng khó khăn tương tự, với một số nhà phân tích cho rằng nền kinh tế lớn nhất khu vực đang bị cuốn vào vòng xoáy giá cả - tiền lương.

Chuyên gia Liam Peach tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, có trụ sở tại London dự báo tỷ lệ lạm phát tại Ba Lan sẽ tăng trên 15% trong mùa Hè và ở mức hai con số cho đến ít nhất là quý II/2023.

Một cú sốc giá lương thực có thể xảy ra trong những tháng tới làm tăng nguy cơ lạm phát cao và kỳ vọng về tiền lương sẽ buộc các ngân hàng trung ương tại Đông Âu phải tăng lãi suất cao hơn so với kỳ vọng của thị trường hiện nay.

Ngân hàng trung ương Hungary cho biết đà tăng lương trong những tháng tới sẽ là một trong những yếu tố then chốt quyết định thời gian cũng như mức độ của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng này.

Trong khi mức lương của Hungary vẫn thấp hơn nhiều so với các nước Tây Âu, một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Đức đã chỉ ra rằng việc tăng lương mạnh mẽ đang nổi lên như một mối quan tâm chính của các công ty Đức tại Hungary. Các công ty Đức đã dự kiến mức tăng lương trung bình gần 10% trong năm nay, mức cao kỷ lục.

Mercedes-Benz cho biết họ sẽ tăng lương tại các nhà máy ở Hungary kể từ tháng Bảy theo thỏa thuận năm 2020, trong khi đối thủ Audi cho biết đã tăng lương trung bình hơn 33% cho công nhân của hãng tại Hungary trong ba năm qua.

Thách thức về tiền lương tại Hungary đang ngày càng trầm trọng, với việc nhân viên được trả lương cao hơn đáng kể khi nhận một công việc mới tại một công ty khác do thiếu lao động. Khoảng 30% người lao động cho biết họ đang cân nhắc việc chuyển đổi công việc và điều này gây ra mối lo ngại đối với những chủ doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục