Kinh tế Đông Nam Á cảm nhận “sức nóng” từ căng thẳng Nga-Ukraine

05:30' - 29/03/2022
BNEWS Cô Jia Ruiying chuyển tới Singapore cách đây hơn hai năm để thành lập doanh nghiệp, nhưng sau đó đại dịch COVID-19 ập đến.
Giờ đây, với vai trò là chủ sở hữu của siêu thị Nga duy nhất tại Singapore, cô đang phải đối mặt với một loạt thách thức khác.

Siêu thị Nga, nơi có nhiều loại thực phẩm và đồ uống từ khắp Đông Âu, đã không có một lô hàng nào kể từ 4 ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine ngày 24/2.

Cô Jia nói: “Các sản phẩm của chúng tôi từ các nhà cung cấp Ukraine có thể sẽ phải ngừng lại. Điều này xảy ra vào thời điểm nhiều người Đông Âu sống ở nước ngoài đang tìm kiếm một chút thoải mái trong bối cảnh tình hình khó khăn ở quê nhà. Khi căng thẳng bắt đầu, nhiều người Ukraine, Nga và Belarus hoảng sợ và đến cửa hàng của tôi, lo lắng không thể mua được thực phẩm họ muốn cho gia đình ở đây. Do đó, họ mua nhiều những sản phẩm này từ cửa hàng và dự trữ ở nhà”.

Do cuộc xung đột, cô Jia đang lên kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình “tới nhiều nơi ở Đông Âu để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào trong khâu vận chuyển hàng hóa do căng thẳng Nga-Ukraine”. Trên hết, quyết định của các đồng minh phương Tây nhằm loại một số ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT đang khiến cả cô và khách hàng của mình gặp khó khăn khi thanh toán hóa đơn.

Cô nói: “Một số khách hàng đang gặp khó khăn khi rút tiền từ ngân hàng của họ do các lệnh trừng phạt. Sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với giao dịch SWIFT ở Nga, chúng tôi gặp khó khăn trong giao dịch”.

Giống như các nhà điều hành kinh doanh khác ở Đông Nam Á, cô Jia đã hy vọng có cơ hội phục hồi sau sự sụp đổ kinh tế do COVID-19. Trước đại dịch, các doanh nghiệp đã mở rộng hoạt động trong khu vực. Các công ty như thương hiệu đồ thể thao Nike, Adidas và Puma đã chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á để giúp cắt giảm chi phí sản xuất.

Căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc cũng thúc đẩy sự dịch chuyển này và trong năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đông Nam Á đạt kỷ lục 182 tỷ USD, theo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo công ty dịch vụ tài chính KPMG: “Ngày càng nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất sang những nơi có chi phí thấp hơn như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam”.

Đông Nam Á mua phần lớn dầu thô từ Trung Đông và các khu vực của châu Phi và do đó, có lẽ ít bị tổn thương hơn các quốc gia khác bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, giá dầu tăng đột biến dẫn tới giá xăng tăng mạnh.

Vandana Hari, chuyên gia năng lượng toàn cầu và là người sáng lập cơ quan nghiên cứu Vanda Insights, nói: “Không quan trọng liệu Nga có áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu hay không. Bất kỳ loại dầu thô nào bạn đang mua từ thị trường quốc tế, bạn đang phải trả mức giá cao nhất trong vòng 10 năm cho loại dầu thô đó. Tất cả quốc gia đang bị ảnh hưởng”.

Justin Quek, một nhân viên bất động sản, cho biết anh đã cảm nhận rõ tác động từ giá xăng khi anh phải lái xe 80 km mỗi ngày để đưa khách hàng đi vòng quanh Singapore. Anh nói: “Về cơ bản, chiếc xe giống như văn phòng di động của tôi”.

Anh Quek hiện đang phải trả thêm 30 đô la Singapore cho mỗi lần bơm đầy xăng xe cứ sau 4-5 ngày và chi phí nhiên liệu chiếm từ 20-25% ngân sách hàng tháng của anh. Do đó, anh đang cân nhắc các lựa chọn tiết kiệm nhiên liệu hơn như xe điện mặc dù đó cũng là một lựa chọn tốn kém.

Hiện tại, chi phí xăng cao đang làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh. Đây là một thời khắc nhạy cảm đối với các quốc gia Đông Nam Á và công dân của họ, cô Hari nói: “Đại đa số các quốc gia ở đây là các nền kinh tế mới nổi. Các gia đình có thu nhập trung bình và thu nhập thấp hơn chiếm một tỷ lệ lớn trong dân số. Đây là những người chịu ảnh hưởng lớn bởi chi phí tăng”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục