Kinh tế Pháp thời COVID-19: Khó khăn đang ở phía trước

06:00' - 23/08/2020
BNEWS Tại Pháp, hiếm khi nào chính phủ và tất cả các nghiệp đoàn có chung quan điểm về toàn cảnh kinh tế và xã hội của đất nước. Năm 2020 là một ngoại lệ.

Dịch COVID-19 "thổi bay" 270 tỷ euro (317 tỷ USD) trong GDP của Pháp, thêm 1 triệu người bị mất việc làm, khả năng gia nhập thị trường lao động của 700.000 sinh viên sắp tốt nghiệp bị đe dọa, trong lúc ngân sách nhà nước đang cạn dần và virus SARS-CoV-2 vẫn rình rập tái bùng phát. Chính quyền Pháp đang chuẩn bị kết thúc một "mùa Hè đỏ lửa".

Về phía chính phủ, từ Tổng thống Emmanuel Macron, Thủ tướng Jean Castex, cho đến Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire đều đồng loạt cảnh báo "Pháp đang đứng trước những tuần lễ khó khăn". Các nghiệp đoàn bất luận màu sắc chính trị cũng đưa ra những dự báo tương tự.

Hàng loạt tập đoàn lớn của Pháp trên sàn chứng khoán thông báo thua lỗ và đang chuẩn bị các kế hoạch sa thải nhân viên, liên tục cầu viện chính phủ. Tất cả những khó khăn chồng chất này đều bắt nguồn từ việc đại dịch COVID-19 đẩy hoạt động kinh tế của Pháp vào cảnh tê liệt. Đúng ba tháng sau khi Paris thông báo dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, guồng máy sản xuất hoạt động với công suất chỉ bằng từ 70-80% so với trước khi dịch bệnh bùng phát.

GDP của Pháp trong quý II/2020 giảm 13,8%, sau khi đã giảm gần 6% trong ba tháng đầu năm 2020, theo ước tính của Cơ quan Thống thống kê quốc gia (INSEE). Đây là hậu quả trực tiếp của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong 8 tuần, tiêu thụ nội địa giảm hơn 10% trong giai đoạn từ giữa tháng Ba đến cuối tháng Năm đầu tư của các doanh nghiệp giảm 18%; chỉ số sản xuất giảm 14,2% trong quý II/2020 sau khi đã giảm hơn 5% trong ba tháng đầu năm nay.

Doanh nghiệp phá sản hoặc thua lỗ

Ngày 16/3, khi thông báo các biện pháp phong tỏa ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, Tổng thống Macron tuyên bố "không một doanh nghiệp nào phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ" trong thời gian phải ngưng hoạt động.

Ba tháng sau, nghiên cứu của Đài Quan sát về Tình hình Kinh tế Pháp (OFCE) dự đoán, về lâu dài, 8 tuần hoạt động cầm chừng và tác động kéo dài của đại dịch khiến nguy cơ các doanh nghiệp trên toàn quốc bị phá sản tăng lên 80% so với thời kỳ trước COVID-19.

Nói cách khác, trung bình ở Pháp, rủi ro một công ty bị phá sản là 1,8%. Do tác động của virus SARS-CoV-2, tỷ lệ này vọt lên 3,2%. Như vậy, từ 55.000 đến 95.000 công ty vừa và nhỏ có nguy cơ phải đóng cửa và cứ 1 trong số 10 công ty rơi vào cảnh thiếu thanh khoản.

Hệ lụy từ các vụ phá sản này là ít nhất 250.000 người phải rời khỏi thị trường lao động, theo nghiên cứu của OFCE. Các lĩnh vực bị thiệt hại nhiều nhất gồm nhà hàng, quán bar, những hoạt động liên quan đến lĩnh vực giải trí, du lịch.

Nếu dân Pháp và những du khách hiếm hoi đến Pháp ngừng đi ăn ở các nhà hàng, thì có tới 250.000 nhân viên phục vụ, các nhà cung cấp… bị đe dọa mất việc. Trong ngành du lịch, các du thuyền lớn nhỏ trên thế giới đều bị "cầm chân" tại các cảng kể từ khi bị coi là "hang ổ của virus SARS-CoV-2". Riêng tại Pháp, khoản thất thu trong nửa đầu năm nay ước tính lên tới gần 1 tỷ euro (1,2 tỷ USD), 30.000 nhân viên bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, xưởng đóng tàu ở Saint-Nazaire vùng Loire Atlantique nhìn ra Đại Tây Dương lo ngại các đơn đặt hàng sẽ bị hủy. Thêm 3.000 nhân viên làm việc trực tiếp tại xưởng đóng tàu và khoảng 5.000 người lao động của các công ty gia công cho Saint -Nazaire có thể bị mất việc. Ngân hàng Trung ương Pháp dự đoán tỷ lệ thất nghiệp trong năm nay bị đẩy lên tới 12%.

Cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám cũng là thời điểm 40 doanh nghiệp lớn nhất của Pháp niêm yết trên thị trường chứng khoán công bố báo cáo kinh doanh. Chưa khi nào mức thua lỗ lại nghiêm trọng như lần này.

Trên đài truyền hình France 3, nhà báo Etienne Lefèvre của nhật báo kinh tế Les Echos so sánh, Renault thông báo lỗ 7 tỷ euro, mức nặng nhất kể từ khi bắt đầu hoạt động. Trong ngành công nghiệp hàng không, Airbus lỗ 1,5 tỷ euro, trong khi trước đó "đại gia" này luôn luôn báo lãi.

Thêm vào đó, từ Tập đoàn dầu khí Total cho đến Hãng hàng không quốc gia AirFrance hay Công ty đường sắt quốc gia SNCF, đều thua lỗ bạc tỷ. Trong một tuần lễ, 40 doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường chứng khoán Pháp trong danh sách CAC 40 thông báo thua lỗ 30 tỷ euro trong sáu tháng đầu năm 2020.

Năm ngoái, lãi của các doanh nghiệp hàng đầu này của Pháp là 80 tỷ euro và ngay cả hồi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 các doanh nghiệp này vẫn lãi đến 50 tỷ euro. Điều đó cho thấy thiệt hại tài chính của đại dịch COVID-19 đang nghiêm trọng tới mức nào.

Tháng 9/2020 có thể là "điểm nóng"

Tại sao Chính phủ Pháp chờ đợi một "làn sóng" doanh nghiệp phá sản kể từ tháng Chín trở đi? Câu trả lời khá đơn giản: Kể từ ngày 23/8, các biện pháp "khẩn cấp" mà chính phủ đã liên tục duy trì để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ hết hiệu lực.

Các biện pháp hỗ trợ đó gồm hoãn đóng thuế, chính phủ bảo lãnh khi các công ty vay ngân hàng, kế hoạch khẩn cấp 110 tỷ euro, mà trong đó có đến gần 25% là nhằm tài trợ cho 8 triệu người lao động được hưởng quy chế thất nghiệp bán phần, giúp số người này vẫn có được thu nhập ổn định, qua đó tiếp tục chi tiêu.

Nói cách khác, đến đầu tháng Chín tới, các công ty, cửa hàng, các chủ doanh nghiệp hay các doanh nghiệp lớn đều sẽ phải đóng thuế cho nhà nước, lại phải thanh toán các khoản nợ đáo hạn cho ngân hàng… Khi đó, họ không còn được "đặt dưới máy trợ thở nữa", như ghi nhận của Thierry Millon, Giám đốc Altares Dun, một cơ quan chuyên thu thập thông tin về các doanh nghiệp, trụ sở tại ngoại ô Paris.

Theo ông, hơn 10.000 doanh nghiệp Pháp thuộc diện này. Một công ty được coi là nằm trong vùng an toàn nếu có được một "tấm đệm" tiền mặt đủ để có thể hoạt động từ 4-5 tháng dù có làm ăn thua lỗ. Nhưng đối với hơn 100.000 công ty, "tấm đệm" an toàn đó hiện nay bị rút ngắn lại còn chưa đầy 30 ngày.

Điều này báo động rằng Pháp khó tránh khỏi các đợt phá sản sắp tới. Giới ngân hàng đang tăng vốn dự trữ, đề phòng tình trạng các "con nợ" mất khả năng thanh toán và tỷ lệ nợ khó đòi tăng cao.

Ngân sách cạn dần, nợ tăng nhanh

Về mặt ngân sách, COVID-19 đã làm tiêu tan tất cả những nỗ lực của nhiều chính quyền liên tiếp nhằm lấy lại cân bằng cho các quỹ bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp hay quỹ lương hưu. Virus SARS-CoV-2 đào sâu thêm thâm hụt quỹ bảo hiểm y tế và chưa biết tới khi nào Pháp mới có thể cân bằng khoản thất thu hơn 30 tỷ euro mùa Xuân vừa qua.

Các khoản chi tiêu của chính phủ để tài trợ cho các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm việc làm cho người dân tăng nhanh. Thâm hụt ngân sách nhà nước trong năm 2020 ước tính cao gấp 5 lần so với năm 2019. Bộ Tài chính Pháp cho biết, đến nay Chính phủ đã chi ra 450 tỷ euro để khắc phục hậu quả kinh tế, y tế và xã hội của dịch COVID-19. 

Nhà báo Etienne Lefèvre của tờ Les Echos phân tích, về mặt xã hội, hậu quả lớn nhất là đối với thị trường lao động. Các doanh nghiệp có tên trong chỉ số CAC 40 thông báo sa thải hàng loạt nhân viên. Airbus, Renault, Air France và gần đây nhất là tập đoàn Accord đều có kế hoạch giải thể hàng nghìn việc làm. Quan trọng hơn là những khó khăn của các doanh nghiệp ty này ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều hãng khác.

Đó là những hãng làm gia công cho các doanh nghiệp có tên trong chỉ số CAC 40, hay là các nhà cung cấp cho của Airbus, Renault... Các tập đoàn công nghiệp lớn dù có gặp khó khăn họ cũng đủ sức đối phó với khủng hoảng. Ngược lại, những công ty vừa và nhỏ, không có nhiều vốn dự trữ, có nguy cơ bị phá sản. Kịch bản này đang ngày càng rõ nét trong những tuần lễ sắp tới.

Điểm đáng chú ý thứ hai là ngân sách của nhà nước Pháp cũng cạn dần. Tất cả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp từ tháng Ba đến nay đều rất tốn kém, trong khi đó khoản thu gần như không có. Chính phủ cho phép các doanh nghiệp tạm ngừng đóng thuế cho nhà nước và tạm ngừng đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội.

Chính phủ cũng đã đứng ra bảo đảm cho các doanh nghiệp khi họ cần đi vay ngân hàng. Ngân sách đang bị thâm hụt. Tới nay cũng chưa biết làm thế nào để tài trợ tất cả các kế hoạch kích cầu hàng trăm tỷ euro này.

Cuối cùng, một trong những hồ sơ nóng chờ đợi Chính phủ Pháp trong những tuần lễ sắp tới là đội ngũ sinh viên trẻ bắt đầu bước vào thị trường việc làm. Paris muốn tránh để 700.000 thanh niên dưới 26 tuổi trở thành "một thế hệ bị hy sinh" dưới tác động của dịch COVID-19.

Hai tuần lễ sau khi nhậm chức, Thủ tướng Jean Castex thông báo về khoản ngân sách 6,5 tỷ euro trong hai năm tới để giúp giới trẻ bước vào thị trường lao động. Đáng chú ý nhất là biện pháp giảm thuế để khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng thanh niên.

Điện Matignon đề ra mục tiêu từ nay đến tháng 1/2021 sẽ giúp 450.000 thanh niên dưới 26 tuổi tìm được việc làm, 230.000 người tiếp tục được đào tạo trực tiếp ngay tại các hãng và ký được 100.000 hợp đồng dưới dạng vừa học vừa làm.

Tuy nhiên, tất cả những kế hoạch đầy tham vọng nói trên chỉ có thể giúp nước Pháp ghi được những bàn thắng quan trọng trên phương diện kinh tế, trong kịch bản là trên mặt trận y tế, giới y khoa kiểm soát được đà lây lan của đại dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục