Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Cần chủ động phục hồi danh dự cho người bị oan

12:36' - 31/05/2017
BNEWS Phục hồi danh dự cho người bị oan phải là “trách nhiệm công vụ” chứ không phải là “quan hệ dân sự”.

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 31/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Nội dung này đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh dự phiên họp tại hội trường . Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Bảo đảm tính khái quát trong phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày trước Quốc hội, đã làm rõ một số vấn đề lớn của dự án Luật.

Về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, qua thảo luận đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; đề nghị rà soát, bổ sung các trường hợp khác thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong từng lĩnh vực đã được pháp luật quy định để bảo đảm tính bao quát.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị việc quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần cân nhắc phù hợp, bảo đảm quyền của người dân nhưng đồng thời phải bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước.

Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật hiện hành về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để chỉnh lý dự thảo Luật trên nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong hoạt động quản lý hành chính (Điều 17), bổ sung trường hợp bồi thường do áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái pháp luật: “buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng” (khoản 3 Điều 17).

Việc bổ sung quy định này là để bảo đảm phù hợp với Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đồng thời tăng cường tính minh bạch, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bổ sung trường hợp bồi thường do “Không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của Luật Tố cáo các biện pháp bảo vệ người tố cáo khi người đó yêu cầu” (khoản 6 Điều 17). Việc bổ sung quy định này là để bảo đảm phù hợp với điểm d khoản 1 Điều 35 của Luật Tố cáo năm 2011, đồng thời quy định cụ thể hơn từng trường hợp được bồi thường để bảo đảm tính khả thi. Bổ sung trường hợp bồi thường do “Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin” (khoản 7 Điều 17).

Việc bổ sung quy định này là để bảo đảm thống nhất với khoản 2 Điều 15 của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; đồng thời giới hạn chỉ bồi thường trong một trường hợp cụ thể gắn với lỗi cố ý của người thi hành công vụ.

Trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 18) bổ sung trường hợp bồi thường “Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật” (khoản 1 Điều 18) cho thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 31 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhưng cụ thể và chặt chẽ hơn, bảo đảm tính khả thi, đồng thời bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (Điều 19), quy định cụ thể trường hợp bồi thường “Ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị cơ quan có thẩm quyền kết luận là trái pháp luật mà người ra bản án, quyết định đó bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hình sự hoặc hành vi trái pháp luật của họ đã được xác định tại quyết định giải quyết khiếu nại hoặc kết luận nội dung tố cáo của Chánh án Tòa án có thẩm quyền” (khoản 5 Điều 19); cụ thể hóa nội dung làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc bằng các hành vi cụ thể: “Thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, chứng cứ hoặc bằng các hành vi khác làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc dẫn đến việc ban hành bản án, quyết định trái pháp luật” (khoản 6 Điều 19).

Việc chỉnh lý như trên phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và làm rõ hơn căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người đã ra bản án, quyết định. Quy định như vậy cũng bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn hoạt động của Tòa án.

Về trách nhiệm hoàn trả, nhiều ý kiến tán thành quy định rõ về mức hoàn trả ngay trong Luật này; có ý kiến đề nghị giải trình quy định về mức hoàn trả cụ thể, căn cứ xác định mức hoàn trả, xác định mức độ gây thiệt hại của từng người thi hành công vụ quy định tại khoản 2 Điều 64.

Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm quy định cụ thể về trách nhiệm hoàn trả trong Luật là cần thiết, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, nâng cao trách nhiệm người thi hành công vụ và xác định rõ trách nhiệm của họ đối với những thiệt hại mà Nhà nước đã phải bồi thường.

Tuy nhiên, quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ cần căn cứ vào nguyên tắc xác định mức độ lỗi theo quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời có tính tới khả năng hoàn trả cũng như bảo đảm mức độ hợp lý để người thi hành công vụ có thể tiếp tục yên tâm làm việc.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về trách nhiệm hoàn trả tại Chương VII của dự thảo Luật; xác định rõ mức hoàn trả căn cứ vào yếu tố lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người thi hành công vụ (khoản 2 Điều 64).

Mức hoàn trả cụ thể như dự thảo quy định đã được cân nhắc, tính toán trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành, bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi.

Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì mức hoàn trả của từng người cũng được xác định theo nguyên tắc như đối với trường hợp có một người thi hành công vụ gây thiệt hại nhưng tổng mức hoàn trả không vượt quá số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Quy định về thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ cũng được chỉnh lý cụ thể hơn tại Điều 65 của dự thảo Luật.

Việc phục hồi danh dự cho người bị oan phải là trách nhiệm "trách nhiệm công vụ”

Về việc tổ chức công khai xin lỗi người bị oan và phục hồi danh dự cho người bị oan, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng: Dự thảo Luật vẫn tiếp cận theo hướng chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, Nhà nước mới tổ chức công khai xin lỗi và phục hồi danh dự cho họ.

Trong trường hợp người bị oan không có đơn yêu cầu thì việc xin lỗi công khai và phục hồi danh dự không diễn ra. Phân tích nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng: Bộ luật Dân sự quy định cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự thì có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin đó xin lỗi và cải chính công khai.

Trong đó, xin lỗi và cải chính công khai là quan hệ dân sự thuộc về quyền nhân thân, do đó chỉ khi người bị oan có yêu cầu Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai.

Theo đại biểu, việc trích dẫn Điều 34 của Bộ luật Dân sự vào dự thảo Luật này là chưa phù hợp, bởi ở đây không phải do cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự mà là cá nhân bị cơ quan tố tụng làm oan trong quá trình giải quyết vụ án.

Do đó, phục hồi danh dự cho người bị oan phải là trách nhiệm “trách nhiệm công vụ” chứ không phải là “quan hệ dân sự”.

Các đại biểu dự họp phiên toàn thể. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Nhấn mạnh tới tính chất rất nghiêm khắc của các biện pháp tố tụng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu rõ: Nếu như các biện pháp tố tụng được áp dụng đúng thì sẽ phát huy tác dụng trong phát hiện tội phạm, nhưng nếu các biện pháp này áp dụng sai thì hậu quả để lại cho người bị oan là rất quan trọng.

Đại biểu dẫn chứng cụ thể về việc bắt người: Nếu việc bắt người được tiến hành tại nơi người đó cư trú thì phải có sự chứng kiến của cơ quan sở tại và xóm giềng; nếu việc bắt người được tiến hành tại nơi người đó công tác thì phải có sự chứng kiến của đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác. Sau khi bắt xong, các quy phạm pháp luật hướng dẫn là phải tiến hành các thao tác: Khám người; còng tay; áp giải đi.

"Như vậy sau khi trải qua tất cả các quy trình đó, trước sự chứng kiến của đông đảo xóm giềng, đồng nghiệp, vợ con... mà sau này được xác định là bị oan, lại phải có đơn yêu cầu mới được cơ quan Nhà nước phục hồi danh dự" - đại biểu nêu băn khoăn và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung này.

"Đã có một vụ án oan xẩy ra, đã có một người vô tội bị đưa vào vòng tố tụng, hơn ai hết trước khi mong được Nhà nước bồi thường về vật chất, người bị oan sai mong muốn tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ, để họ được trở thành một người bình thường trong xã hội, để họ không phải chịu ánh mắt canh chừng của xã hội" - đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu rõ.

Trên cơ sở những phân tích này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị chỉnh lý nội dung này trong dự thảo Luật theo hướng sau khi có văn bản xác định là bị oan thì cơ quan tố tụng chủ động tổ chức xin lỗi công khai người bị oan và phục hồi danh dự cho họ, trừ trường hợp người bị oan đề nghị không tổ chức xin lỗi công khai.

Đồng tình với những phân tích và quan điểm này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu rõ, bất cứ ai phạm lỗi thì phải xin lỗi trước, chưa cần được yêu cầu phải xin lỗi. Ở góc độ khác, đại biểu Nhưỡng nhìn nhận, không phải tất cả mọi người dân đều hiểu được quyền của mình, đặc biệt là người có trình độ văn hóa thấp, người sống ở vùng sâu, vùng xa, cần hết sức công bằng với người dân.

Đại biểu nêu rõ: "Chúng ta đang xây dựng Nhà nước phục vụ, một Nhà nước phục vụ thì không cần phải để dân xin mình thì mới phục vụ mà Nhà nước phải tự mình phục vụ, Nhà nước cần thực hiện nghĩa vụ này chủ động, không bắt dân phải đòi hỏi mới thực hiện".

Bồi thường thiệt hại về tinh thần với người thân thích của người bị oan

Thảo luận bồi thường thiệt hại về tinh thần với người thân thích của người bị oan trong tố tụng hình sự, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) tán thành với quan điểm thứ nhất trong dự án Luật, chỉ bồi thường tinh thần cho người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan trong trường hợp người bị oan chết, để đảm bảo tính khả thi của Luật và cũng phù hợp với Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên, đại biểu thấy rằng mức bồi thường bằng 360 tháng lương cơ sở, gấp 3 lần so với quy định tại Điều 591 của Bộ luật Dân sự về thiệt hại tính mạng, là mức rất cao, Ban soạn thảo cần có giải trình cụ thể hơn về vấn đề này.

Cũng đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) nhìn nhận về bản chất, bồi thường nhà bước là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nên phải phù hợp với Bộ luật Dân sự.

Đây là khoản bồi thường cho người bị oan, nhưng do người bị oan đã chết, nên những người thừa kế được hưởng.

Nếu qui định bồi thường cho cả người thân thích của người bị oan còn sống thì khó có cơ sở cho sự giải thích tại sao chỉ bồi thường cho người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất mà không bồi thường cho những người thuộc hàng thừa kế tiếp theo, cũng không có căn cứ xác định mức bồi thường cho từng người được bồi thường đó.

Còn nếu bồi thường cho tất cả những người được thừa kế thì xác định hàng thừa kế và người thừa kế vô cùng phức tạp và cũng chưa có đánh giá tác động, tính khả thi của quy định, cũng như thông lệ quốc tế, đại biểu Đào Tú Hoa phân tích.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo sẽ hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội thông qua. Những nội dung nào còn ý kiến khác nhau sẽ gửi phiếu xin ý kiến của các đại biểu.

Chiều 31/5, theo chương trình, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục