Kinh tế Mỹ đang phục hồi hay phát triển quá nóng?

05:30' - 11/05/2021
BNEWS Theo tạp chí Project Syndicate, những tin tức kinh tế và tài chính ở Mỹ gần đây bị chi phối bởi những lo ngại về vấn đề lạm phát.

Kênh tin tức truyền hình cáp CNBC dẫn lời nhà phân tích Jim Paulsen của tập đoàn Leuthold Group có trụ sởở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, nói rằng: "Lạm phát không thể kiểm soát là rủi ro lớn nhất mà các nhà đầu tư phải đối mặt".

Trong khi đó, chuyên gia Robert Hackett của Fortune nhận định, là một công cụ tiềm năng để chống lạm phát, "thời điểm tỏa sáng của Bitcoin đang đến rất nhanh".

Theo US News và World Report, có rất nhiều lời bàn tán về rủi ro lạm phát trong năm 2021, khi có những quan ngại về chi tiêu chính phủ tăng cao và sự phục hồi giá cả gần đây khiến một số nhà đầu tư lo ngại rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong một thời gian.

Theo bài viết, sau khi tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 33,4% và 4,3% trong quý III và quý IV/2020 và 6,4% trong quý I/2021, nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi hoàn toàn. Tốc độ tăng trưởng trong quý II/2021 được dự đoán sẽ đạt ít nhất 8% và có thể còn cao hơn.

Điều này có nghĩa là kinh tế Mỹ sẽ hoàn toàn trở lại mức sản xuất như trước thời đại dịch COVID-19 vào quý III hoặc quý IV/2021.

Trong bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi lạm phát lõi (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) tăng 0,4 điểm phần trăm trong tháng qua.

Tỷ lệ đó có thể cho thấy mức độ lạm phát hàng năm gần tới 5%. Tuy nhiên, nhìn lại trong 12 tháng qua, tỷ lệ lạm phát cơ bản (được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng) chỉ là 2,3%, phù hợp với mục tiêu từ 2-2,5% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Câu hỏi đặt ra không phải là liệu năm nay có lạm phát hay không, mà là liệu có phải nền kinh tế Mỹ đang phát triển "quá nóng" hay không? Dù vậy, nhiều khả năng điều này sẽ không xảy ra. Số lượng mà sản lượng kinh tế Mỹ trong năm 2021 vượt quá sản lượng tiềm năng sẽ nhỏ hơn 0.

Với những tuyên bố đã đưa ra cho đến thời điểm này, Fed sẽ không cho phép một vòng xoáy giá cả-tiền lương dẫn đến các rủi ro lạm phát. Triển vọng cho năm 2021 và xa hơn là lạm phát sẽ chỉở trong phạm vi mục tiêu mà Fed đã đề ra, thay vì liên tục bị sụt giảm trong suốt 13 năm qua.

Hơn nữa, kinh tế Mỹ đang phục hồi từ sự suy thoái do đại dịch với sự thay đổi cân bằng giữa các lĩnh vực. Chi tiêu cho hàng hóa lâu bền hiện chiếm thêm 1,7 điểm phần trăm GDP so với mức năm 2019 và chi tiêu cho xây dựng nhà ở đang ở mức cao hơn 0,5 điểm so với tỷ lệ năm 2019.

Đồng thời, chi tiêu kinh doanh cho xây dựng và chi tiêu tiêu dùng cho năng lượng đều thấp hơn 0,5 điểm so với tỷ lệ năm 2019. Trong khi đó, chi tiêu cho dịch vụ (khách sạn, giải trí và giao thông vận tải) thấp hơn 2,2 điểm so với năm 2019.

Những động lực trong các lĩnh vực này sẽ là những yếu tố quan trọng nhất quyết định vấn đề lạm phát trong năm nay. Đến cuối năm 2021, khoảng 4% tổng số người lao động sẽ không chỉ chuyển sang công việc mới mà còn chuyển sang các lĩnh vực hoàn toàn khác.

Trong một nền kinh tế mà các doanh nghiệp rất hiếm khi cắt giảm lương danh nghĩa, việc kéo người lao động từ các ngành có nhu cầu tương đối thấp sang các ngành có nhu cầu cao hơn sẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng lương để khuyến khích người lao động nhảy việc.

Nhưng chúng ta không thể biết việc sắp xếp lại này sẽ gây ra mức độ rủi ro lạm phát như thế nào, vì chúng ta chưa thực sự chứng kiến bất cứ điều gì giống như vậy trước đây. Các nhà kinh tế sẽ có nhiều điều để tìm hiểu trong năm nay về độ co giãn ngắn hạn của nguồn cung việc làm.

Tuy nhiên, cần phải nói rõ một điều là lạm phát gia tăng trong năm nay không có gì đáng lo ngại. Xét cho cùng, tăng lương và giá cả là một phần thiết yếu của việc tái cân bằng nền kinh tế.

Sản lượng thực tế, tiền lương thực tế và giá trị tài sản thực tế đều sẽ cao hơn do lạm phát năm nay, trong khi mức giá sẽ vẫn thấp hơn nhiều so với mức mà Fed đã cố gắng đạt được đối với mục tiêu lạm phát trong nhiều năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, kể từ thời kỳ Đại Suy thoái.

Mặc dù một số nhà bình luận lo ngại rằng nước Mỹ có thể quay trở lại thời kỳ những năm 70 của thế kỷ XX, nhưng điều này rất khó xảy ra. Tình trạng lạm phát kéo dài của thập kỷ đó diễn ra sau một "cơn bão" chấn động và trở nên trầm trọng hơn bởi phản ứng mâu thuẫn và bối rối của Fed dưới thời cựu Chủ tịch Arthur Burns.

Tuy nhiên, sự lãnh đạo của Fed ngày nay rất khác và không có "cơn bão" hoàn hảo nào với những cú sốc lặp đi lặp lại như hiệu ứng của cuộc chiến tranh Yom Kippur, cách mạng Hồi giáo ở Iran hay sự giảm tốc tăng trưởng năng suất những năm 70 của thế kỷ XX./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục