Kinh tế Đông Nam Á sẽ phải “vượt khó” trong năm 2025

05:30' - 12/01/2025
BNEWS Sau một thời kỳ suy giảm, xuất khẩu hàng hóa của Đông Nam Á đã gia tăng trong năm 2024 nhờ nhu cầu phục hồi từ các nền kinh tế lớn đối với hàng điện tử và những loại hàng hóa đầu vào cho sản xuất.

Theo bài phân tích mới đây trên trang Fulcrum, kết thúc năm 2024, nền kinh tế Đông Nam Á đã có những dấu hiệu phục hồi rõ ràng sau đại dịch COVID-19 kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, kinh tế Đông Nam Á được dự báo sẽ vấp phải những trở ngại nghiêm trọng hơn và các chính phủ và doanh nghiệp trong khu vực sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Theo bài phân tích trên, mặc dù lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 có thể chỉ còn là ký ức xa vời đối với nhiều người, nhưng tác động của chúng vẫn tiếp tục định hình quá trình phục hồi ở Đông Nam Á trong năm 2024. Theo Báo cáo triển vọng tháng 9/2024 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Đông Nam Á ước đạt tăng trưởng 4,5% năm 2024 và 4,7% năm 2025, trong đó Philippines, Việt Nam và Campuchia được xác định là ba nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất.

Bốn nền kinh tế lớn của khu vực là Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines hiện đã quay trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch (năm 2019), trong khi các thành viên còn lại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm Campuchia, Lào và Myanmar (CLM), dường như cũng duy trì được mức tăng trưởng, dù thấp hơn.

Kết quả tích cực chung này đối với khu vực là do nhu cầu trong nước và bên ngoài phục hồi, thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. ADB dự kiến tiêu dùng tư nhân sẽ tiếp tục mở rộng tại các thị trường lớn ở Đông Nam Á là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Malaysia, nhờ chi tiêu bán lẻ cho hàng hóa lâu bền tăng trở lại. Giá cả ổn định và du lịch tăng cũng góp phần củng cố niềm tin của người tiêu dùng.

 

Sau một thời kỳ suy giảm, xuất khẩu hàng hóa của khu vực đã gia tăng vào năm 2024 nhờ nhu cầu phục hồi từ các nền kinh tế lớn (đặc biệt là Mỹ) đối với hàng điện tử và những loại hàng hóa đầu vào cho sản xuất khác. Nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với chip trí tuệ nhân tạo (AI) đã đem lại sự phục hồi mạnh mẽ cho ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn, thúc đẩy hiệu suất sản xuất chung. Xu hướng tích cực này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu công nghệ cao trong khu vực trong thời gian tới.

Lượng khách du lịch đã gia tăng, một số quốc gia ghi nhận số du khách nước ngoài vượt qua mức trước đại dịch. Ngành du lịch dự kiến sẽ sớm phục hồi hoàn toàn sau giai đoạn suy giảm do đại dịch gây ra ở hầu hết các quốc gia, với sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc tại các thị trường chính như Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Bất chấp triển vọng chung tích cực, vẫn có nguy cơ gia tăng rủi ro và sự không chắc chắn ảnh hưởng đến nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Những điều này bao gồm hậu quả của các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine và sự gia tăng bất đồng thương mại Mỹ-Trung, dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng.

Hơn cả các cuộc xung đột địa chính trị, chính cạnh tranh thương mại và công nghệ Mỹ-Trung đang có tác động gián tiếp lớn nhất đến Đông Nam Á. Tuy nhiên, một số nước trong khu vực đã tận dụng được điều này, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên quan đến việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực công nghệ trung bình đến cao, chẳng hạn như mặt hàng điện, điện tử.

Nhưng căng thẳng địa chính trị leo thang hơn nữa có thể đảo ngược những lợi ích này, khi chúng ảnh hưởng bất lợi đến các chính sách thương mại, sự liên kết an ninh và sự ổn định của khu vực. Nếu lời cảnh báo tăng thuế quan mới đối với Trung Quốc và các đối tác thương mại khác của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở thành hiện thực, điều này có thể làm tăng thêm sự phân nhánh của các chuỗi cung ứng, dẫn đến mất hiệu quả, tăng chi phí cho người tiêu dùng và nhà sản xuất, và tăng trưởng chậm hơn.

Trong kịch bản một cuộc chiến thương mại toàn diện nổ ra, nó có thể tác động tiêu cực tới thương mại và tăng trưởng thế giới, làm chệch hướng triển vọng tích cực trong ngắn hạn của khu vực.

Một số rủi ro ngắn hạn và dài hạn khác đã gia tăng vào năm 2024 có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế trong năm 2025 và sau đó. Trong khi mức nợ công của khu vực nhìn chung đã ổn định (trừ Lào) sau sự bùng nổ từ chi tiêu liên quan đến đại dịch, nợ tư nhân, đặc biệt là nợ hộ gia đình, đã tăng đáng kể. Ví dụ, nợ hộ gia đình tính theo tỷ lệ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là trên 80% ở Malaysia và Thái Lan.

Hơn nữa, Đông Nam Á phải đối mặt với rủi ro ngày càng tăng từ các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng và thường xuyên hơn, đi kèm những hiện tượng thời tiết cực đoan. Những yếu tố bất lợi đó có thể làm giảm tới 1/3 GDP của khu vực vào năm 2050. Các quốc gia CLM nghèo hơn sẽ bị ảnh hưởng bất cân xứng, do họ tương đối thiếu sự chuẩn bị và phụ thuộc nhiều hơn vào những lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu như nông nghiệp và thủy sản.

Tốc độ chuyển đổi công nghệ nhanh chóng, đặc biệt là số hóa và AI, sẽ thúc đẩy tăng năng suất và tạo ra việc làm được trả lương cao trong dài hạn, nhưng sẽ có chi phí điều chỉnh trong ngắn hạn, đặc biệt là thông qua việc thay thế những lao động có kỹ năng thấp. Theo nhiều ước tính, có tới một nửa số công việc kỹ năng thấp có thể bị đe dọa. Việc đào tạo lại lực lượng lao động và giải quyết các năng lực công nghệ không đồng đều sẽ là cần thiết để giảm thiểu chi phí ngắn hạn và sự gia tăng bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia.

Trong khi đó, dân số của các quốc gia Đông Nam Á đang già đi nhưng không phải tất cả đều ở cùng một tốc độ. Dân số trong độ tuổi lao động ở các quốc gia CLM vẫn chưa đạt đỉnh, trong khi dân số ở những quốc gia thành viên ASEAN khác đang giảm. Những xu hướng nhân khẩu học khác biệt này đặt ra thách thức và cơ hội, do lực lượng lao động đang mở rộng và thu hẹp.

Việc tự do hóa tính di động của lao động xuyên biên giới sẽ cho phép lực lượng lao động đang mở rộng, vốn đang ở các quốc gia nghèo hơn, tìm được việc làm ở những quốc gia có lực lượng lao động đang thu hẹp, hỗ trợ tăng trưởng ở cả hai nhóm quốc gia này. Những chuyển đổi công nghệ thay thế lao động, vốn ban đầu sẽ tác động đến những người lao động có kỹ năng thấp, sẽ làm tăng nhu cầu về tính di động hơn nữa của lao động.

Mặc dù các nước Đông Nam Á có thể làm nhiều điều để giảm thiểu tác động dự kiến của biến đổi khí hậu, công nghệ và nhân khẩu học, nhưng điều này là chưa đủ trong bối cảnh tác động lan tỏa từ xung đột thương mại Mỹ-Trung gia tăng. Xung đột thương mại cũng đang ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi xanh và tiến bộ công nghệ của khu vực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục