Kinh tế Mỹ khó có thể phục hồi nhanh chóng

13:30' - 16/05/2020
BNEWS Các số liệu kinh tế mới công bố cho thấy kinh tế Mỹ đang đối mặt với những khó khăn lớn và có thể không phục hồi nhanh chóng.
Các số liệu kinh tế mới công bố cho thấy kinh tế Mỹ đang đối mặt với những khó khăn lớn và có thể không phục hồi nhanh chóng kể cả khi Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đã được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Số liệu về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ được công bố ngày 15/5 cho thấy sự giảm sút kỷ lục trong tháng Tư, tháng đầu tiên thực hiện biện pháp phong tỏa trong cả tháng, khi dịch bệnh đã khiến gần 86.000 người Mỹ tử vong và khoảng 36,5 triệu lao động của nền kinh tế lớn nhất thế giới này mất việc làm.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ ở nước này giảm 16,4% trong tháng Tư, sau khi đã giảm 8,3% trong tháng Ba, mức giảm mạnh nhất theo tháng kể từ năm 1992. Sự sụt giảm này đã đảo ngược đà tăng trưởng trong nhiều năm và đưa doanh số bán lẻ về gần mức của tháng 8/2012.
Doanh số bán các sản phẩm phụ thuộc vào lượng khách hàng tại cửa hàng thực tế giảm mạnh nhất, như quần áo giảm 78,8%, đồ điện tử và gia dụng (60,6%) và đồ nội thất (58,7%). Trong khi đó, doanh số bán lẻ trực tuyến là một trong những điểm sáng duy nhất, với mức tăng trưởng 8,4%.
Về chuỗi cung ứng, chỉ số sản lượng công nghiệp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm kỷ lục là 11,2% trong tháng Tư, mức giảm hàng tháng mạnh nhất trong lịch sử 101 năm của nước Mỹ.
Lĩnh vực sản xuất ô tô chịu tác động mạnh nhất, giảm hơn 70%, trong khi sản lượng chế tạo chung giảm 13,8%. 
Trong khi đó, một khảo sát trên toàn quốc cho thấy đa phần các doanh nghiệp dịch vụ và chế tạo dự kiến doanh thu sẽ giảm mạnh trong năm nay do các biện pháp phong tỏa, trước khi phục hồi vào năm 2021.
Một dấu hiệu tích cực là người tiêu dùng Mỹ đã lạc quan hơn trong tháng này. Khảo sát hàng tháng của trường Đại học Michigan cho thấy lòng tin tiêu dùng đã cải thiện, tăng từ 71,8% trong tháng Tư lên 73,7% trong tháng Năm, nhờ những khoản hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân và gia đình.
Tuy nhiên, với hàng triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu mỗi tuần kể từ khi các biện pháp phong tỏa được thực hiện vào giữa tháng Ba, giới phân tích lo ngại kinh tế Mỹ sẽ mất nhiều tháng để đẩy lùi được tình trạng suy giảm.
Trong phân tích số liệu về doanh số bán lẻ, Oxford Economics cho rằng việc số người thất nghiệp gia tăng, thu nhập giảm và lòng tin tiêu dùng yếu sẽ tiếp tục làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng.
Các nhà kinh tế Gabriel Ehrlich và Daniil Manaenkov của Đại học Michigan ngày 15/5 nhận định nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi từng bước, sau khi giảm mạnh trong quý II/2020 do tác động của các chính sách nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Kinh tế Mỹ trong quý II/2020 có thể giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, song sẽ phục hồi mặc dù còn chậm và có thể trở lại mức trước khi đại dịch bùng phát vào giữa năm 2022. Theo các nhà kinh tế, GDP của nước này có thể giảm 4% trong năm 2020, sau đó tăng trưởng khoảng 3% vào năm 2021 và 2% năm 2022.
Các nhà kinh tế trên nhận định, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể đạt đỉnh là 17,4% trong quý II năm nay, sau đó giảm xuống 8,9% vào cuối năm 2020 và 7,6% vào cuối năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục