Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Tiến hành công tác nhân sự

07:56' - 25/11/2019
BNEWS Ngày 25/11, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp 8, sáng 25/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Luật sửa đổi liên quan tới 22 điều; bổ sung mới 03 điều một số quy định của Luật năm 2012 về căn cứ trưng cầu giám định; cách thức trưng cầu và “phân tuyến” thực hiện giám định trong trường hợp vụ việc giám định liên quan đa ngành, đa lĩnh vực; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định, cơ quan thực hiện giám định; thẩm quyền trưng cầu và thực hiện giám định; thời hạn giám định; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp; trách nhiệm của các bộ, ngành chủ quản đối với hoạt động giám định tư pháp; việc áp dụng quy định của Luật trong thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan thanh tra.
Trước đó, trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật, các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về tên gọi, quan điểm chỉ đạo, phạm vi sửa đổi của dự án Luật; tổ chức giám định tư pháp công lập; quy định tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp; về thời hạn giám định; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực giám định tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước và nhiệm vụ quyền hạn của UBND cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; về kinh phí giám định; về áp dụng quy định trưng cầu giám định của cơ quan thanh tra…
Thời gian còn lại của phiên họp sáng, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Sau nội dung này, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và biểu quyết Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục