Kỳ vọng từ hội nghị cấp cao ASEAN

10:04' - 15/11/2020
BNEWS Các cuộc họp cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dưới sự chủ trì của Việt Nam diễn ra từ ngày 12-15/11 sẽ giải quyết các vấn đề đã thách thức khu vực Đông Nam Á trong năm nay.

Trên thực tế, một trong những lĩnh vực quan trọng mà các nước đã thảo luận trong các cuộc họp trù bị của ASEAN và cả trong Hội nghị Cấp cao Đông Á tiếp theo sẽ liên quan đến việc duy trì hòa bình và giải quyết hòa bình các tranh chấp, đặc biệt là ở Biển Hoa Nam (Biển Đông), nêu rõ sự cần thiết phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Các bên cũng đề cập đến các khía cạnh khác nhau, liên quan đến an ninh khu vực, thương mại và đầu tư, giải quyết các thách thức liên quan đến Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy sự đồng thuận đối với tầm nhìn của cộng đồng ASEAN cũng như sự đồng thuận về bảo vệ môi trường, rác thải biển, ô nhiễm nước sông và khói bụi xuyên biên giới.

Một trong những dấu mốc quan trọng mà ASEAN đã đạt được trong hai thập kỷ qua là mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước như Canada, Chile, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác, những nước góp phần vào sự phát triển và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở khu vực này. Các mối quan hệ đối tác này cần được bổ sung thêm nhiều đối tác mới để có thể thúc đẩy triển vọng phát triển kinh tế và tăng trưởng.

Mọi người đều thừa nhận rằng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) từng vấp phải sự phản đối trong quá khứ nhưng các quốc gia mới như Cuba, Colombia và Nam Phi đã tham gia ký kết hiệp ước này.

TAC đã được thảo luận như một yếu tố quan trọng để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, và quá trình này cần được tăng cường để có thể đáp ứng cho những nước mới tham gia. Một khía cạnh quan trọng được vạch ra trong năm 2019 là khía cạnh về ASEAN và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Như trong triển vọng của ASEAN đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các bên có thể tiến hành hợp tác trong các khía cạnh như kết nối hàng hải, an ninh, thúc đẩy phát triển bền vững và vạch ra những con đường mới cho hoạt động kinh tế.

Vấn đề kết nạp thành viên mới trong ASEAN cũng có thể được thảo luận. Trong vài năm qua, các nước như Timor Leste đã và đang tìm cách xem xét việc gia nhập ASEAN nhưng Timor Leste cần phải đáp ứng một số tiêu chí cơ bản có thể được bàn tới trong các cuộc họp ASEAN này.

Đối với ASEAN, vấn đề quan trọng sẽ là lôi kéo sự tham gia của chính quyền Mỹ mới của đảng Dân chủ và duy trì sự chú ý mà Mỹ từng dành cho khu vực này, đặc biệt là về Biển Đông cũng như cung cấp vũ khí quân sự cho nhiều quốc gia đang đối mặt với những căng thẳng với Trung Quốc.

Với thực tế là Indonesia và Việt Nam đã được bầu làm thành viên không thường trực của Liên hợp quốc (LHQ), có thể các nước đối tác đối thoại và hai quốc gia này sẽ vạch ra các lĩnh vực quan trọng có thể được giải quyết ở cấp cao nhất.

Một trong những lĩnh vực mà ASEAN có thể nghiên cứu là tiến hành thỏa thuận hợp tác rộng rãi với LHQ trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang đệ trình các vụ kiện lên LHQ và các cơ quan liên quan. Hai tổ chức này có thể phối hợp hành động với nhau.

ASEAN cũng cần nghiên cứu thành lập nhóm đánh giá và phản ứng khẩn cấp, bao gồm hỗ trợ và hồi hương những người bị di tản trên khắp khu vực do đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19).

Người tị nạn là một vấn đề chính gây tranh cãi giữa các quốc gia Đông Nam Á. Về vấn đề này, điều cần thiết là ASEAN sẽ hối thúc sự tham gia của các quốc gia như Myanmar cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến việc hồi hương người tị nạn Rohingya.

Vấn đề an toàn tại Biển Đông và duy trì tự do hàng hải và hàng không sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với thương mại hàng hải khu vực cũng như hàng không dân dụng.

Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) đã không được các đối tác đối thoại như Trung Quốc coi trọng. Do đó, Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) cần được thảo luận trong các cuộc họp với các đối tác đối thoại.

Một điều được thừa nhận rộng rãi đó là sự tin cậy lẫn nhau giữa các bên tranh chấp đã đi xuống và việc lòng tin bị tổn hại đã làm xáo trộn hòa bình và yên tĩnh ở Biển Đông.

Trong khi đó, những diễn biến liên quan đến bán đảo Triều Tiên và cuộc đối thoại với Mỹ đã làm dấy lên hy vọng rằng hòa bình có thể đạt được trên bán đảo Triều Tiên.

Hai nước Đông Nam Á (Singapore và Việt Nam) cũng đã tham gia vào quá trình đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Khả năng tiếp tục tiến trình này dưới chính quyền Mỹ mới có thể sẽ được thảo luận bên lề các hội nghị ASEAN.

Năm nay, các nền kinh tế Đông Nam Á đã bị tổn hại vì đại dịch COVID-19 và lũ lụt, do đó cần có sự đồng thuận về y tế, các quy trình tiêu chuẩn và cả về hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN.

Trong khi hội nghị ASEAN sẽ đưa ra đánh giá giữa kỳ về các kế hoạch của cộng đồng ASEAN đến năm 2025, Việt Nam cũng nêu bật các vấn đề như bình đẳng giới, phụ nữ tham gia quốc hội, thúc đẩy thanh niên ASEAN và ngoại giao Nghị viện ASEAN.

Bởi chủ đề của cuộc họp ASEAN năm nay là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” nên trọng tâm ở đây sẽ là sự đoàn kết và tính trung tâm của tổ chức này.

Năm 2020 sẽ là một cột mốc quan trọng để hướng tới kế hoạch hành động trong tương lai và cách thức mà ASEAN có thể hành động liên quan đến vấn đề vật tư, thiết bị y tế, giải quyết các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và phát triển chương trình nghiên cứu và phát triển vaccine trong khu vực.

Trước đây, ASEAN đã nỗ lực lớn trong việc giải quyết các mối quan tâm về môi trường, các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng như đưa ra các sáng kiến an ninh ở cấp khu vực.

Các sáng kiến liên quan đến hội nhập ASEAN giữa các nước Đông Nam Á lục địa sẽ là một ưu tiên nhằm thúc đẩy sự bổ sung kinh tế và phân công lao động cũng như phát triển các cơ sở sản xuất tốt hơn trên khắp Đông Nam Á.

Về vấn đề kết nối trong ASEAN, cuộc thảo luận sẽ bàn về các dự án cơ sở hạ tầng, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, xây dựng kết nối con người với con người cũng như thúc đẩy liên kết giáo dục đại học giữa các nước đối tác đối thoại và các quốc gia thành viên ASEAN.

Không thể phủ nhận thực tế rằng mặc dù phần lớn các cuộc họp của ASEAN trong năm nay đều được thực hiện qua hình thức trực tuyến, nhưng các thỏa thuận và sự hiểu biết lẫn nhau được xây dựng thông qua các cuộc họp ASEAN sẽ đòi hỏi nỗ lực và sự chân thành của các nước thành viên và Chủ tịch ASEAN để có được một kết quả thực tế. Kết quả của hội nghị dưới sự chủ trì của Việt Nam sẽ là điều rất đáng để theo dõi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục