Kỷ nguyên mới của cây trồng biến đổi gien tại Trung Quốc

06:30' - 23/01/2024
BNEWS Việc Trung Quốc thương mại hóa các loại cây trồng biến đổi gien này có thể giúp cường quốc châu Á tăng sản lượng và giảm sự phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu.
Trang mạng caixin.com cho biết, các nhà chức trách Trung Quốc đã chính thức cấp lô giấy phép đầu tiên cho việc sản xuất và bán các giống ngô và đậu tương biến đổi gien (GM). Việc thương mại hóa các loại cây trồng biến đổi gien này có thể giúp cường quốc châu Á tăng sản lượng và giảm sự phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu.

Mặc dù kế hoạch chi tiết cho việc bán và trồng các giống cây trồng mới vẫn chưa được tiết lộ, nhưng các nhà chức trách đã thông báo giấy phép được cấp cho một số nhà sản xuất hạt giống tại 13 khu vực cấp tỉnh, bao gồm Bắc Kinh và các tỉnh sản xuất ngũ cốc lớn như Hà Bắc, Liêu Ninh, Cát Lâm và Nội Mông, có hiệu lực cho đến ngày 24/12/2028,

Theo các nguồn tin trong ngành, việc thực hiện trên thực tế sẽ chịu sự giám sát của chính phủ và bị hạn chế ở các khu vực được chỉ định. Hoạt động canh tác ngô biến đổi gien có thể sẽ được tập trung ở các trung tâm ngũ cốc nói trên hoặc các tỉnh phía Đông Bắc như Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Cát Lâm.

Vào cuối tháng 12/2023, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết đã cấp giấy phép cho 26 nhà sản xuất hạt giống trong nước để sản xuất, chế biến, đóng gói và bán 36 giống ngô biến đổi gien và 10 giống đậu tương biến đổi gien. Hơn một nửa số giống này đến từ công ty China National Seed Group Co. Ltd., cũng như các công ty con của Beijing Dabeinong Technology Group Co. Ltd. và Yuan Longping High-Tech Agriculture Co. Ltd., đem lại viễn cảnh về một bộ ba tiềm năng thống trị trong thị trường cây trồng biến đổi gien Trung Quốc.

 
Động thái mới nhất này mở rộng danh sách các loại cây trồng biến đổi gien được phép sản xuất và bán trong nước, trước đây chỉ bao gồm bông kháng côn trùng và đu đủ kháng bệnh. Chỉ riêng trong trường hợp ngô biến đổi gien, dự kiến việc cấp phép sẽ tạo ra một thị trường trị giá lên tới 43 tỷ nhân dân tệ (6 tỷ USD), theo các nhà nghiên cứu trong ngành.

Giáo sư Shen Zhicheng tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ sinh học của Đại học Chiết Giang nói: "Cuối cùng chúng tôi cũng đang trên con đường xúc tiến thương mại đáng kể (cây trồng biến đổi gien), khác với tất cả các động thái trước đây".

Cây biến đổi gien thường được sản xuất bằng cách chèn DNA mới vào tế bào thực vật và nuôi cấy chúng trong môi trường nuôi cấy mô. Hạt giống mà cây trưởng thành tạo ra thừa hưởng DNA mới. Mặc dù đến nay Trung Quốc vẫn chưa chính thức thương mại hóa cây trồng biến đổi gien, nhưng từ năm 2021 nước này đã tiến hành trồng thí điểm ngô và đậu tương biến đổi gien trong nỗ lực tăng nguồn cung trong nước và giảm bớt lo ngại về an ninh lương thực khi nhu cầu trong nước tăng và những bất ổn do khí hậu quốc tế ngày càng khắc nghiệt.

Tuy đã thực hiện một số bước tiến, nhưng Trung Quốc vẫn thận trọng về việc áp dụng đầy đủ công nghệ này. Trong một tuyên bố riêng được công bố vào ngày 7/12/2023, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết: "Việc quảng bá, bán hàng và diện tích trồng thực tế của các giống cây biến đổi gien phải tuân thủ các thỏa thuận quốc gia có liên quan về công nghiệp hóa nhân giống sinh học", đồng thời tiết lộ sự chấp thuận đối với 46 giống cây trồng biến đổi gien.

Điều này có nghĩa là việc trồng cây chỉ được phép ở những khu vực do Bộ chỉ định. Ông Xie Wei, Giám đốc của một công ty con có trụ sở tại Bắc Kinh thuộc công ty Wanxiang Doneed Co. Ltd,. đã có giấy phép sản xuất hạt giống trong lần cấp mới nhất này. Ông cho biết lô hạt giống ngô biến đổi gien đầu tiên từ công ty của họ sẽ được tung ra thị trường vào cuối tháng Giêng.

Hiện tại, các giống cây trồng biến đổi gien vẫn chịu sự quản lý bởi chính phủ. Ông Zhao Guibin, cựu Giám đốc cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy công nghệ nông nghiệp của tỉnh Cam Túc, chia sẻ việc nhân giống và sản xuất hạt giống phải được cấp phép, và các khu vực trồng phải được xác định bởi chính quyền. Ông nói thêm rằng thương mại hóa dự kiến sẽ được thực hiện “dần qua từng năm".

Theo Giáo sư Shen, việc cấp giấy phép sẽ không mang lại bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong ngắn hạn. Ông phân tích: “Không có công ty hạt giống nào dám sản xuất số lượng lớn hạt giống biến đổi gien trong năm đầu tiên vì bất kỳ sai sót nào cũng có thể gây ra tổn thất lớn” và “cả nhà nước và các công ty đều rất thận trọng".

Một số nguồn tin trong ngành cho biết, các nhà quản lý dự kiến sẽ điều chỉnh các thỏa thuận trồng và bán liên quan đến hạt giống biến đổi gien trên cơ sở từng trường hợp cụ thể trước khi mùa gieo trồng vụ mùa Xuân tới.

Trung Quốc là nước mua ngô và đậu tương lớn nhất thế giới.  Dữ liệu hải quan công bố hôm 18/1 cho thấy nhập khẩu thực phẩm của nước này đạt gần 162 triệu tấn vào năm 2023, tăng 11,7% so với cùng kỳ một năm trước. Hơn 60% trong số đó là đậu tương. Năm ngoái, Trung Quốc cũng nhập khẩu 27,1 triệu tấn ngô trong nước ngoài, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.

Việc nhập khẩu ngô và đậu tương biến đổi gien của Trung Quốc chủ yếu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và nguồn dầu ăn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục