Kinh tế Iran trước khả năng Mỹ tái áp dụng trừng phạt (Phần 2)

06:30' - 26/06/2018
BNEWS Ngân hàng trung ương Iran cần thực hiện một cuộc cải tổ hoàn chỉnh hệ thống ngân hàng, bao gồm việc tái cơ cấu các cơ sở không có lãi và hoạt động yếu kém.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: EPA

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các khoản nợ xấu chiếm 11% các khoản vay trong tháng 6/2017 và các ngân hàng có vốn hóa yếu. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng phải đối mặt với chi phí hoạt động rất cao (chiếm 90% doanh thu trong tháng 3/2016), chính vì thế hệ thống ngân hàng Iran được xem là một trong những hệ thống kém hiệu quả nhất trong số các quốc gia mới nổi.

Các chi phí cao này chủ yếu là do lãi suất rất cao, gần 6%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn một năm. Nguyên nhân là do chính sách tiền tệ Iran (được đưa ra từ năm 2013) hiện rất hạn chế và thiếu lòng tin trong một hệ thống ngân hàng có “cấu trúc rất mong manh”.

Đặc biệt, hệ thống ngân hàng Iran bị suy yếu do sự hấp thụ tài sản của các tổ chức ngân hàng bất hợp pháp trước đây. Tuy vậy gần đây, các tổ chức phi pháp này đã bị phá sản hoặc bị Ngân hàng trung ương Iran đóng cửa.

Thế nhưng, Ngân hàng trung ương Iran cần thực hiện một cuộc cải tổ hoàn chỉnh hệ thống ngân hàng, bao gồm việc tái cơ cấu các cơ sở không có lãi và hoạt động yếu kém. Về tổng thể, tương tự như những gì mà ở nhiều nước công nghiệp và mới nổi đã thực hiện trong những năm gần đây, việc cần thiết phải tái cơ cấu ngành ngân hàng để cung cấp cho Iran các phương tiện tài chính tài trợ cho các dự án công nghiệp tham vọng hơn.

Bài viết đề xuất rằng Iran nên làm nhiều hơn để hỗ trợ khu vực tư nhân. Lĩnh vực này, kể từ sau quá trình quốc hữu hóa năm 1980, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, vào khoảng 20% nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực tư nhân này đặc biệt “kiên cường” và Iran có nhiều doanh nhân “thực sự tốt”. Chính phủ Hassan Rouhani, kể từ khi được bầu vào năm 2013, thường đề cập đến nhu cầu tư nhân hóa nền kinh tế Iran. 

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố làm cho việc tư nhân hóa tài sản trong khu vực công và công-tư rất phức tạp. 97% các công ty tư nhân ở Iran là rất nhỏ, thường ít hơn năm nhân viên. Hầu hết trong số họ là các doanh nghiệp gia đình. Song sự thiếu lòng tin trong các tổ chức (ngân hàng, hệ thống tư pháp, hệ thống thuế) có lẽ là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sự tăng trưởng của các công ty này.

Nhận thức của hầu hết các doanh nghiệp khu vực tư nhân là các tổ chức này không hiệu quả và chỉ làm việc cho một số "nhóm lợi ích” hay có “quan hệ tốt". Trong những điều kiện như thế, các công ty này thiếu các ưu đãi hữu hình để phát triển và thường đặt ra các nghi vấn “tại sao phải tạo ra nhiều nguy cơ khi liên kết với các nhà đầu tư khác?” vì họ cho rằng do sự kém hiệu quả của hệ thống tư pháp, họ sẽ không thể kháng cáo trong trường hợp xung đột với các đối tác mới này.

Các nhà chức trách Iran phải thực sự làm việc theo hai hướng. Một mặt, họ cần cải cách cơ cấu để làm cho chức năng của các tổ chức này hiệu quả và công bằng hơn. Ở một khía cạnh khác, các doanh nghiệp ở Iran “có thể đang phóng đại” mức độ tham nhũng ở đất nước của họ.

Ví dụ, Iran đứng thứ 124 trên 190 quốc gia trong bảng xếp hạng Kinh doanh 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB) về tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh. Điều đó chứng tỏ rằng có nhiều hạn chế ở Iran về phát triển các doanh nghiệp.

Có nhiều doanh nghiệp Iran cho rằng môi trường kinh doanh ở đây là "tồi tệ nhất" trên thế giới. Do đó, các cơ quan chức năng cũng cần hành động để thay đổi nhận thức của các thành viên khu vực tư nhân.

Hơn nữa, ở Iran đang tồn tại một nỗi sợ hãi thực sự đối với các doanh nghiệp, đó là nguy cơ quốc hữu hóa tài sản của họ. Đây là một nỗi sợ rõ ràng - một “di sản” còn dai dẳng giống như quá trình quốc hữu hóa lớn sau cuộc cách mạng Iran. Do đó, những doanh nghiệp này muốn có nhiều sự bảo đảm hơn về quyền sở hữu của họ.

Sự phát triển của khu vực tư nhân Iran cũng có thể có tác động tích cực đến động lực phát triển xã hội tại Iran bởi các nhà quản lý của những doanh nghiệp gia đình đang đề cập đến nhiều giá trị liên quan đến tầm nhìn "hiện đại" về hoạt động kinh tế. Điều này đặc biệt đúng với mức độ ưu tiên cho năng lực của các nhân viên, bình đẳng giới, hoặc nhiều mối quan hệ "cân bằng" giữa cha mẹ và trẻ em.

Điều quan trọng là những vấn đề kinh tế mà Iran đang đối mặt ngày nay vẫn là các vấn đề kinh điển thường gặp phải ở nhiều nền kinh tế mới nổi. Nền kinh tế Iran có nhiều tiềm năng để thành công trong việc bắt kịp công nghệ do trình độ giáo dục khoa học ở mức trung bình cao và sự tồn tại của các doanh nhân "thực sự".

Việc tái áp dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ tạo ra nhiều hơn “những điều cần thiết mà Iran cần phải đối mặt” và trong điều kiện này, Iran cần thúc đẩy các cải cách có chiều sâu để tự nhận ra những tiềm năng vốn có của mình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục