Kinh tế Trung Quốc: Bài toán nan giải mang tên đòn bẩy tài chính (Phần 2)

06:30' - 05/09/2017
BNEWS “Một cuộc gỡ bỏ đòn bẩy tài chính thực sự có nghĩa là quên đi mục tiêu tăng trưởng, phân bổ đồng đều các nguồn lực cho toàn bộ nền kinh tế”, theo Andrew Polk từ công ty nghiên cứu Trivium China.
Hệ thống tài chính của Trung Quốc cần được tiếp tục nâng cấp. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện nay Trung Quốc vẫn có nguồn lực lớn để giải quyết nợ. Nước này có lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ ở mức 3.000 tỷ USD, cộng với lượng tiền tiết kiệm trong dân chúng lên tới 24.000 tỷ USD giúp hệ thống ngân hàng dồi dào tiền mặt.

Điều Trung Quốc cần làm là sẵn sàng để những công ty hoạt động kém hiệu quả phá sản, thay đổi đáng kể cách thức huy động và phân bổ vốn và cuối cùng là ngừng đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế một cách cứng nhắc.

“Một cuộc gỡ bỏ đòn bẩy tài chính thực sự có nghĩa là quên đi mục tiêu tăng trưởng, phân bổ đồng đều các nguồn lực cho toàn bộ nền kinh tế”, Andrew Polk – đồng sáng lập của công ty nghiên cứu Trivium China nói.

Trong mấy năm trở lại đây, phần lớn tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tiền đi vay (thực tế là nợ còn tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm qua).

Khi vốn được bơm vào những doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh, đội quân “doanh nghiệp xác sống” được tạo ra. Dù dư thừa sắt thép, than đá và xi măng, Chính phủ Trung Quốc vẫn chọn cách cứu vớt các doanh nghiệp trong những ngành này thay vì xóa sổ chúng.

Theo ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), phần lớn số nợ doanh nghiệp thuộc về những công ty không được niêm yết trên sàn chứng khoán, đặc biệt là những công ty làm việc trong lĩnh vực nhà nước, với số nhân viên lên đến 60 triệu người. Giới phân tích cho rằng đây là tác nhân gây lỗ và là “gánh nặng” của ngân hàng nhà nước.

Từ năm 2015 trở về trước, gần như không có vụ vỡ nợ nào trên thị trường trái phiếu Trung Quốc. Năm ngoái cũng chỉ có 31 vụ. Tỷ lệ phá sản ở Trung Quốc là 0,1%, so với mức 2% ở Mỹ.

Bên cạnh đó là thị trường bất động sản phát triển quá nóng, thậm chí nóng hơn cả thị trường nhà đất Mỹ ở thời đỉnh cao năm 2006 nếu xét theo tỷ lệ tương quan với GDP. Trên toàn quốc, có 50 triệu đơn vị nhà ở đã được bán nhưng đến nay vẫn bỏ trống.

Cải thiện lợi nhuận doanh nghiệp có thể là yếu tố giúp giải quyết bài toán về nợ của Trung Quốc mà không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô. Hiện nay, lợi nhuận doanh nghiệp đang có xu hướng được cải thiện, bất chấp những điều kiện tài chính khó khăn trong một số khía cạnh kinh tế.

Theo số liệu từ hãng tin Thomson Reuters, gần 1.000 công ty phi tài chính được niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải ghi nhận lợi nhuận tăng khoảng 70% trong quý I/2017 so với cùng kỳ năm 2016.

Hệ thống tài chính của Trung Quốc cần được tiếp tục nâng cấp. Hiện khu vực “ngân hàng trong bóng tối” với các định chế tài chính không được quản lý đã có quy mô lên tới 9.600 tỷ USD.

Một trong những tác dụng phụ không mong muốn mà chiến dịch hạ nhiệt thị trường bất động sản gây ra chính là các công ty chuyển sang sử dụng những nguồn tín dụng khác không bị kiểm soát.

Theo Xu Gao, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Everbright, chỉ riêng trong tháng Ba số nợ không được hạch toán vào bảng cân đối kế toán đã tăng thêm 109 tỷ USD so với tháng trước đó.

Không có lý do nào khiến Trung Quốc trì hoãn các cải cách cho phép giảm dần nợ xuống mức có thể kiểm soát được mà vẫn đảm bảo tăng trưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhưng các nhà lãnh đạo nước này cần nhận thức rằng đó là việc phải làm. Và một cuộc dỡ bỏ đòn bẩy không được hoạch định kỹ càng có thể gây nên hậu quả thảm khốc, bằng chứng là sự kiện thị trường tài chính Trung Quốc lâm nguy năm 2015.

Nếu tín dụng tiếp tục được rót vào những ngành kém hiệu quả, đó là một sự lãng phí khủng khiếp. Thậm chí cả trong những ngành hoàn toàn mới, vốn nhận được nhiều trợ cấp và ưu đãi thuế của Chính phủ, cũng đã xuất hiện tình trạng dư thừa. Câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có thật sự cần tới hơn 200 công ty sản xuất xe điện và 800 công ty robot?

Iris Pang, chuyên gia kinh tế của tập đoàn dịch vụ tài chính ING tại Trung Quốc, nhận định rằng tháo gỡ đòn bẩy tài chính là một quá trình rất dài và không ai muốn việc này xảy ra trong một quãng thời gian ngắn, bởi vì nó sẽ rất tốn kém, không chỉ đối với ngành ngân hàng mà còn đối với cả nền kinh tế nói chung liên quan đến các khoản nợ xấu, các khoản vay và dư nợ ngân hàng.

Xem thêm:

Kinh tế Trung Quốc: Bài toán nan giải mang tên đòn bẩy tài chính (Phần 1)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục