Lâm Đồng đấu tranh với nạn “tín dụng đen”

16:06' - 17/07/2018
BNEWS Đặc trưng cơ bản của “tín dụng đen” là giao dịch vay, mượn tiền mà người vay và người cho vay đều không muốn tiết lộ thông tin.

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra tình trạng cho vay nặng lãi không thế chấp, khiến nhiều gia đình không trả được nợ, dẫn tới việc bị các đối tượng kéo tới nhà siết nợ, phải bỏ trốn khỏi địa phương, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Đặc trưng cơ bản của “tín dụng đen” là giao dịch vay, mượn tiền mà người vay và người cho vay đều không muốn tiết lộ thông tin. Lãi suất huy động cho vay cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng, thủ tục đơn giản, đôi khi không cần bất cứ điều kiện gì đảm bảo.

Đó là loại giao dịch dân sự đã bị vô hiệu 1 phần, ví dụ, nếu vay 70 triệu đồng, sau 3 tháng cả gốc và lãi tăng lên 100 triệu đồng thì 2 bên làm giấy vay nợ 100 triệu đồng chứ không ghi tỷ lệ lãi suất vay… bởi vậy cơ quan chức năng rất khó xử lý.

Ngoài ra, trên địa bàn còn tình trạng một số người dân do ham lãi suất cao nên chơi huê, hụi rồi bị chủ huê, hụi chiếm đoạt tiền. Một số cán bộ ngân hàng lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo bằng các thủ đoạn vay tiền đáo hạn với lãi suất huy động cao, sau đó chiếm đoạt tài sản. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ phạm tội theo hình thức này.

Điển hình như, vụ Hoàng Nam Đến, nguyên cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Đức Trọng đã chiếm đoạt tổng cộng số tiền theo tố cáo của các bị hại lên tới 110 tỷ đồng. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố, bắt tạm giam để điều tra theo quy định của pháp luật.

Đại tá Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do một bộ phận người dân khó khăn, cần tiền làm ăn nhưng khó tiếp cận nguồn vay chính thống của các cơ sở tín dụng. Trong khi đó, “tín dụng đen” với thủ tục nhanh gọn nên người vay chấp nhận lãi suất cao.

Hiện vẫn chưa có văn bản thống nhất trong điều tra, xử lý đối với các tội danh như, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, còn tình trạng mỗi cơ quan tiến hành tố tụng hiểu 1 cách, các quy định của pháp luật còn nhiều sơ hở để tội phạm lợi dụng lách luật.

Cụ thể, nếu đối tượng không bỏ trốn khỏi địa phương, có khả năng chi trả, đi chữa bệnh dài ngày ở nơi khác…sẽ không bị xử lý hình sự mà chỉ là quan hệ dân sự.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Lâm Đồng triển khai một số giải pháp, tập trung đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” gắn với các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.

Đối với các vụ việc xảy ra khẩn trương điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về các quy định về vay - cho vay, phương thức, thủ đoạn, hậu quả do “tín dụng đen” gây ra.

Công an tỉnh phối hợp với các ngành để tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng nhu cầu vốn trong nhân dân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa ra giải pháp để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn chính thức phục vụ sản xuất kinh doanh…/.

>>> Cần ngăn chặn triệt để các vụ "tín dụng đen"

>>> Nhức nhối nạn "tín dụng đen" vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục