Kinh tế Nhật Bản đang trong tình trạng lạm phát

09:10' - 25/02/2024
BNEWS Tại cuộc họp ủy ban ngân sách Hạ viện, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), ông Kazuo Ueda, nhận định kinh tế Nhật Bản hiện trong tình trạng lạm phát, không phải giảm phát.
 

Thống đốc BoJ cho biết tác động của chi phí nhập khẩu cao đang yếu dần, tuy nhiên giá dịch vụ đang tăng trong bối cảnh lương tăng.

BoJ vẫn giữ quan điểm tăng lương là cần thiết để đạt mục tiêu lạm phát 2%. Ngân hàng này đang theo dõi chặt chẽ kết quả đàm phán về lương giữa các nghiệp đoàn và giới quản trị sẽ kết thúc trong tháng Ba tới.

BoJ đang tập trung vào việc nhận biết rõ chu kỳ tăng lương và tăng giá, như một nhân tố trong việc quyết định khi nào thay đổi chính sách tiền tệ siêu lỏng đã áp dụng nhiều năm, bao gồm cả lãi suất âm.

Ông Ueda nhấn mạnh cần theo dõi diễn biến giá cả trong khoảng từ 1,5-2 năm khi đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ, đồng thời lưu ý rằng lạm phát cơ bản "đang bắt đầu tăng".

Năm ngoái, kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái trong quý IV/2023, sau hai quý giảm liên tiếp, do xuất khẩu mạnh không bù đắp được sự suy yếu của nhu cầu trong nước.

Các nhà kinh tế Nhật Bản đang theo dõi sát sao nhu cầu bên ngoài trong quý I/2024, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay. Một mối lo ngại khác là tác động đối với ngành sản xuất ô tô do các vụ bê bối giả mạo kết quả kiểm tra an toàn xe tại Daihatsu Motor - công ty con thuộc tập đoàn sản xuất ô tô Toyota nổi tiếng của Nhật Bản.

Mặc dù thị trường kỳ vọng BoJ sắp thay đổi chính sách sau nhiều năm nới lỏng tiền tệ, đồng yen vẫn yếu so với đồng USD, làm tăng chi phí nhập khẩu của Nhật Bản. Đồng tiền Nhật Bản trong tháng Một vừa qua giảm 9% so với tháng 1/2023.

Chính phủ Nhật Bản ngày 21/2 đã lần đầu tiên hạ mức đánh giá về sức khỏe nền kinh tế trong bối cảnh nước này trở nên thận trọng hơn về sức tiêu dùng và sản xuất tư nhân.

Những thông tin được tiết lộ gần đây cho thấy Nhật Bản đã rơi vào suy thoái vào cuối năm 2023, dẫn đến chính phủ nước này hạ thấp quan điểm về tiêu dùng tư nhân lần đầu tiên sau hai năm. Điều này cũng cho thấy sự đóng góp của lĩnh vực dịch vụ, vốn bị tích tụ trong giai đoạn dịch COVID-19, đã giảm dần. Trước đây, dịch vụ vốn được coi là lĩnh vực hỗ trợ nền kinh tế dù cho chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Báo cáo kinh tế hàng tháng của Văn phòng Nội các cũng đưa ra lập trường thận trọng về hoạt động sản xuất sau hàng loạt vụ bê bối về kiểm tra an toàn từ các công ty thuộc tập đoàn Toyota Motor Corp., Daihatsu Motor Co. và Toyota Industries Corp.

Báo cáo cho biết, nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi với tốc độ vừa phải, dù gần đây nó có vẻ đang chững lại. Dữ liệu công bố tuần trước cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản đã giảm 0,4% trong quý từ tháng 10-12/2023. Trên cơ sở danh nghĩa, Nhật Bản đã nhường vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cho Đức vào năm 2023 và hiện đứng ở vị trí thứ tư.

Báo cáo kinh tế ngày 21/2 kêu gọi cảnh giác trước tác động của việc tăng lãi suất mạnh mẽ ở nước ngoài, sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc và tình hình căng thẳng ở Trung Đông. Ngoài ra, cần chú ý đầy đủ đến tác động kinh tế của trận động đất ở bán đảo Noto hồi đầu năm 2024.

Báo cáo cho hay sự gia tăng gần đây của tiêu dùng cá nhân và đầu tư kinh doanh dường như đang chững lại.

Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh giá hàng hóa hàng ngày tăng cao trong khi nhiệt độ ấm áp làm hạn chế nhu cầu về quần áo mùa Đông. Lạm phát ở Nhật Bản đã giảm xuống trong những tháng gần đây, song các hộ gia đình vẫn chưa cảm nhận được mức tăng lương khi tính đến lạm phát.

Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh thị trường tài chính kỳ vọng rằng BoJ sẽ kết thúc chính sách lãi suất âm vào mùa Xuân này sau khi xác nhận tốc độ tăng lương trong vòng đàm phán mới nhất giữa liên đoàn lao động và ban quản lý.

BoJ nhấn mạnh tới tăng trưởng tiền lương vì ngân hàng này hướng tới mục tiêu đạt được lạm phát ổn định nhờ nhu cầu trong nước. Báo cáo của chính phủ cho biết, giá tiêu dùng gần đây tăng ở mức vừa phải.

Trong khi đó, theo phân tích của Nikkei Asia, các công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán của Nhật Bản có thể sẽ đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm thứ ba liên tiếp, với tổng lợi nhuận vượt dự báo trước đó nhờ biên giới được mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, giá cả tăng vọt và đồng yen mất giá.

Các tập đoàn lớn dự kiến sẽ tạo ra lợi nhuận ròng 43.500 tỷ yen (289 tỷ USD) cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2024, tăng 13% so với năm trước đó. Mức ước tính này sẽ vượt qua dự báo 40.000 tỷ yen được đưa ra từ tháng 5/2023.

Lợi nhuận từ lĩnh vực sản xuất được dự đoán sẽ tăng 16% lên 21.400 tỷ yen, trong đó lĩnh vực phi sản xuất sẽ tăng 11% lên 22.100 tỷ yen. Đây là là những mức cao kỷ lục.

Theo ông Ueda, BoJ dự báo giá cả tại Nhật Bản tiếp tục tăng, giống như năm 2023 và trước đó. Vì vậy, ông khẳng định: "Về mặt này, chúng ta đang trong tình trạng lạm phát, không phải giảm phát".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục