Bên lề Kỳ họp Quốc hội: Đại biểu hiến kế gỡ khó cho doanh nghiệp và thị trường

17:08' - 30/10/2023
BNEWS Hiện có kiến nghị bổ sung đưa doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế VAT, song việc này cần xem xét kỹ lưỡng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới đang tác động bất lợi đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, doanh nghiệp được dự báo còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp và thị trường.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Nghiên cứu thành lập tổ công vụ giúp thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ lúc này, liên quan đến các khoản thuế, phí, tiền thuê đất theo hướng giảm và giảm sâu hơn. Đối với chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) cần xem xét giảm thêm, từ đó "bồi bổ" thêm để vực dậy doanh nghiệp, giúp họ ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp, Chính phủ, các bộ, ban, ngành cần xem xét hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục cải cách hành chính.

Thậm chí, nghiên cứu thành lập tổ công vụ giúp việc thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Theo đó, thay vì doanh nghiệp phải đi làm các thủ tục, tổ công vụ sẽ đứng ra thay mặt doanh nghiệp thực hiện. Nói cách khác, chỉ cần doanh nghiệp có ý tưởng, đề án kinh doanh, còn việc xin giấy phép cơ quan, đơn vị sẽ có tổ công vụ thực hiện tất cả thủ tục hành chính này.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương): Không nên áp dụng tràn lan chính sách giảm thuế VAT

Biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm thuế giá trị gia tăng thời gian qua có tác dụng kích cầu nhất định. Đối với người tiêu dùng được mua hàng giá thấp hơn, từ đó tiêu dùng xã hội nhiều hơn. Lúc này, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi, thuế của doanh nghiệp đóng góp tăng lên.

Tuy nhiên, dù có kéo dài thời gian giảm thuế VAT thêm 6 tháng hay hơn nữa, đây vẫn là biện pháp hỗ trợ trước mắt. Về lâu dài, theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều doanh nghiệp cần chưa hẳn là hỗ trợ về tiền, thuế phí mà quan trọng nhất là hỗ trợ về thủ tục hành chính. Hiện thủ tục hành chính, nhất là với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn rất nhiều và rườm rà.

Chính phủ vẫn nhận định đây là rào cản rất lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi đó doanh nghiệp vẫn cần sự thông thoáng, minh bạch và đơn giản về thủ tục hành chính. Đơn cử, đối với doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, khâu thủ tục hành chính cần nhanh chóng để sớm đưa dòng vốn vào sản xuất kinh doanh. Điều này giúp doanh nghiệp có doanh thu và có lãi sẽ tốt hơn nhiều so với chỉ tập trung giảm thuế, phí.

Hiện có kiến nghị bổ sung đưa doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế VAT, song chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng đối với kiến nghị này. Bởi, mục tiêu giảm thuế VAT chủ yếu đối với nhóm ngành hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân và kích cầu tiêu dùng xã hội.

Đối với doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, cần đánh giá, rà soát xem người dân được hưởng lợi như thế nào, đối với ngân sách nhà nước tác động ra sao. Chúng ta không nên áp dụng tràn lan chính sách giảm thuế VAT trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội): Cải cách thể chế tiếp sức cho các động lực tăng trưởng

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ nay đến cuối năm, bên cạnh tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng như xuất khẩu, Chính phủ, các bộ, ban, ngành cần có giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, thị trường trong nước thông qua giảm thuế VAT và một số các biện pháp khác.

Thực tế, đằng sau các biện pháp trên đều cần cải cách thể chế. Trong khi dư địa để cải cách thể chế hiện còn lớn, nếu như động lực tăng trưởng được đưa ra thông qua cải cách thể chế sẽ giải quyết được nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, vướng mắc về chính sách đất đai, thu hút vốn…. Lúc này, cải cách thể chế tiếp sức cho các động lực tăng trưởng, thậm chí tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Tuy vậy, để tăng trưởng dài hạn và ổn định, bên cạnh cải cách thể chế, chúng ta cần tính đến việc thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa, xanh hóa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục