Kon Tum tìm giải pháp phòng chống bệnh chổi rồng trên cây sắn

09:27' - 19/04/2018
BNEWS Sau khi TTXVN phản ánh tình trạng bệnh chổi rồng bùng phát tại huyện Đăk Tô, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan trong tỉnh tìm giải pháp xử lý bệnh trên cây sắn.
Bệnh chổi rồng trên cây sắn ở huyện Đăk Tô chủ yếu xuất hiện trên giống sắn KM94 đã được người dân trồng trong hơn 20 năm qua. Ảnh: TTXVN

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra xác minh nội dung báo chí phản ánh, hướng dẫn các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ về phòng chống bệnh chổi rồng trên cây sắn trên địa bàn huyện Đăk Tô biết triển khai thực hiện.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, điều tra phát hiện những khu vực trồng sắn có nhiễm bệnh chổi rồng để áp dụng các biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả; định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Với Ủy ban nhân dân huyện Đăk Tô chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các phòng, ban liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ bệnh chổi rồng trên cây sắn theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Ủy ban nhân dân huyện Đăk Tô tăng cường hướng dẫn nhân dân các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất sắn bền vững, rà soát cơ cấu giống sắn trên địa bàn, vận động người dân sử dụng giống sắn sạch bệnh để sản xuất, tuyệt đối không sử dụng cây sắn bị bệnh làm giống trong vụ trồng mới.

Trước đó, ngày 18/4, TTXVN đã có bài viết Kon Tum “Mất thu nhập vì cây sắn bị bệnh chổi rồng”. Theo đó, trong suốt hơn 20 năm qua, người trồng sắn ở huyện Đăk Tô chủ yếu trồng loại giống KM94.

Giống này ưu điểm hợp thổ nhưỡng, dễ trồng, ít thâm canh, dễ thu hoạch khi củ sắn mọc ngang, không cắm sâu dưới lòng đất. Tuy nhiên, đến niên vụ 2017-2018, giống sắn KM94 đã bắt đầu bị thoái hóa, bệnh chổi rồng tấn công mạnh so với các năm.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô, toàn huyện có hơn 1.000 ha sắn bị bệnh chổi rồng, năng suất, chất lượng giảm hẳn ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, việc tìm nguồn giống sắn khác cho niên vụ mới này rất khó khăn khi vụ trồng đã cận kề.

Huyện Đăk Tô có nhiều chính sách nhưng tất cả còn nằm trên giấy vì thực tế nguồn giống sắn mới khó tìm khi thời vụ sắn đã cận kề. Không tìm được giống mới, một số người trồng sắn ở huyện Đăk Tô tính đến việc buộc sử dụng giống cũ dù biết có bệnh, năng suất không cao để trồng trong niên vụ mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục