Lâm Đồng mới giải ngân đầu tư công được hơn 17% kế hoạch

17:02' - 22/07/2024
BNEWS Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đến ngày 14/7 số vốn đầu tư công đã giải ngân là 1.378,6 tỷ đồng, đạt 17,3% kế hoạch, thấp hơn 8,7% cùng kỳ năm 2023.
Trước tình hình trên, tỉnh đã đặt ra nhiều giải pháp, đồng thời cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn.

Cụ thể tại Báo cáo số 162/BC-UBND ngày 19/7, UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh là 6.940, 487 tỷ đồng; trong đó nguồn ngân sách địa phương chiếm trên 74,3%, ngân sách Trung ương chiếm gần 25,7%, ngoài ra còn 1.043, 479 tỷ đồng từ kế hoạch đầu tư công năm 2023 chuyển sang.

 

Tuy nhiên, tính đến ngày 14/7, toàn tỉnh mới giải ngân được 20,1% nguồn vốn ngân sách địa phương, 14,3% nguồn vốn ngân sách Trung ương. Ước số vốn giải ngân đến ngày 30/9/2024 chỉ đạt 56,3% kế hoạch cả năm; trong đó, nguồn ngân sách địa phương đạt 62%, nguồn ngân sách Trung ương giải ngân được 39,9%.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công toàn tỉnh còn thấp so với kế hoạch đặt ra (mục tiêu 6 tháng giải ngân đạt 50% kế hoạch trở lên) được xác định bởi một số nguyên nhân cụ thể như khó khăn trong giải phóng mặt bằng xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét, hồ chứa nước Ka Zam, đường vành đai thành phố Đà Lạt.... Trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác do thuộc thẩm quyền của Trung ương, nên vướng mắc ở công trình xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét; tuyến đường ĐT.722 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Lắk... Mặt khác các công trình trọng trên địa bàn tỉnh đang thiếu mỏ vật liệu, mỏ đất đắp để phục vụ thi công các dự án...

Nguyên nhân chủ quan cũng được UBND tỉnh đưa ra như các dự án lớn, trọng điểm có thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài; trong đó, Dự án xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc- Liên Khương hiện đang được các cơ quan, đơn vị hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư.

Trước tình hình trên, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Cụ  thể như với 2 dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi và các hồ sơ có liên quan theo ý kiến của các cơ quan thẩm định; phối hợp với các sở chuyên ngành để bám sát cơ quan Trung ương trong quá trình lấy ý kiến, thẩm định để kịp thời chỉnh sửa để đảm bảo dự án sớm được phê duyệt.

Đối với vướng mắc trong giải phóng mặt bằng về chuyển mục đích sử dụng rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình lập hồ sơ, tích cực phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thẩm định hồ sơ, hướng dẫn thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các chủ đầu tư, địa phương gặp vướng mắc trong việc lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, xác định giá đất...; UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc làm tốt việc tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng dự án, nhất là đối với các dự án do cơ quan cấp tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn.

Tỉnh Lâm Đồng cũng đặt ra giải pháp kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng; vi phạm chất lượng công trình; chậm lập, giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản theo hợp đồng đã ký kết.

Đối với các dự án thuộc thẩm quyền Trung ương, tỉnh Lâm Đồng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng trong việc thẩm định, phê duyệt hoặc hướng dẫn các nội dung liên quan, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm khởi công dự án.

Đối với việc chồng lấn phần diện tích của dự án với diện tích theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đề nghị Trung ương có giải pháp cho phép tiếp tục đầu tư đối với các dự án thuộc đối tượng này. Cụ thể như dự án đường ĐT.725 nối tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đăk Nông, khu tái định cư tại huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc phục vụ hai dự án cao tốc… đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư của các dự án.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục