Kinh tế Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại

05:30' - 26/05/2018
BNEWS Vấn đề ở đây không chỉ là một hiện tượng theo chu kỳ mà là sự bắt đầu của một thời kỳ suy giảm dài hạn liên quan tới cơ cấu.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc họp ở Seoul ngày 14/5. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo Thời báo Hàn Quốc số ra mới đây, nền kinh tế nước này có khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới. Phần lớn các chỉ số kinh tế, trong đó có xuất khẩu và đầu tư, đang trên đà giảm sút, báo hiệu nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này sẽ đối mặt với một chặng đường gồ ghề.

Vấn đề ở đây không chỉ là một hiện tượng theo chu kỳ mà là sự bắt đầu của một thời kỳ suy giảm dài hạn liên quan tới cơ cấu.

Điều đó có nghĩa là nếu không có cải cách về cơ cấu, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc sẽ giảm dần, theo chân Nhật Bản - nước láng giềng đã trải qua thời kỳ suy giảm kinh tế trong nhiều thập kỷ. Nói một cách khác, tiềm năng tăng trưởng GDP có thể tiếp tục giảm trong những năm tới.

Trong báo cáo tháng 2 vừa rồi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo tỷ lệ tăng trưởng của Hàn Quốc sẽ dao động ở mức thấp 2% trong những năm 20 của thế kỷ 21 và giảm xuống còn 1% trong những năm 30, do sản lượng thấp và những vấn đề trên thị trường lao động nước này. Tổ chức này dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Hàn Quốc sẽ giảm xuống còn 3% năm 2018 và 2,9% năm 2019. IMF cũng cho rằng con số này thậm chí sẽ còn giảm sâu tới 2,6% năm 2022.

Những mối lo ngại của IMF về tiềm năng tăng trưởng được nhiều nhà kinh tế chia sẻ. Sohn Sung-won, Giáo sư kinh tế của trường Đại học bang California, nói: “Sản lượng thấp bấy lâu nay là một vấn đề đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Việc giảm đáng kể các quy định của chính phủ và dành ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ để họ thuê nhân công sẽ giúp nâng tăng trưởng kinh tế và sản lượng”.

Antonio Fatas, Giáo sư kinh tế của trường INSEAD Singapore Campus, thì rút ra kết luận: "Cách duy nhất để chấm dứt đà giảm sút này là cải cách và mở cửa các ngành có sản lượng cực thấp. Còn trong các ngành hoạt động khởi sắc hơn mà Hàn Quốc đang đi đầu, khó có thể thấy tăng trưởng sản lượng lớn hơn 1% hay 1,5%. Hàn Quốc cần nỗ lực để đuổi kịp các nước trong các ngành khác".

Một trong những vấn đề có tính sống còn ở đây là cách thức nâng sản lượng bằng cách thúc đẩy sử dụng các lao động được đào tạo tốt và tận dùng hết nguồn nhân lực của Hàn Quốc. Katrina Ell, một nhà kinh tế làm việc cho công ty phân tích Moody's Analytics, gợi ý: “Việc không sử dụng đúng những lao động trẻ dẫn tới sự xói mòn nguồn nhân lực và cuối cùng bóp nghẹt tiềm năng của nền kinh tế”.

James Rooney, Giáo sư về tài chính quốc tế của trường Đại học Sogang, cũng cho rằng Hàn Quốc có lực lượng lao động chưa được tận dụng hết. 

Theo quan điểm của vị giáo sư này, Hàn Quốc sẽ không thể giải quyết bất kể vấn đề gì nếu không có các giải pháp về sử dụng lao động. Ông giải thích nhu cầu lao động lành nghề, phù hợp của Hàn Quốc vẫn còn đó song nguồn cung cấp lao động có chất lượng, được đào tạo bài bản lại đang thiếu, và đó không chỉ là do thiếu người mà còn do thiếu người tài.

 "Các công ty Hàn Quốc rất yếu trong việc tìm, sử dụng và phát triển các tài năng sẵn có, bởi nhiều lý do trong đó có sự quản lý yếu kém, không nhìn xa trông rộng, các quy định và các rào cản kỹ thuật đối với lao động, các điều kiện xã hội, quan điểm về cấp bậc và những lý do khác", ông giải thích.

Ông cũng chỉ ra rằng đó là những vấn đề kinh tế cấp thiết nhất mà Tổng thống Moon Jae-in và Chính phủ của ông phải giải quyết. "Dự báo tăng trưởng GDP của IMF không làm tôi ngạc nhiên, và nếu không có những sự thay đổi thực sự để giải quyết các vấn đề mà tôi đề cập ở trên thì tôi có thể tưởng tượng ra kịch bản kinh tế mà IMF đưa ra sẽ trở thành sự thật”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục