Làm gì để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương phát triển?

09:17' - 25/12/2019
BNEWS Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam nằm trong nhóm ba hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất ASEAN.

Khởi nghiệp sáng tạo là lực lượng chính của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa: TTXVN

Những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) với mục tiêu cùng với các địa phương hỗ trợ các Tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy kinh doanh, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo…

Để góp phần triển khai hiệu quả đề án, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định lấy doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, trong đó chú trọng đổi mới công nghệ để tăng năng suất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ.
* Nhiều hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung hỗ trợ, phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia với việc đồng loạt tổ chức sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại 4 vùng trọng điểm gồm: Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long; vùng Đông Nam Bộ; vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi Bắc Bộ.

Theo đó, năm 2020 và những năm tiếp theo Bộ sẽ tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh… hướng đến thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia phát triển mạnh, đặc biệt phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức "Hành trình thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" năm 2019 đi qua 9 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm: An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Đắk Lắk, Bình Định, Huế, Ninh Bình, Yên Bái, Lào Cai giúp thanh niên học hỏi, trải nghiệm và chia sẻ kinh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên.

Kết thúc hành trình, Ban tổ chức đã tôn vinh các tác giả có dự án khởi nghiệp xuất sắc để dự "Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia" - Techfest 2019.
Đặc biệt, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) Việt Nam 2019 với chủ đề "Nguồn lực hội tụ", đã thúc đẩy việc liên kết, phát triển mạng lưới, thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, các sự kiện khởi nghiệp góp phần cập nhật xu hướng công nghệ, tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, kết nối đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Năm 2019, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tiếp tục phát triển.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam nằm trong nhóm ba hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất ASEAN.

Trong 10 tháng năm 2019, lượng vốn thu hút được từ 29 thương vụ có công bố đã là 751 triệu USD, trong đó, thương vụ lớn nhất thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính có giá trị lên tới 300 triệu USD, đứng thứ nhất trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á.

Quy mô các thương vụ đầu tư lớn ngày càng tăng cho thấy tiềm năng hình thành các "Kỳ lân mới" – các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, được định giá trên 1 tỷ USD tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cho rằng: Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần sẵn sàng dấn thân, chấp nhận rủi ro để bước mạnh hơn với những ý tưởng mới, tạo ra sản phẩm mới cũng như cách tiếp cận thị trường mới, thậm chí tạo ra phân khúc thị trường mới dựa trên nền tảng công nghệ mới.

Sự thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam góp phần trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng thời, tinh thần đổi mới sáng tạo sẽ từng bước "ngấm" vào bộ máy chính quyền các cấp và toàn xã hội.
Ngoài các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, các sự kiện đổi mới sáng tạo cũng được nhiều địa phương, tổ chức hưởng ứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bà Trần Bích Hạnh, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ cho biết: Từ kinh nghiệm tham gia Đề án 844 với nhiệm vụ thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 15 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, để khởi nghiệp sáng tạo thực sự có kết quả cần sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền tại mỗi địa phương, bởi thiếu sự "chung tay" thì hoạt động khởi nghiệp sáng tạo sẽ "manh mún" và khó phát triển bền vững.
* Cần sự "chung tay" của địa phương
Tại hội thảo "Hội tụ nguồn lực hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạọ địa phương" mới diễn ra, ông Phạm Dũng Nam – Giám đốc Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương thường chọn xu hướng startup trong lĩnh vực như: Nông nghiệp, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm văn hóa truyền thống… bởi tận dụng nguồn sản phẩm sẵn có của địa phương.

Tuy nhiên, hơn 90% trong số này vận hành theo mô hình kinh doanh truyền thống, chưa có yếu tố đổi mới sáng tạo trong sản phẩm và ứng dụng công nghệ trong sản xuất.

Vì vậy, cần sự "chung tay" của địa phương trong quản lý, triển khai hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo Đề án 844 tại địa phương thông qua Thông tư 01/2018/TT-BKHCN và Thông tư 45/2019/TT-BTC, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và kết nối mạng lưới cố vấn để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngay tại địa phương, khu vực và các vùng trọng điểm để các startup có đủ năng lực duy trì mô hình kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, có khả năng tăng trưởng nhanh và nhân rộng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
Liên quan đến việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạọ địa phương, ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc Chương trình thúc đẩy kinh doanh của Vietnam Silicon Valley (VSV) cho rằng: Các startup địa phương cần tìm đến những chuyên gia cố vấn phù hợp với lĩnh vực mà doanh nghiệp khởi nghiệp của mình đang hoạt động, hiểu rõ sản phẩm địa phương, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và giải quyết những khó khăn từ ý tưởng đến mô hình kinh doanh.

Đến nay, Chương trình VSV đã ươm tạo hơn 80 dự án, trong đó 30% tỷ lệ dự án khởi nghiệp gọi vốn thành công, hiện Chương trình VSV đang xúc tiến nhân rộng mô hình VSV tại các địa phương, điển hình là VSV Nghệ An với việc phát triển mô hình "Art Cozy Accelerator" với mục tiêu chuyển đổi các mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ truyền thống tại các địa phương sang mô hình startup về phong cách sống.
Hiện nay, VSV hay những tổ chức như: Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator), Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES)… đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi mô hình tại địa phương để hướng đến mục tiêu có thể ươm tạo đội ngũ các "fouNder" (nhà sáng lập) với tư duy khởi nghiệp sáng tạo và tiến tới chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phát triển đột phá hơn.

Các chuyên gia đổi mới sáng tạo cũng cho rằng, để khởi nghiệp sáng tạo phát triển không thể đi "một mình" mà cần sự "chung tay" của địa phương để tận dụng nguồn lực hiệu quả từ trung ương tới địa phương.
Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 nhấn mạnh: Thời gian tới, Đề án 844 sẽ tiếp tục duy trì việc đào tạo nhân lực để làm "hạt giống" hỗ trợ tại nhiều tỉnh thành và lĩnh vực trên cả nước, nâng cao tỉ lệ các cá nhân thực sự trở thành mentor  (cố vấn) trong hệ sinh thái để đóng góp cho sự phát triển chung.
Có thể nói, với sự ra đời của thông tư 45/2019/TT-BTC về quản lý tài chính thực hiện Đề án 844, nhiều địa phương đã có căn cứ để triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đi vào thực chất.

Thời gian tới, chắc chắn những điểm sáng mới về khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước sẽ tiếp tục được hình thành dưới sự vào cuộc của cả các cấp quản lý và các tổ chức hỗ trợ tư nhân chuyên nghiệp, góp phần xây dựng, phát triển hệ sinh thái phù hợp với từng giai đoạn của mỗi địa phương, khu vực và vùng kinh tế trọng điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục