Kinh tế phi chính thức: Một góc nhìn khác (Phần 1)

05:30' - 12/08/2018
BNEWS Kinh tế phi chính thức là bài toán khó đối với bất kỳ cơ quan quản lý nào bởi bản chất khó xác định và khoanh vùng của nó thách thức tính trung thực cũng như sự chính xác của các nền tảng thống kê.
Kinh tế phi chính thức: Một góc nhìn khác. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, chưa quản lý được không có nghĩa là bất hợp pháp. Thậm chí trong một số trường hợp đặc biệt, đằng sau bức màn chưa vén ấy là một nền tảng vô hình giúp đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế thế giới.

Khi nhắc đến kinh tế phi chính thức (hay còn gọi là kinh tế chưa quan sát được) người ta thường nghĩ ngay đến những hoạt động trái pháp luật như sản xuất hay buôn bán ma túy… Tuy nhiên, khái niệm này thực ra lại rộng lớn hơn thế.

Nó bao gồm cả những hoạt động kinh tế tuy hợp pháp nhưng cố tình giấu diếm nhằm tránh phải nộp thuế và thực hiện các quy định khác của Nhà nước, hoặc là những đơn vị sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ tham gia quá trình sản xuất hàng hóa, dịch vụ với mục tiêu cơ bản là tạo thu nhập. 

Điều đáng ngạc nhiên là dù khó quản lý nhưng những hoạt động kinh tế “ngầm” lại đóng vai trò rất quan trọng đối với các nền kinh tế, không chỉ là một động lực vô hình giúp duy trì các hoạt động vĩ mô mà còn góp phần cải thiện tình trạng thất nghiệp, từ đó ngăn ngừa những biến động kinh tế, chính trị.

Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kinh tế phi chính thức đóng góp trung bình từ 1% cho đến 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia trên thế giới.

Báo cáo do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 30/4 cho thấy hơn 61% số dân có việc làm của thế giới, tương đương 2 tỷ người, đang làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức, trong đó chủ yếu là người dân tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Ở Đông Nam Á, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ người lao động làm trong khu vực kinh tế phi chính thức cao.

Tương tự, tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, thị trường việc làm vẫn diễn biến tích cực mặc dù tăng trưởng GDP không mấy ấn tượng.

Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng nhờ lĩnh vực kinh tế không chính thức đã tiếp nhận lượng lớn người lao động bị sa thải khỏi các khu vực kinh tế chính thức của nước này, từ đó làm nhẹ đi sự mất cân bằng trên thị trường lao động mỗi khi có biến động xảy ra. Theo con số thống kê mới nhất, khoảng 60% nền kinh tế Indonesia phụ thuộc vào khu vực kinh tế không chính thức. 

Trong khi đó, kinh tế phi chính thức đóng góp tới 55% GDP khu vực châu Phi phía Nam Sahara. Những công việc tuy không có tên gọi chính thức song lại đóng vai trò như một “chiếc chân chống” đối với nền kinh tế khu vực bởi sức chứa lên tới hàng triệu đơn vị kinh tế và cung cấp việc làm cho hàng triệu người dân - trong đó có cả những cá nhân có nền tảng giáo dục thấp, tay nghề không cao, vốn có rất ít cơ hội được tuyển dụng trong những hoạt động kinh tế chính thức truyền thống. 

Dù đóng vai trò không thể thiếu trong thời kỳ khó khăn, những người lao động tự do luôn phải chịu nhiều thiệt thòi. Họ không những không được hưởng phúc lợi cố định như bảo hiểm sức khoẻ hay bảo hiểm lao động mà thậm chí những còn được trả lương thấp và ít có khả năng thăng tiến.

Bên cạnh đó, đây cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn thu thuế lên tới hàng triệu USD mỗi năm. Theo nghiên cứu của Giáo sư Friedrich Scheneider thuộc trường đại học Linz của Áo, Liên minh châu Âu (EU) mỗi năm đã để thất thoát khoảng 454 tỷ euro, tương đương 8,6% tổng số doanh thu thuế nhận về, vì sự tồn tại của các hoạt động kinh tế chưa được giám sát.  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục